Các lĩnh vực của đô thị thông minh được kết nối trên nền Internet. |
Tại hội thảo “Mobility, OTT và Social network – Cơ hội và thách thức doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 21/7, các chuyên gia nhận định, kỷ nguyên IoT (Internet of Things) đang bùng nổ mạnh mẽ khi trên thế giới hiện có 18 tỷ thiết bị kết nối và dự báo đến năm 2020 có trên 80 tỷ thiết bị kết nối.
Trong khi đó, đầu tư vào IoT tại Châu Á – Thái Bình Dương đang liên tục gia tăng. Năm 2015, các doanh nghiệp tổ chức đầu tư 24 tỷ USD vào IoT và dự kiến đến năm 2020 con số này sẽ đạt gần 80 tỷ (trong đó các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật đầu tư nhiều nhất, còn tại ASEAN phần lớn là các dự án nhỏ lẻ hơn với mức dưới 1 tỷ USD).
Ông Vũ Anh Tiến, chuyên gia đến từ Hãng Nghiên cứu thị trường Frost & Sulivan nhận định: Song hành cùng với sự bùng nổ của IoT là xu thế xây dựng thành phố thông minh với hàng loạt lĩnh vực như quản lý thông minh, y tế thông minh, tòa nhà thông minh, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, năng lượng, cư dân thông minh… tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Tuy nhiên, công cuộc xây dựng thành phố thông minh cũng đang đặt ra vô số các thách thức liên quan đến vấn đề bảo mật, đảm bảo cho việc xây dựng và vận hành hiệu quả thành phố.
“Tất cả đều đang gắn kết với nhau trên nền Internet. Nếu không có chiến lược an ninh bảo mật hiệu quả, để tồn tại lỗ hổng cho hacker tấn công thì thành phố đó sẽ nhanh chóng bị tê liệt. Ví dụ, hệ thống tàu điện ngầm bị tấn công sẽ bị tê liệt”, ông Tiến nói, đồng thời cảnh báo vấn đề tiên quyết của các thành phố đó là phải xây dựng được chiến lược an ninh toàn diện, phải có giải pháp, mô hình an ninh mạng hiệu quả để phát hiện mối đe dọa tiềm ẩn.
Ông Vũ Anh Tiến (thứ hai từ phải sang). Ảnh: H.P. |
Cụ thể, nguy cơ mất an toàn bảo mật trước hết đến từ thực tế nhiều sản phẩm ứng dụng không có khả năng bảo mật (ví dụ như phần mềm điều khiển tự động hóa dễ bị hacker khai thác tấn công). Trong khi đó, các nhà quản lý lại không kiểm nghiệm hoặc năng lực hạn chế khi kiểm nghiệm kỹ tính năng bảo mật của sản phẩm, hệ thống, dẫn đến lỗ hổng vẫn tồn tại để hacker khai thác, tấn công trên diện rộng khi các giải pháp kết nối với nhau trên nền Internet.
Bên cạnh đó, do có nhiều cơ quan, tổ chức cùng tham gia xây dựng thành phố thông minh, do đó cần có đơn vị chuyên trách về an ninh bảo mật, các thành phố phải xây dựng trung tâm về an ninh, phản ứng nhanh với vấn đề này.
Ngoài ra, một thách thức lớn đó là người dùng thiếu kỹ năng về bảo mật. Khi môi trường ảo và thực kết nối với nhau thông qua Internet, nếu người sử dụng không có kiến thức về bảo mật thì ẩn họa sẽ luôn thường trực.
Trong 6 nước tại khu vực ASEAN thì Việt Nam gần như đội sổ về chi tiêu cho bảo mật. Các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư chủ yếu là ngân hàng, chính phủ, viễn thông… Còn lại, việc đầu tư phần lớn mang tính thụ động (ví dụ khi cần có Firewall mua Firewall, khi cần thêm hệ thống phát hiện, phòng chống thâm nhập mới mua thêm chứ chưa có tầm nhìn đầu tư đồng bộ, dài hạn).
“Việc xây dựng thành phố thông minh phải xây dựng mô hình quản lý bảo mật tập trung để giám sát được toàn bộ hoạt động. Không nên giao cho đơn vị nhỏ nào, cần thường xuyên có sự phối hợp và giám sát giữa các ngành, giúp dễ dàng hơn phát hiện các nguy cơ, duy trì các hoạt động ổn định của thành phố”, đại diện Frost & Sulivan khuyến cáo.
Theo ICTNews