Công cuộc số hóa là xu hướng quan trọng nhất tác động tới doanh nghiệp trong những năm gần đây. Theo hãng tư vấn McKinsey: “Công nghệ số một cách cơ bản đang chuyển hoá môi trường cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, cho phép nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thị trường với những xuất phát điểm phi truyền thống.
Ví dụ như tại nhiều quốc gia, ngân hàng đang lấn sân sang thị trường du lịch. Trong khi, các đại lý du lịch lại bắt đầu thực hiện các hoạt động bảo hiểm; còn doanh nghiệp bán lẻ lại đi làm truyền thông. Danh mục đối thủ của doanh nghiệp bạn giờ đây đã không còn đơn giản như trước.”
Trong năm 2016, các công ty sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ để hỗ trợ quá trình số hóa, thông qua phương pháp 5 mũi nhọn bao gồm: mạng xã hội; di động; Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (Internet of Things); điện toán đám mây và phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, dù công nghệ là nhân tố thiết yếu trong quá trình số hoá, nhưng doanh nghiệp vẫn cần phải giữ vai trò hoạch định và dẫn dắt chiến lược.
Vậy trong năm 2016, các doanh nghiệp cần ghi nhớ những nguyên tắc chủ chốt nào để chuyển đổi kỹ thuật số?
Cam kết thực hiện quá trình số hoá một cách nghiêm túc
Hãy nhớ rằng đây không phải một dự án thử nghiệm. Các kỳ vọng của khách hàng ngày càng tăng cao và tinh hình cạnh tranh dần trở nên khốc liệt đến từ những doanh nghiệp khởi nghiệp khiến công cuộc số hoá trong doanh nghiệp trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Ban lãnh đạo cần hiểu biết sâu sắc về chiến lược số hoá của doanh nghiệp mình, trong khi bộ phận công nghệ thông tin (CNTT) phải có khả năng hỗ trợ thực thi những chiến lược ấy nhanh chóng.
Những chiến lược kỹ thuật số chỉ có thể thành công khi quy trình số hóa tại các bộ phận chăm sóc khách hàng được tích hợp chặt chẽ và tối ưu với các môi trường kinh doanh lõi.
Phát triển bộ phận CNTT theo định hướng hai phương thức
Các kỳ vọng về dịch vụ khách hàng ngày càng cao khiến nền tảng CNTT truyền thống khó có thể đáp ứng kịp theo nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh đó, một mặt, quá trình chuyển đổi CNTT phải thực hiện trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Mặc khác, yếu tố cốt lõi của quá trình số hóa lại là tính linh hoạt, để đảm bảo cho các doanh nghiệp cạnh tranh trong thời đại di động ngày nay.
Vì vậy, CNTT hai phương thức, hay CNTT hai tốc độ, là một giải pháp đầy hứa hẹn cho vấn đề này. Hãng nghiên cứu và tư vấn công nghệ hàng đầu Gartner định nghĩa CNTT hai phương thức là việc quản lý hai mô hình CNTT tách biệt nhưng cũng gắn kết, trong đó một bên tập trung vào sự ổn định, an toàn, còn một bên lại chú trọng về tốc độ và khả năng linh hoạt. CNTT hai phương thức cho phép doanh nghiệp chia đều nguồn lực để hỗ trợ các quy trình CNTT hiện hành cũng như thực hiện số hóa một cách nhanh chóng.
Những mô hình triển khai sử dụng điện toán đám mây đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện cả tốc độ và sự linh động. Tuy nhiên, CNTT hai phương thức cũng mang tới những thách thức đòi hỏi nguồn lực và các quy trình cần được quản lý, vận hành cẩn trọng trong quá trình số hóa.
Chuyển đổi đi cùng tích hợp
Các chiến lược số hoá doanh nghiệp chỉ có thể thành công khi quá trình số hóa các bộ phận chăm sóc khách hàng được tích hợp chặt chẽ với những môi trường kinh doanh cốt lõi tối ưu.
Sự tích hợp giữa các hệ thống tương tác trực tiếp (front-end) và nền tảng vận hành, cơ sở dữ liệu (back-end) đóng vai trò thiết yếu, ngay cả khi các hệ thống chủ chốt đang được tối ưu hóa và trở nên linh hoạt hơn. Điều này cho phép các mô hình kinh doanh điều chỉnh dễ dàng hơn và hoàn toàn có thể thay đổi cách thức kinh doanh của các công ty.
Dữ liệu vẫn giữ ngôi vương
Kỹ thuật số bao gồm Mạng lưới vạn vật kết nối Internet, Dữ liệu lớn và mạng xã hội – mỗi khía cạnh này được kỳ vọng sẽ tạo ra một lượng dữ liệu quan trọng cần được phân tích. Bởi vây, việc quản lý dữ liệu cần phải hiệu quả hơn bao giờ hết.
Các cấu trúc truyền thống nhằm quản trị dữ liệu doanh nghiệp cần được mở rộng để tích hợp với nhiều dạng dữ liệu khác nhau đang dần hiện diện.
Khách hàng kỳ vọng về dịch vụ thời gian thực, tức là họ đòi hỏi những dữ liệu cần thiết được cung cấp ngay vào thời điểm họ cần. Hiện nay, báo cáo thời gian thực sẽ định hình quá trình quyết định, chỉ có những doanh nghiệp đang tụt dốc mới không quan tâm tới xu hướng này.
Bảo mật tiếp tục là ưu tiên tối thượng
Với lượng nội dung được đăng tải trực tuyến ngày càng gia tăng, bảo mật dữ liệu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vai trò của nhân viên trong việc trở thành đại sứ thương hiệu của công ty đang ngày càng nâng cao, bởi mạng xã hội đang trở thành công cụ tiếp thị và tuyển dụng thịnh hành.
Vì thế, việc xác định đâu là những dữ liệu chính thức có thể chia sẻ qua mạng xã hội tại nơi làm việc hay tại nhà là vô cùng quan trọng. Điều này đòi hỏi tài khoản làm việc và tài khoản mạng xã hội cá nhân cần được kết nối với nhau.
Do các chủ thể kỹ thuật số đang trở nên phổ biến qua xu hướng sử dụng thiết bị di động gia tăng, các doanh nghiệp cần phải cập nhật những công nghệ tiên tiến để tăng độ bảo mật cho mình.
Một trong các công nghệ bảo mật mới là blockchain, không chỉ giúp đảm bảo nhiều chủ thể kỹ thuật số được an toàn mà còn gia tăng vượt trội độ bảo mật dữ liệu thông qua cơ chế phân phối sổ cái.
Bài viết của Subramanian Iyer, Giám Đốc Cấp Cao, Bộ phận Nghiên Cứu và Chiến Lược Khách Hàng, Oracle.
Theo Trí Thức Trẻ