Sau 5 tháng làm việc cật lực ngày 14 tiếng, tạo ra một sản phẩm phần cứng IoT từ đầu và đã tiêu tốn hàng ngàn đô la tiền của người khác, tôi và hai người đồng sáng lập tỉnh dậy với một cú sốc.
Tháng 7/2014
Vào tháng 7, chúng tôi bắt đầu xây dựng các công tắc thông minh có kết nối với internet, những công tắc này sẽ tự học từ hành vi người dùng và sẽ tự động hóa tất cả các thiết bị điện tử trong nhà.
Sản phẩm này bắt nguồn từ suy nghĩ là tại sao các kết quả tìm kiếm và news feed đều được cá nhân hóa tới người dùng, nhưng những ngôi nhà nơi mà chúng ta dành phần lớn thời gian của mình ở đó lại không được tự động hóa.
Chúng tôi đã có một tầm nhìn rằng những chiếc công tắc của chúng tôi sẽ học và cá nhân hóa các thiết bị điện tử trong ngôi nhà dựa theo hành vi của chủ ngôi nhà đó. Chúng tôi quyết định đặt tên công ty là Lumos. (Vâng, tôi là một fan cuồng của Harry Potter!)
Chúng tôi đã nhận được một ít tiền từ một nhà đầu tư thiên thần (angel investor) và bắt đầu đi vào nghiên cứu sản phẩm. Chúng tôi chuyển đổi một phòng lab trở thành không gian văn phòng của mình và câu chuyện của Lumos bắt đầu từ đó!
Chúng tôi làm việc như điên. Đó là đặc điểm của tính cách kỹ thuật trong chúng tôi; nếu bạn đưa cho chúng tôi một cái gì đó thú vị để xây dựng, chúng tôi sẽ quên tất cả mọi thứ khác và chỉ tập trung vào việc chế tạo nó. Nguyên mẫu đầu tiên của chúng tôi, đó là những chiếc đèn tự động, đã được làm xong trong 45 ngày.
Nguyên mẫu thứ hai, đó là đèn, quạt , ACs và máy nước nóng tự động đã được ra đời trong vòng một tháng tiếp theo. Tốc độ nghiên cứu và phát triển này là thực sự nhanh so với các tiêu chuẩn phần cứng.
Tháng 11/2014
Vào giữa tháng 11, chúng tôi nhận thêm một thành viên mới chuyên về thiết kế sản phẩm để thiết kế ra sản phẩm hoàn thiện. Trong tháng 12, chúng tôi đã đàm phán với các nhà đầu tư để có thể nhận được nguồn vốn đầu tư tiếp theo.
Chúng tôi đã đi đúng hướng để có một sản phẩm phần cứng có mặt trên thị trường trong vòng chưa đầy một năm. Chúng tôi đã hài lòng với chính mình. Các nhà đầu tư tỏ ra hài lòng với chúng tôi. Cuộc đời giống như một tấm thảm đầy hoa hồng đối với chúng tôi vậy.
Tháng 12/2014
Cho đến thời điểm đó. Chúng tôi đã đánh giá thấp những hoạt động giúp cho một sản phẩm phần cứng có thể sẵn sàng tung ra thị trường. Chúng tôi đã đánh giá quá cao nhu cầu và công dụng sản phẩm của mình.
Chúng tôi cực kỳ sai lầm về mức giá mà chúng tôi nghĩ rằng sản phẩm của mình sẽ bán được. Và khi chúng tôi hiểu ra mọi vấn đề thì mọi việc đã quá trễ.
Tháng 01/2015 đến tháng 4/2015
Chúng tôi đã rơi vào vòng xoáy chết người mà hầu như đã giết chết công ty. Chúng tôi đã phạm phải những sai lầm lớn. Chúng tôi rời khỏi lĩnh vực IoT. Một đồng sáng lập cũng bỏ chúng tôi ra đi trong giai đoạn này. Đó là một câu chuyện dài và tôi sẽ chia sẻ về nó trong một bài viết khác.
