Bóng đá đang ngày càng bị chi phối bởi công nghệ, thậm chí việc robot thay con người đứng bên đường piste có thể chỉ còn là vấn đề thời gian.
Cuối năm 2018, Arsene Wenger đến văn phòng của hai biên tập viên nổi tiếng kênh beIn SPORTS, Richard Keys và Andy Gray dự một cuộc phỏng vấn. Đấy lẽ ra chỉ là một buổi mạn đàm thông thường, cho đến khi Wenger bàn về tương lai – điều chiến lược gia người Pháp luôn trăn trở.
Khi trở thành HLV của Arsenal năm 1996, ông tạo ra một cuộc cách mạng thực sự ở Ngoại hạng Anh với các phương pháp hoàn toàn mới. Hiện tại, khi nghỉ ngơi sau hơn hai thập kỷ làm việc tại Anh, Wenger dự báo: robot hoàn toàn có thể thay con người làm HLV, trong tầm 20 năm nữa.
Khi nghe nhận định này, Keys và Gray lập tức phá ra cười.
Ngay cả khi Wenger nói robot không trực tiếp ra chỉ thị, nhưng sẽ là cánh tay phải của các HLV trưởng, hai bình luận viên gạo cội cũng không tán thành chút nào.
Khi rà soát lại thông tin, Wenger quả thực đã nhầm. Vì không cần đến 20 năm nữa, đã có một robot được trưng dụng cho vấn đề chiến thuật vào… cuối tháng 1 vừa qua.
Đội bóng ở giải hạng Bảy ở Anh, Wingate & Finchley, đã nhận lời khuyên về chiến thuật và nhân sự từ một robot. Robot này được đặt bên đường piste trong trận đấu với Whitehawk FC – đối thủ đang cạnh tranh quyết liệt suất trụ hạng với họ.
Robot do GreenShoot Labs chế tạo, được giới thiệu lần đầu tại Hội chợ thương mại Big Bang, hòng kích thích niềm ham thích khoa học nơi những người trẻ. Robot có cấu tạo tương tự một chiếc loa, được kết nối với máy tính cá nhân (PC). Tên của nó là Alexa.
Khi HLV đặt câu hỏi nên sử dụng sơ đồ chiến thuật gì, Alexa sẽ hỏi ngược lại thông tin về đối thủ. Thông tin càng chi tiết, lời khuyên của Alexa càng cụ thể. Alexa thực chất chỉ là phiên bản sơ khai của một loại robot thực sự hữu dụng trong tương lai. Vào thời đại của big data (dữ liệu), ai sở hữu nhiều thông tin và phân thích tốt hơn, người đó càng dễ thành công hơn.
Các CLB hàng đầu thế giới đang có hệ thống thu thập thông tin rất chi tiết. Họ cũng không ngại ngần sử dụng chúng. Một vài CLB cũng đã nhận ra: khoa học sẽ giúp họ giải quyết những sai lầm do cảm tính của con người gây ra. Nói cách khác: khi xem bóng đá với mục đích phân tích, thì đứng tin vào… mắt mình. Để hiểu hơn về điều này, hãy tạm thời chuyển từ bóng đá sang… bóng chày.
Hai thập kỷ trước, Billy Beane, người quản lý của của đội Oakland A, gặp vấn đề nghiêm trọng: đội bóng của ông là một trong những CLB nghèo nhất tại giải bóng chày lớn nhất nước Mỹ (American Major League). Nếu một CLB tầm New York Yankees có thể chi 100 triệu đôla tiền lương mỗi năm, Oakland chỉ có thể chi 40 triệu đôla. Nếu Yankees có thể thâu tóm các VĐV tốt nhất, Oakland chỉ biết chấp nhận chiêu mộ những VĐV còn lại.
Nhiều người đã bự báo Oakland sẽ tuột hạng và biến mất. Nhưng không, suốt bốn năm liên tiếp, họ luôn kết thúc mùa giải trong Top 8, ở một giải đấu gồm 30 đội. Bí quyết nào giúp họ chơi tốt dù chỉ có ngân sách hạn chế? Câu trả lời là nhớ Billy Beane có một tư duy khác biệt, giữa một thời đại mà tất cả những CLB lớn đều chiêu mộ VĐV dựa trên lời khuyên của các tuyển trạch viên.
Các tuyển trạch viên làm việc dựa trên kinh nghiệm. Họ rất tin vào những gì mình quan sát. Nhưng Beane không tin họ. Ông là người nói câu bất hủ: “Chúng ta đừng nên tin vào mắt mình”. Sở dĩ Beane nói câu có phần ngược đời ấy là vì ông tin vào sức mạnh của khoa học.
Nhiều thập kỷ trước, hai nhà tâm lý nổi tiếng Daniel Kahneman và Amos Tversky đã thực hiện hàng loạt những thí nghiệm, để cho thấy não trạng của chúng ta rất dễ bị đánh lừa. Khi có sự việc nào đó diễn ra, chúng ta rất hay xử lý nó dựa trên những kinh nghiệm đã biết.
