Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Không bắt nhịp sẽ tụt hậu

- in Tổng Hợp

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra quy mô chưa từng có, cốt lõi là nền tảng của khoa học công nghệ trong các lĩnh vực kỹ thuật số, vật lý, sinh học cùng các ứng dụng có tính tích hợp cao, như công nghệ tự động hóa, in 3D, robot thông minh, trí tuệ nhân tạo, kết nối… 

Cuộc CMCN 4.0 được dự báo tạo ra những tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh của hoạt động kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn cầu.
cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4-khong-bat-nhip-se-tut-hau
Công nghệ đẩy dần truyền thống
Câu chuyện của Uber và Grab là điển hình về ảnh hưởng của kinh doanh trong thời đại công nghệ số với kinh doanh mang tính truyền thống hiện nay. Xuất hiện từ năm 2014, đến nay Uber, Grab đang khiến các hãng taxi truyền thống lớn như Vinasun, Mai Linh chao đảo. Năm 2016, lãnh đạo Vinasun, Mai Linh chính thức thừa nhận công ty bị ảnh hưởng nặng vì Uber, Grab.
Doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 của Vinasun đạt hơn 1.900 tỷ đồng, giảm 15% và Mai Linh đạt hơn 1.700 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, số lượng nhân viên Vinasun giảm từ 17.000 người năm 2016 xuống còn hơn 9.000 người. Mai Linh cũng giảm từ gần 30.000 người xuống còn gần 24.000 người.
Gần đây, một số hãng taxi treo băng rôn phản đối hoạt động Uber, Grab cùng những kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội về việc ngừng hoạt động của Uber, Grab, cho thấy sức ép của kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ với truyền thống rất lớn. Những sự thay đổi này đã mang lợi ích lớn cho người sử dụng, nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn thách thức với doanh nghiệp trong việc đổi mới hoạt động kinh doanh trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay…
Tương tự, ngân hàng hiện được xem là ngành chịu áp lực rất lớn của CMCN 4.0, khi có thể sẽ có sự thay thế hàng loạt con người bằng người máy và các bộ não nhân tạo. Thậm chí, ngành này có thể bị biến mất, chỉ còn các nghiệp vụ được tích hợp vào những hạ tầng phục vụ thương mại. Trong ngành tài chính, ngân hàng, 46-47% khách hàng đã tiếp cận với digital banking (ngân hàng số) qua internet, mobile, facebook…
Với ngành dệt may, da giày sẽ là một vấn nạn, bởi đa số lao động ngành này trong tương lai sẽ thất nghiệp do khả năng cạnh tranh của máy móc.
Còn theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép của Việt Nam có nguy cơ mất việc cao dưới tác động của những đột phá về công nghệ do CMCN 4.0 mang lại. Hệ quả này có thể gây thiệt hại rất lớn cho các ngành dệt may, giày dép, bởi tác động nghiêm trọng đến công ăn việc làm của người lao động trong nước.
Bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP Việt Nam, cho rằng ở Việt Nam các ngành công nghiệp dệt may, giày dép đã tạo việc làm cho số lượng lớn lao động (dệt may gần 2,3 triệu, giày dép 0,98 triệu), chiếm 6,2% trong tổng số lao động, cùng với 13,7%  việc làm phi nông nghiệp, đối mặt nguy cơ mất việc rất lớn.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra 5 công việc nhiều nguy cơ mất việc nhất, gồm công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), tài xế taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%). 5 công việc khó bị mất vào tay robot nhất là bác sĩ/y tá (3%), luật sư (4%), nhà báo (5%), nhà nghiên cứu (6%), nông dân (11%).
Vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới
Với 5 đặc trưng: kết nối số mọi lúc, mọi nơi (người – người,  người – vật; vật – vật); trí tuệ máy (robot tạo ra robot, tạo ra lực lượng cạnh tranh – thay thế con người ở mọi cấp độ); thay đổi nguyên lý sản xuất (tự động hóa: robot thay thế con người và “in” ra sản phẩm); tốc độ cực cao và tiến triển cực nhanh (logic nhảy vọt thay logic tuyến tính); phạm vi tác động bao trùm, toàn diện.
Đó là những thách thức liên quan đến các chi phí điều chỉnh kinh doanh trong ngắn và trung hạn do tác động không đồng đều của nó đến các ngành khác nhau. Theo đó, có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có những ngành phải thu hẹp đáng kể. CMCN 4.0 đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới, trong đó các nền kinh tế thâm dụng công nghệ sẽ hưởng lợi.
Chẳng hạn, Hoa Kỳ sẽ khôi phục vị thế hàng đầu; các nền kinh tế Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc) cũng tham gia mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo; những quốc gia chủ yếu dựa vào khai thác dầu mỏ và tài nguyên như khối OPEC, Australia, Canada, Nga, Brazil… bị ảnh hưởng mạnh; những nước cạnh tranh dựa trên lợi thế nhân công rẻ sẽ chịu tác động tiêu cực, do công nghiệp chế tạo và dịch vụ đang quay trở lại các nước phát triển để gần thị trường tiêu thụ và các trung tâm nghiên cứu phát triển.
Ông Trần Việt Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), cho rằng CMCN 4.0 sẽ khiến phân bố không gian công nghiệp ngày càng trở nên linh hoạt. Các doanh nghiệp sản xuất có xu hướng dịch chuyển lại gần với thị trường tiêu thụ để đáp ứng nhanh nhất các nhu cầu khách hàng, trong khi các yếu tố định vị công nghiệp truyền thống (tài nguyên, lao động…) sẽ giảm dần vai trò.
Nếu trong phương thức sản xuất truyền thống, các nhà sản xuất chế tạo từng bộ phận, linh kiện riêng lẻ ở nhiều nơi sản xuất, rồi tập trung lại để lắp ráp, thì trong nền sản xuất tương lai có thể sản xuất tất cả bộ phận, linh kiện tại một nơi nhờ công nghệ in 3D, robot… Điều này cho phép các quốc gia, nhà sản xuất đặt các nhà máy sản xuất gần thị trường tiêu thụ để có thể phản ứng nhanh nhạy với thay đổi nhu cầu.
Nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, cho rằng CMCN 4.0 khác với những cuộc cách mạng trước ở 3 điểm chính. Đầu tiên là những đổi mới sẽ được phát triển và lan rộng với tốc độ nhanh nhất.
Công nghệ thông tin (bao gồm big data và điện toán đám mây) và công nghệ nano tạo ra các nền tảng để khuyến khích các đột phá công nghệ khác như trí thông minh nhân tạo, robot, công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, phương tiện tự lái, dự trữ năng lượng…
Thứ hai, chi phí sản xuất giảm và sự gia tăng của các nền tảng tập trung và các hoạt động trong nhiều lĩnh vực sẽ làm tăng đáng kể lợi nhuận theo quy mô.

