Tại diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2016 (Vietnam ICT Summit 2016) vừa qua, một lần nữa, khái niệm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lại được nhắc đến và các chuyên gia xem đó là sự thách thức đối với Việt Nam hiện nay. Thực tế thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng lớn, gồm: cách mạng công nghiệp cơ khí chạy bằng hơi nước năm 1784, cách mạng sử dụng điện năng để sản xuất quy mô lớn năm 1870 và cách mạng tự động hóa sản xuất nhờ ứng dụng CNTT và điện tử năm 1969. Giờ đây, cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 (4.0) đang được tiếp nối với sự tham gia của công nghệ vật lý, kỹ thuật số, công nghệ sinh học… Ở thế hệ công nghiệp 4.0 này, vạn vật sẽ được kết nối qua Internet (Internet of Things).
Phát biểu tại Vietnam ICT Summit 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ thay đổi cơ bản cách thức con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Công nghệ mới mang tính đột phá đang xóa đi những ranh giới truyền thống của không gian vật lý, không gian sinh học. Với cuộc cách mạng công nghiệp này, các nền kinh tế sẽ chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ, giúp thúc đẩy các quốc gia xác định được con đường tốt nhất để đối phó hiệu quả với những thách thức đặt ra. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội để phát triển, nhưng cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Đó là sự thách thức để vượt qua chính mình, vượt qua tâm lý tư duy phát triển tự hài lòng của người tiểu nông Việt Nam, không dám chấp nhận mạo hiểm để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo! Để Việt Nam có thể theo kịp và làm chủ, phát triển trong thời kỳ mới với những thách thức đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo KH-CN trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng nhấn mạnh, phải thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp. Tập trung phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế…
Theo nhiều chuyên gia, thời gian qua, ở Việt Nam định nghĩa khởi nghiệp bị ghép vào kinh doanh và đây là một khái niệm không đủ. Khởi nghiệp nên được hiểu bằng cách bắt đầu bằng một công việc, một nghề và tạo ra được những giá trị mới, và những giá trị đó chưa chắc chỉ là tiền. Với vấn để khởi nghiệp trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tính trách nhiệm đối với đồng vốn để thành công. Theo ông Hùng, thông thường doanh nghiệp có thị trường, thấy cơ hội thường đổ cả tỷ đồng đầu tư; nhưng với một người bình thường, việc khởi nghiệp có khi chỉ cần 20 triệu đồng. “Tâm lý tự nhiên của con người là chỉ khi rất đam mê một công việc nào đó, người ta mới tiêu những đồng tiền của chính mình; nhưng khi xin được hay vay mượn đâu đó, người ta thường tính đến chuyện tiêu số tiền đó trước. Hãy thay đổi cách suy nghĩ đó bằng việc bỏ chính đồng tiền của mình ra để đầu tư khởi nghiệp”, ông Hùng nhấn mạnh. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng bày tỏ mong muốn được đưa nguồn nhân lực trẻ vào công cuộc khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo. Hiện, Bộ KH-CN đã trình Chính phủ Đề án 844 phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Thứ trưởng Trần Văn Tùng hy vọng, với nội dung của đề án, lực lượng sinh viên – những người có tinh thần mới trong thời đại số hóa, hoàn toàn có thể lập nghiệp và xây dựng được những doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Theo sggp.org.vn