Hai nhà khoa học này đi hỏi mọi người một câu quen thuộc: cái nào nguy hiểm hơn đến sinh mạng con người: lốc xoáy hay bệnh suyễn? Đa số câu trả lời là lốc xoáy. Trên thực tế: bệnh hen suyễn gây tử vong gấp 20 lần lốc xoáy.
Daniel Kahneman, người sau này sẽ giành giải Nobel kinh tế năm 2002, chỉ ra: chính việc dựa quá nhiều vào kinh nghiệm đã khiến cho đa số dân đầu tư chứng khoán tại Wall Streets phải ôm hận. “Cảm tính dễ khiến chúng ta phạm sai lầm, nhưng những con số thì không”, Kahneman khẳng định.
Lời khẳng định này cũng đúng với bóng chày. Thế nên, cách đây 20 năm, Billy Beane mới thận trọng quan sát thị trường chuyển nhượng. Ông không tin vào các tuyển trạch viên (scout) nữa. Chính xác hơn, ông không tin vào… cặp mắt của họ. Thay vào đó, ông tìm đến những người đang nghiên cứu thị trường dựa trên các thống kê. Và ông thấy có những VĐV bị các tuyển trạch đánh giá thấp, chỉ vì họ có một khuyết điểm nào đó: hơi thừa cân, hoặc lối chạy không thanh thoát. Những thứ ấy đều rất… trực quan, và đánh vào tâm lý người xem.
Billy Beane tin những việc ấy chẳng ảnh hưởng gì đến màn trình diễn của họ. Ông tin là ẩn phía sau họ những tiềm năng chưa được khai thác hết. Và ông chiêu mộ họ – những VĐV không một CLB nào muốn mua. Đối thủ tin là Beane căng thẳng quá phát điên. Ngay cả các tuyển trạch viên của Oakland cũng… nghĩ thế.
Nhưng đội bóng của Beane bắt đầu chiến thắng, và thắng liên tục. Các đối thủ mãi sau này mới nhận ra cái tầm của Beane. Năm 2002, thương nhân John W. Henry mua đội Boston Red Sox, và yêu cầu CLB vận hành theo chiến lược của Beane. Hai năm sau đó, Boston Red Sox vô địch quốc gia lần đầu sau 86 năm.
Bây giờ, chiến lược của Beane đã trở nên quá nổi tiếng. Quyển sách về Oakland A, nhan đề Moneyball, do Michael Lewis viết năm 2003, sớm trở thành kinh điển và được dựng thành phim.
Nhưng liệu “Moneyball” có áp dụng được cho bóng đá không? Doanh nhân John W.Henry rất muốn có câu trả lời. Và thế là vào năm 2010, ông mua lại CLB Liverpool.
Áp dụng mô hình của Beane vào Liverpool, Henry thuê Damien Comolli, một nhà quản lý người Pháp từng làm việc cho Tottenham. Bản thân Comolli cũng là một người bạn của Beane. Nhưng hai năm đầu tiên, Liverpool chơi không tốt, và Comolli bị sa thải.
Henry bắt đầu đặt câu hỏi: vì sao lại không thành công? câu trả lời là Moneyball áp dụng cho bóng chày tốt hơn bóng đá, bởi vì bản chất hai môn thể thao này khác nhau. Bóng chày là môn thể thao của những quãng nghỉ liên tục. Cứ dừng lại, chơi rồi lại dừng lại. Trong khi đó, quả bóng trong bóng đá di chuyển liên tục, nó đòi hỏi một hệ thống dữ liệu khác hơn. Một đội bóng, dù kiểm soát toàn bộ các thống kê như sút, chuyền, giữ bóng, vẫn có thể thua 0-4 như thường.
Một lý do khác khiến Comolli bị sa thải là nguồn dữ liệu ông có vào thời điểm ấy quá hạn chế. Tuy Opta – công ty chuyên cung cấp dữ liệu thống kê – ra đời từ 1996, đến đầu những năm 2010, nó vẫn dừng lại ở những thông số cơ bản như chuyền, sút hay xoạc bóng. Và nhìn vào thông số xoạc bóng, bạn không thể xác định được rốt cục một hậu vệ là giỏi hay dở. Như Paolo Maldini đã từng nói: một trung vệ chỉ xoạc bóng sau khi anh ta đã phạm một sai lầm về nhận định trước đó. Vậy phải chăng hậu vệ xoạc càng ít thì lại càng giỏi? Câu này lại không áp dụng được với Alessandro Nesta hay Sergio Ramos, những hậu vệ vốn rất thích xoạc bóng.