Thách thức với Việt Nam

Theo các chuyên gia, áp lực nhập cuộc của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0 rất lớn. Đó là áp lực “tụt hậu – hội nhập”, có nghĩa tụt hậu nhưng phải hội nhập vào thế giới công nghệ cao để cạnh tranh. Vậy nhưng, một khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội công bố mới đây, cho thấy sự hiểu biết, sẵn sàng của doanh nghiệp khá bi quan. Cụ thể, qua khảo sát doanh nghiệp, với câu hỏi tác động của cuộc CMCN 4.0 tới doanh nghiệp, có 55% trả lời tác động lớn, 23% bình thường, 21% cho rằng ít hoặc không tác động…
Còn với câu hỏi về chiến lược triển khai, có 79% chưa làm gì, 55% cho biết đang tìm hiểu… Đáng chú ý, với câu hỏi nguyên nhân doanh nghiệp không quan tâm tới CMCN 4.0, có 67% doanh nghiệp cảm thấy không liên quan và ảnh hưởng; 56% cho rằng lĩnh vực hiện tại không bị tác động và 76% chưa hiểu rõ bản chất CMCN 4.0…

GS.TS Bùi Xuân Tùng, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ quản trị kinh doanh cấp cao Việt Nam, Trường Kinh doanh Shidler (Đại học Hawaii), cho rằng doanh nghiệp Việt cần đổi mới mô hình kinh doanh bằng cách ứng dụng công nghệ số. Công ty tận dụng CMCN 4.0 tốt hơn sẽ thành công.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP. Hồ Xuân Tùng, doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn hiện nay cần sẵn sàng năng lực tiếp cận công nghệ, chuyển đổi tư duy và hệ thống hạ tầng tại doanh nghiệp để tiếp thu và thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Doanh nghiệp tại Việt Nam cần tìm hiểu các yếu tố về trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo, bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai.
Còn theo ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico), doanh nghiệp phải có tầm nhìn, công việc và hướng tới tương lai theo hướng riêng của mình. CMCN 4.0 là thách thức nhưng cũng tạo nên sự sáng tạo, do đó doanh nghiệp Việt nên tiếp cận với công nghệ mới, tập trung vào những tinh hoa, những người có kinh nghiệm để dẫn dắt doanh nghiệp.
Còn với người lao động, theo nhiều chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 đang là áp lực lớn tới công việc của họ. Công nghệ số mang đến những cơ hội đột phá về năng suất, phát triển nhân lực công nghệ cao và điều này sẽ khiến nhiều lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm dù chưa đến tuổi nghỉ hưu.
Trong khoảng 20 năm qua, tổng số lao động Việt Nam đã tăng thêm khoảng 19 triệu người, từ mức 35 triệu (năm 1996) lên 54 triệu (năm 2016). Thời điểm dân số vàng này là lợi thế so với nhiều nước, nhưng có thể lại là điểm yếu khi máy móc làm thay con người.
Nguồn tapchitaichinh.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với