Bây giờ bạn đã có một số thông tin về startup của chúng tôi, và sau đây là 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ 5 sai lầm lớn nhất mà chúng tôi đã phạm phải khi xây dựng Lumos và những bài học nào mà chúng ta có thể học được từ đó.
Bài học 1: Hãy khởi nghiệp trên một lĩnh vực gì đó mà bạn là chuyên gia hoặc là một người sử dụng hàng đầu. Nếu không, trước tiên hãy trở thành một chuyên gia/người sử dụng hàng đầu trước đã.
Chúng tôi chưa bao giờ sử dụng các sản phẩm dành cho nhà thông minh ở trong chính căn nhà của mình. Chúng tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực IoT. Khi bạn mới bước chân vào một lĩnh vực gì đó mới mẻ, bạn sẽ thường mắc phải hội chứng nổi tiếng Dunning Kruger trong những quyết định của mình.
“Hiệu ứng Dunning-Kruger là một sự lệch lạc về mặt nhận thức trong đó những người kỹ năng kém thường mắc chứng ảo tưởng tự tôn, và họ đánh giá khả năng của mình cao hơn nhiều so với mức thực tế.”
Và chúng tôi đã mắc phải hiệu ứng Dunning Kruger. Nếu chúng tôi mà sử dụng các thiết bị công tắc thông minh hiện có, thì chúng tôi đã có thể biết rằng giá trị gia tăng mà sản phẩm của chúng tôi mang lại là khá thấp. Nếu chúng tôi là các chuyên gia trong lĩnh vực IoT, thì chúng tôi đã biết làm thế nào để định giá phần cứng và những khó khăn trong việc xây dựng nó.
Bằng cách tránh sai lầm này, bạn có thể tránh được rất nhiều sai lầm khác xảy ra như là một kết quả của nó.
Bài học 2: Tôi đã học được phương pháp rất hữu ích này trong một lần xin cấp vốn từ quỹ đầu tư Infuse Ventures. Tạo một danh sách đầy đủ những giả định quan trọng cho thị trường, sản phẩm và sự cạnh tranh của bạn. Các giả định then chốt là những yếu tố có thể làm cho công ty bạn thành công hoặc sụp đổ.
Xếp hạng chúng theo xác suất giả định là có nguy cơ sai lầm và kéo theo rủi ro cho công ty. Bắt đầu xác nhận từ trên xuống trong khi xây dựng ít nhất có thể.
Chúng tôi đã không hiểu thị trường và đối thủ một cách đầy đủ. Chúng tôi cũng đã không tìm ra tính cách khách hàng của mình. Và liệu khách hàng đó có đang tìm kiếm các giá trị mà chúng tôi đang cung cấp.
Chúng tôi đã không đặt câu hỏi liệu mình có thể cung cấp giá trị đó ở vị trí đầu tiên.
Luôn luôn có thể xác nhận hoặc phủ nhận rất nhiều giả định về sản phẩm, thị trường và sự cạnh tranh mà không cần phải xây dựng thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Một trong những cách chúng ta có thể thực hiện nó là bằng cách bán các sản phẩm hiện có tới các khách hàng tiềm năng của chúng ta.
Bài học 3: Việc người sáng lập phải cam kết về tầm nhìn của công ty là điều hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, có rất nhiều cách để đạt được một tầm nhìn. Đừng rơi vào tình yêu chỉ theo một cách. Chấp nhận khả năng là bạn có thể phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu.
Xây dựng một nét văn hóa minh bạch trong công ty của bạn. Khuyến khích sự bất đồng giữa các đồng sáng lập và giải quyết nó một cách khách quan nhất.
