Apple, Amazon và Google ‘bắt tay’ giành thị trường thiết bị nhà thông minh

Trong một động thái hợp tác hiếm hoi, Apple, Amazon và Google đã đồng ý tham gia một dự án xây dựng tiêu chuẩn công nghệ chung để cải thiện tính tương thích giữa các thiết bị nhà thông minh (smart home).

Dự án phát triển tiêu chuẩn công nghệ chung của Apple, Amazon và Google cho phép người dùng sử dụng bất kỳ trợ lý ảo giọng nói nào để điều khiển các thiết bị nhà thông minh và kết nối chúng với nhau. Ảnh: Beebom.com

Hôm 18-12, ba công ty công nghệ khổng lồ ở Thung lũng Silicon trên thông báo họ sẽ hợp tác phát triển tiêu chuẩn công nghệ chung cho các thiết bị nhà thông minh, bằng cách xây dựng tiêu chuẩn mã nguồn chung để chúng có thể tương thích với bất kỳ trợ lý giọng nói ảo như Alexa của Amazon, Siri của Apple và Google Assistant của Google.

Một logo in trên hộp của sản phẩm sẽ xác nhận thiết bị đó có được hỗ trợ tiêu chuẩn chung này hay không.

Thông báo nhấn mạnh: “Dự án này được xây dựng dựa trên quan điểm chung cho rằng thiết bị nhà thông minh phải an toàn, đáng tin cậy và hoạt động xuyên suốt”.

Tham gia dự báo này còn có Liên minh Zigbee với các thành viên như Samsung, Ikea, Comcast. Liên minh Zigbee là một tổ chức thúc đẩy các tiêu chuẩn chung cho thiết bị Internet kết nối vạn vật (IoT).

Thị trường thiết bị nhà thông minh sẽ tăng trưởng 14,4% mỗi năm vào năm 2023, theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IDC.

Theo Market Watch, quy mô của thị trường toàn cầu sẽ tăng trưởng từ mức 55,7 tỉ đô la trong năm 2016 lên con số 174,2 tỉ đô vào năm 2025.

Tuy nhiên, để các dự báo này thành hiện thực, người dùng cần được bảo đảm rằng các thiết bị cùng sử dụng một tiêu chuẩn chung để có thể kết nối với nhau được.

Amazon, Google, Apple và các công ty công nghệ khác đang cạnh tranh quyết liệt trên thị trường nhưng điều này chỉ càng gây thêm bối rối cho người dùng và các công ty sản xuất thiết bị.

Chẳng hạn, khi người dùng mua khóa thông minh cho ngôi nhà, họ phải xác định xem họ cần mua loại ổ tương thích với loa thông minh Amazon Echo, Google Home hay Apple HomePod.

Nếu họ đang sử dụng loa thông minh Amazon Echo thì họ không thể chọn mua ổ khóa thông minh chỉ có thể được điều khiển bởi trợ lý ảo giọng nói Google Assistant của loa thông minh Google Home.

Đối với các nhà sản xuất thiết bị nhà thông minh cũng vậy. Họ cần phải xác định ngay từ đầu sản phẩm của họ sẽ tương thích với trợ lý ảo giọng nói nào để có thể cập nhật công nghệ xuyên suốt quãng thời gian chúng được sử dụng.

Carolina Milanesi, nhà phân tích ở Công ty Creative Strategies, cho rằng động thái bắt tay hợp tác của Apple, Amazon và Google sẽ có lợi cho người tiêu dùng vì họ sẽ không còn băn khoăn về việc các thiết bị như đèn, bộ điều nhiệt hay tủ lạnh thông minh nào sẽ tương thích với trợ lý giọng ảo nói của công ty nào.

Bà nói: “Hiện nay, nếu bạn mua một tủ lạnh thông minh chỉ có thể tương thích với trợ lý ảo giọng nói Alexa và một lò vi sóng chỉ có thể điều khiển với trợ lý ảo giọng nói Google Assistant thì chúng không thể kết nối với nhau được”.

Bà tỏ ra ngạc nhiên trước thiện chí hợp tác của ba ông lớn công nghệ ở Thung lũng Silicon vốn đang cạnh tranh quyết liệt trên thị trường nhà thông minh. Bà cho biết rốt cục, ba ông lớn đã nhận ra nếu hợp tác, cơ hội thị trường dành cho họ sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên, động thái hợp tác trên cũng đặt ra các lo ngại về các rủi ro an ninh và quyền riêng tư.

Trong nhiều năm qua, Amazon và Google bị cáo buộc thu thập dữ liệu mỗi khi người dùng sử dụng các sản phẩm loa thông minh của họ để bật đèn sáng hay mở cửa.

Khi có nhiều thiết bị nhà thông minh có thể kết nối với nhau, dữ liệu cá nhân của người dùng có nguy cơ bị chia sẻ cho nhiều công ty, trong đó có những công ty rất lỏng lẻo trong các thực hành về tiêu chuẩn an ninh và quyền riêng tư.

Nguồn: Vietnambiz.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với