Bây giờ, khi ngành thống kê bóng đá chính thức bùng nổ, Moneyball đã có thể được áp dụng được vào bóng đá theo mong muốn của Henry. Riêng thống kê về sút đã đa dạng hơn rất nhiều. Họ không chỉ phân loại sút trật mục tiêu, sút vào khung thành mà còn có cả hạng mục “sút có thể thành bàn”. Lấy ví dụ: một đội bóng chỉ tung ra được 10 quả sút xa trong một trận sẽ có ít cơ hội thắng trận hơn đội chỉ sút có ba cú, nhưng đều trong vòng 5m50. Ngày trước chỉ có chuyền ngắn, chuyền dài, nay đã có thêm hạng mục đường chuyền mở ra cơ hội ghi bàn (key pass). Với những ai lâu ngày chưa chơi lại trò Football Manager, có thể họ sẽ… choáng toàn tập khi phát hiện ra trò chơi này ngày một phức tạp hơn, với những thống kê cực kỳ chi tiết. Với những người thực sự đam mê chiến thuật, các thông số ấy thật tuyệt vời. Nhưng với những người chỉ quan tâm vừa phải, hệ thống thông số ấy thực sự là một mê cung.
Nhưng nguồn dữ liệu chi tiết ấy đang giúp các đội bóng lớn, với đội ngũ phân tích số liệu hùng hậu, có thêm nhiều cơ hội thủ thắng trong trận đấu.
Những công ty thống kê như StatsBomb và Wyscout đang giữ vai trò tư vấn chiêu mộ cầu thủ cho ba CLB: Juventus, Tottenham và Real Madrid. Khi cần tăng cường một vị trí nào đó, ba CLB này đều cậy nhờ công ty phân tích số liệu đưa cho mình một danh sách. Rồi họ sẽ rà soát danh sách ấy và chọn ra những người đáng tin cậy nhất.
Những con số này cũng giúp một CLB dự đoán được màn trình diễn của các cầu thủ trong tương lai. Liverpool của Henry đã làm việc ấy rất thành công với Mohamed Salah và Virgil Van Dijk. Cả hai cầu thủ này đều chơi hay vượt bậc so với chính họ trước đó. Vì thế, dù chi nhiều tiền, Liverpool vẫn lãi to vì giá trị của hai tân binh bây giờ đã cao hơn rất nhiều so với con số mà họ đã bỏ ra.
Nhờ áp dụng mô hình của Beane, cộng với những bài học từ thất bại của Comolli, Liverpool đang đi theo con đường thành công của Oakland A ngày trước. Không chỉ Salah hay Van Dijk, những Sadio Mane, Andy Robertson, Georginio Wijnaldum… đều là kết quả của quá trình thu thập và phân tích thông tin tỉ mỉ.
Sau khi giúp các CLB chiêu mộ những cầu thủ giỏi, bước tiếp theo, khoa học sẽ mang đến những lời khuyên về chiến thuật. Những thông số ngày càng được thu thập nhiều hơn, chi tiết hơn để phục vụ cho mục tiêu này. Ví dụ, StatsBomb đã tạo ra một thuật toán tên gọi xGBuildup, chỉ ra được trong một trận đấu, một đội bóng thường tấn công ở cánh nào, những cầu thủ nào thường xuyên tung ra đường chuyền quyết định, ai hay xâm nhập vòng cấm nhất…
Vào đầu tháng Hai, Opta tổ chức một hội thảo ở London. Ở đó, các nhà phân tích giới thiệu những mô hình mới. Đại diện của những CLB hàng đầu như Arsenal, Chelsea, Liverpool hay PSG đều góp mặt. Trí thông minh nhân tạo cũng được bình luận ở hội thảo này. Và đây là lúc chúng ta trở lại với… Alexa.
Alexa đưa ra lời khuyên dựa trên những thông tin mà người sử dụng nạp cho nó. Trong khi đó, robot trong tương lai mà Wenger nói tới sẽ tự thu nhập, phân tích rồi đưa ra lời khuyên. Nếu AI đã được dùng trong đánh cờ và phân tích y khoa, không lý do gì nó không được áp dụng vào bóng đá. Tất nhiên, Wenger không bảo nó sẽ thay thế một HLV. Bởi vì một robot thông minh đến mấy cũng không thể nào phân tích được ba yếu tố rất con người: tâm lý, động lực và cảm xúc.
Nhưng trong thế giới bóng đá phát triển không ngừng như hiện nay, việc chối bỏ sự phát triển của khoa học cũng đồng nghĩa với việc tự đưa vào thế bất lợi. Hai mươi năm nữa, có khi mỗi HLV sẽ ra sân với một chú robot. Và khi CLB đưa ra một quyết định thay người nào đó, khán giả có quyền tin đấy là kết quả phân tích của chú robot thông minh.
Nhưng bóng đá vẫn sẽ đẹp, vì người ta không bao giờ biết Lionel Messi sẽ sút, bấm bóng hay lừa qua thủ môn, Cristiano Ronaldo sẽ cố rướn lên hay… ngã ra sân. Bóng đá vẫn sẽ đẹp bởi dù có muôn vạn thống kê hay sơ đồ tỉ mỉ, cũng chẳng thể bằng một cái vỗ vai đúng lúc, bảo rằng: “Cậu sẽ làm được”, như Ole Gunnar Solskjaer đã làm với Paul Pogba những ngày qua.
Nguồn vnexpress.net