Không phải là chúng tôi không biết gì về các vấn đề trong sản phẩm của mình. Chúng tôi đã có những nghi ngờ trong tâm trí. Trong một startup, bạn hầu như luôn luôn có những nghi ngờ. Nhưng chúng tôi đã xây dựng rất nhiều. Chúng tôi chìm đắm trong tình yêu với sản phẩm của mình. Và chúng tôi đã không sẵn sàng để hỏi mình những câu hỏi khó trả lời.
Liệu có ổn không khi lại đi nghi ngờ về sản phẩm của chính mình? Liệu có ổn không khi những tiếng nói hoài nghi của bạn làm giảm tinh thần của cả nhóm?
Hoặc làm cho các đồng sáng lập của bạn cảm thấy rằng bạn đã không cam kết với ý tưởng và tầm nhìn như họ đang làm?
Nên chia sẻ những băn khoăn và hoài nghi của bạn với các đồng sáng lập trong định hướng phát triển lâu dài.
Nếu chúng tôi làm điều đó thì đã có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc của mình.
Bài học 4: Là một startup, bạn thường rất hạn chế về nguồn lực. Vì vậy, cách tốt nhất là xác định và giải quyết một vấn đề thật tốt thay vì lao đầu vào giải quyết “hàng triệu” vấn đề mà cái nào cũng ở mức tạm tạm.
Các startup thành công như Nest giải quyết vấn đề máy điều hòa nhiệt độ. Dropcam và Canary giải quyết các vấn đề an ninh. Cố gắng trở thành một loại thuốc gây nghiện đối với khách hàng của bạn thay vì trở thành một viên thuốc bổ.
Chúng tôi đã làm công tắc thông minh để có thể tự động hóa rất nhiều thứ, nào là đèn, quạt, ACs và máy nước nóng. Và lúc đó chúng tôi đang cố gắng để tự động hóa TV, tủ lạnh, lò nướng và xe hơi, v.v… và tất cả những thiết bị mà chúng tôi nghĩ là làm được.
Chúng tôi đã phung phí năng lượng của mình vào những thứ xa xỉ. Việc tiến hành làm cho những sản phẩm đó là rất phức tạp.
Bài học 5: Hiểu rõ điều bạn đang làm nếu bạn đang bắt đầu một công ty phần cứng và lập kế hoạch cho phù hợp. Tìm kiếm những người có kinh nghiệm tham gia vào nhóm của bạn hoặc được sự hỗ trợ của những vườn ươm khởi nghiệp có kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Việc xây dựng một startup thành công là rất khó khăn. Nhưng việc xây dựng một startup phần cứng còn khó khăn gấp chục lần.
Ví dụ như Pebble, đã gọi vốn thành công từ cộng đồng thông qua Kickstarter, nhưng vẫn đang ngụp lặn với những khó khăn của họ.
Việc xây dựng ra một nguyên mẫu là phần dễ nhất của việc xây dựng một startup chuyên về phần cứng. Thách thức thực sự đến từ khâu thiết kế sản phẩm, kỹ thuật sản xuất, sản xuất, phân phối và tiếp thị/bán hàng. Và bạn cần phải có bạn bè ở Trung Quốc.
Ngoài ra, xác nhận sản phẩm phần cứng và vòng đời sản phẩm thường dài hơn so với phần mềm. Việc gọi vốn là cực kỳ khó khăn; các quỹ đầu tư mạo hiểm thường yêu cầu bạn phải kêu gọi được vốn cộng đồng khoảng (xấp xỉ $1 triệu đô-la trên Kickstarter/Indiegogo) vì những rủi ro vốn có trong một startup phần cứng.
Việc quản lý dòng tiền là rất khó bởi vì bạn phải trả tiền cho các đại lý (vendor) của bạn nhiều tháng trời trước khi bạn kiếm được tiền từ các khách hàng.
Xem xét tất cả những điều này, thì chúng tôi không phải là một team phù hợp để đi xây dựng một công ty phần cứng.
Nguồn Techmaster