Khái niệm ‘Internet kết nối vạn vật – Internet of things’ thành đang hiện thực khi ngày càng có nhiều công ty, quốc gia ứng dụng Internet để giải quyết các vấn đề tồn tại.
Bên lề hội thảo “Vietnam Internet Day 2015” diễn ra vào ngày 19/11 tại Hà Nội, phóng viên PC World Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, đơn vị cung cấp công nghệ lõi cho các giải pháp Internet of things trên toàn cầu.
Thưa ông, theo nhận định của Qualcomm, thời gian tới “Internet of thing” có được coi là một trào lưu, thậm chí một cuộc đua giữa các quốc gia về khai thác các tiện ích của Internet không?
“Internet of things” không còn là một trào lưu mà nó đang diễn ra. Trên thực tế, “Internet of things” chính là việc nhân rộng các thành công trên smartphone (như năng lực tính toán, khả năng kết nối, công nghệ đồ họa,…) ra nhiều thiết bị khác.
Ở cấp độ quốc gia, “Internet of things” chính là xu hướng xây dựng các thành phố thông minh mà ở đó chính quyền có thể kiểm soát được mọi nguồn tài nguyên, sử dụng dữ liệu để điều hành công việc.
![]() |
Ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam . |
Và xu hướng triển khai thành phố thông minh đang được nhiều quốc gia triển khai mạnh mẽ với lý do càng ngày xu hướng đô thị hóa càng diễn ra mạnh mẽ. Hiện tại, 50% dân số thế giới đang sống ở đô thị. Trong tương lai, tỉ lệ này sẽ là 70%.
Trong quá trình triển khai theo xu hướng “Internet of thing”, yếu tố tiềm lực kinh tế của một quốc gia quyết định bao nhiêu phần trăm thành công? Các yếu tố còn lại là gì?
Để triển khai thành công bất kỳ một dự án “Internet of things” nào, hai vấn đề kết nối và chính sách là rất quan trọng. Và hai điều này hoàn toàn không phụ thuộc vào kinh tế. Thực tế cho thấy một số quốc gia không phải đứng đầu về kinh tế nhưng vẫn triển khai “Internet of things” thành công, đơn cử như Singapore hay Ấn Độ.
Liệu Việt Nam có thể bứt phá trong cuộc đua “Internet of thing”?
Việt Nam có nhiều lợi thế khi triển khai “Internet of things” bởi như đã nói ở trên, vấn đề kết nối là vô cùng quan trọng. Về điều này, Việt Nam đã có sẵn hạ tầng viễn thông tốt, được kết nối 3G và sắp tới là 4G. Các công ty tích hợp hệ thống của Việt Nam cũng rất mạnh, họ thậm chí đã rất thành công ở thị trường nước ngoài nên sẽ có nhiều kinh nghiệm khi triển khai ở Việt Nam. Người dân Việt Nam rất nhanh thích ứng với công nghệ, bằng chứng là tỉ lệ người dùng sử dụng smartphone và có kết nốiInternet là rất cao, chiếm 40% dân số.
Từ góc nhìn tư vấn, ông có thể chỉ ra một vài lĩnh vực mà “Internet of things” có thể giúp giải quyết một số vấn đề xã hội đang tồn tại?
Hai vấn đề xã hội nhức nhối mà Việt Nam đang cần giải quyết là tình trạng kẹt xe và quá tải bệnh viện. Theo tôi, điều này sẽ được cải thiện nếu triển khai “Internet of things”. Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, người bệnh sẽ được đeo các thiết bị theo dõi sức khỏe và các thông số về tình trạng bệnh sẽ được gửi liên tục đến bác sĩ. Qua đó, bác sĩ sẽ có những chỉ định kịp thời từ xa thay vì phải đến khám tập trung ở bệnh viện. Đối với các vùng sâu, vùng xa, các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành cũng có thể khám bệnh, hội chẩn từ xa qua hệ thống telemedicine, thậm chí thực hiện các thao tác chuyên môn từ xa… Tất cả những điều này giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, còn người bệnh được khám chữa kịp thời.
Trong lĩnh vực giao thông, tình trạng kẹt xe, ô nhiễm khói bụi sẽ được kiểm soát thông qua các cảm biến thông báo về trung tâm tình hình lưu lượng xe, các trạm thu phí điện tử… Từ đó, trung tâm điều hành giao thông sẽ có các biện pháp để giải quyết tắc nghẽn giao thông khi nó sắp có nguy cơ xảy ra.
Việc triển khai 4G tại Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến các dự án “Internet of thing”?
Trong lĩnh vực “Internet of things”, hoàn toàn không có ranh giới. Khi một doanh nghiệp đưa ra giải pháp, thị trường của họ là toàn cầu; trái lại, đối thủ của họ cũng là tất cả các doanh nghiệp trên thế giới. Vì vậy, 4G là không thể thiếu khi triển khai các dự án “Internet of things”, dù cho ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào. Bởi hạ tầng sẽ quyết định việc doanh nghiệp Việt Nam có cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác trên thế giới hay không.
Theo PCWORLD