AI và robot sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là “cướp đi”
Dù công nghệ mới sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, nhưng bản chất các công việc này sẽ thay đổi đáng kể và có thể không còn những vị trí cố định toàn thời gian..
Dù vượt qua con người về việc thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn vào năm 2025, sự phát triển của máy móc và phần mềm tự động hóa sẽ tạo ra 58 triệu việc làm mới trong 5 năm tới, CNBC dẫn báo cáo “Tương lai Việc làm 2018” (The Future of Jobs 2018) từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết.
Cụ thể, sự phát triển của công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể “cướp” đi 75 triệu việc làm, tuy nhiên sẽ có thêm 133 triệu vị trí mới được tạo ra khi các công ty tái cơ cấu bộ máy, phân bổ lại nhiệm vụ giữa con người và máy móc.
Đồng thời cũng sẽ có “những thay đổi đáng kể” trong chất lượng, vị trí và hình thức của các việc làm mới, mà theo đó các vị trí cố định toàn thời gian có thể không còn, báo cáo trên chỉ ra.
Một số công ty có thể lựa chọn sử dụng lao động thời vụ, lao động tự do và hợp đồng chuyên gia, trong khi một số khác tự động hóa nhiều nhiệm vụ trong quy trình làm việc. Theo đó, các nhân viên sẽ cần tới những kỹ năng mới khi sự kết hợp giữa máy móc và con người tiếp tục phát triển.
Theo khảo sát các công ty của WEF, máy móc được dự báo sẽ thực hiện khoảng 42% các nhiệm vụ ở nơi làm việc vào năm 2022, so với chỉ 29% hiện tại. Con người được dự báo sẽ thực hiện 58% nhiệm vụ còn lại vào năm 2022, tăng từ mức 71% hiện tại.
AI cùng tác động của nó tới việc làm đã trở thành chủ đề tranh luận nóng. Nhiều chuyên gia dự báo máy móc sẽ lấy đi hàng triệu việc làm trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng AI sẽ tạo ra nhiều việc làm mới.
Một phân tích từ hãng kiểm toán toàn cầu PwC cũng đưa ra các dự báo tương tự. Phân tích này cho rằng AI, robot cùng các loại công nghệ “tự động hóa thông minh” khác có thể thúc đẩy năng suất lao động và tạo ra sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Trong khi một số việc làm bị thay thế hoặc “thay đổi về bản chất”, sẽ có nhiều việc làm mới được tạo ra và hiệu ứng dài hạn đối với tổng thể nền kinh tế được dự báo sẽ là tích cực.
Báo cáo của WEF dựa trên một khảo sát với các nhân viên nhân sự, giám đốc chiến lược và giám đốc điều hành từ hơn 300 công ty toàn cầu hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Những người tham gia khảo sát đại diện cho hơn 15 triệu nhân viên và 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi, chiếm tỷ trọng 70% nền kinh tế toàn cầu.
Triển vọng tạo việc làm vẫn khá lạc quan dù gần một nửa những người tham gia khảo sát dự báo số lượng việc làm toàn thời gian tại tổ chức của họ sẽ giảm trong vài năm tới. Nguyên nhân là các công ty đang ngày càng hiểu rõ hơn về những cơ hội kinh doanh mới do công nghệ tạo ra.
Theo Saadia Zahidi, giám đốc Trung Tâm Kinh tế và Xã hội mới của WEF cho rằng dù tự động hóa có thể giúp các công ty thúc đẩy năng suất lao động, nhưng cũng cần phải đầu tư vào nhân viên để duy trì vị thế cạnh tranh.
“Đây là yêu cầu về cả mặt kinh tế lẫn đạo đức”, Zahidi nói trong một thông cáo. “Nếu không có cách tiếp cận chủ động, cả doanh nghiệp lẫn người lao động sẽ mất đi những tiềm năng trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Theo WEF, các chính phủ, công ty và nhân viên cần phải đồng hành để giải quyết những thiếu hụt về kỹ năng xảy ra do tự động hóa. Nếu các công ty có thể nâng cao kỹ năng của các nhân viên hiện tại và phân bổ các nhiệm vụ giữa nhân viên và máy móc một cách hiệu quả, họ sẽ tạo ra được các cơ hội thúc đẩy năng suất lớn hơn nữa, WEF cho biết.
Nguồn vneconomy.vn