Khi cầm một khẩu súng trong tay và đối mặt với tội phạm, bạn rất có nguy cơ bị kẻ tấn công tước đoạt vũ khí và dùng chính nó bắn trả lại bạn. Chính vì điều này mà Jonathan Mossberg – người kế thừa của công ty chuyên sản xuất vũ khí cầm tay O.F Mossberg & Sons nổi tiếng với những khẩu shotgun cùng tên, đã nghĩ ra giải pháp gắn chip vào súng và tương tác qua một thiết bị do người sở hữu súng đeo trên tay: súng rời tay chủ – súng khóa, súng về tay chủ – súng nổ. Ngoài Mossberg, công nghệ súng thông minh đang được nhiều tổ chức lẫn cá nhân quan tâm phát triển nhưng loại vũ khí này vẫn gặp nhiều khó khăn khi xâm nhập thị trường.
Tham vọng súng thông minh của Mossberg qua nhiều thế hệ:
O.F Mossberg & Sons là một công ty làm vũ khí có tuổi đời gần 100 năm tại North Haven, Connecticut và Jonathan Mossberg là cháu cố của Oscar Mossberg – người sáng lập công ty. Công ty nhà Mossberg trong quá khứ đã từng cố gắng tạo ra một khẩu súng trường chỉ có thể được khai hỏa bởi chủ nhân của nó nhưng công nghệ thời đó chưa ổn định nên mãi đến thê hệ của Jonathan, ông mới có cơ hội theo đuổi loại vũ khí này.
Nên tảng được Jonathan chọn là mẫu Mossberg Model 500 – một khẩu shotgun được sản xuất từ năm 1961 rất nổi tiếng trong các sản phẩm của Mossberg, được lực lượng đặc biệt, hành pháp và quân đội tại nhiều quốc gia như Mỹ, Philippines, Malaysia … sử dụng. Ông đặt mục tiêu tạo ra một khẩu súng có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quân đội Mỹ hay còn gọi là Mil-Spec trong khi vẫn có thể ngăn ngừa những người không phải chủ nhân của nó sử dụng và ông đã thành công khi chỉ mới 16 tuổi.
Jonathan Mossberg cùng phiên bản thông minh của Mossberg Model 500.
Jonathan hiện 51 tuổi cho biết truyền thống gia đình muốn ông phải tạo ra những thành tựu tiếp theo nhưng đám đông khi đó lại không muốn một khẩu súng có gắn bo mạch. Mãi sau nửa thế hệ, bắt đầu có những người tiêu dùng yêu thích công nghệ sẵn sàng đón nhận. Ông nói: “Lũ trẻ ngày nay sống với điện thoại di động; độ ổn định của những bo mạch không còn là một vấn đề đối với chúng tôi. Cảnh sát yêu sản phẩm của chúng tôi.”
Tuy nhiên, đời không như là mơ khi nhiều nhà phát minh khác cũng đang phát triển súng thông minh nên ông thật sự cảm thấy khó khăn khi quyết định đầu tư vào công ty của riêng mình mang tên iGun Technology Corp. Mặc dù vậy, ông vẫn cố gắng xoay xở và nhờ có công ty kinh doanh vũ khí của gia đình cùng công ty chế tạo cơ khí riêng, Jonathan đã có thể đầu tư 5 triệu đô vào dự án súng thông minh này.
Mạch điện tử trong khẩu Mossberg Model 500.
Jonathan thẳng thắn chia sẻ: “Thị trường hiện tại không dành cho shotgun mà thị trường trị giá tỉ đô thuộc về súng ngắn. Chúng tôi sẽ chuyển sang làm súng ngắn thông minh ngay sau khi có đủ tiền để thực hiện, hiện tại thì chúng tôi đang hẻo về mặt tài chính.”
Một số người sở hữu súng và các nhóm ban hành luật pháp cũng tác động không nhỏ đến súng thông minh. Mối lo của họ có 2 mặt: Một mặt là người sở hữu lo ngại về độ tin cậy của công nghệ, khi cần dùng đến lại trục trặc. Mặt khác là một khi súng thông minh được bán ra rộng rãi thì chính quyền các bang, liên bang sẽ đặt ra lệnh cấm đối với loại vũ khí này.
Tuy nhiên, cộng đồng phát triển súng thông minh hầu như đồng loạt chỉ trích vai trò của chính phủ đối với công nghệ của họ. Mossberg cũng nhiều nhà sản xuất khác cho rằng súng không phải là thứ dành cho mọi người cũng như không phù hợp với mọi mục đích sử dụng. Một ví dụ, trong khi công nghệ súng thông minh có thể giúp bảo vệ mạng sống cho một nhân viên cảnh sát hoặc một người lính trước tình huống họ bị tấn công bởi chính vũ khí của mình thì một người thợ săn lại chả mấy khi cần đến một trang bị như cảm biến vân tay hay chip nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) trên khẩu súng của mình.
Khi bàn về khía cạnh công nghệ ảnh hưởng đến độ tin cậy của súng, Mossberg hiểu rõ về vấn đề này và cho rằng với công nghệ phù hợp, đặc biệt là công nghệ vi mạch điện tử tiên tiến thì súng thông minh cũng đáng tin cậy như súng thường.
Mossberg nói: “Tôi xuất thân từ ngành công nghiệp súng. Tôi hiểu độ tin cậy có ý nghĩa như thế nào. Tôi là một người sở hữu súng, một thành viên của hiệp hội súng trường quốc gia (NRA). Một khẩu súng cần phải hoạt động khi bạn cần và dĩ nhiên bạn không bao giờ muốn phải quẹt dấu vân tay và khẩu súng báo: ‘Vui lòng quẹt lại!’. Các kỹ sư của tôi muốn tạo ra một khẩu súng có độ tin cậy cao nhất trên thế giới và nó là khẩu Mossberg Model 500.”
Đối với iGun, Mossberg chọn giải pháp an toàn là một chiếc nhẫn tích hợp chip nhận dạng RFID để gởi tín hiệu đến một bo mạch trên súng (hình trên). Công nghệ RFID sử dụng tần số từ thấp đòi hỏi tay người cầm súng phải đặt đúng vị trí, tức là ngón tay đặt vào cò súng và chỉ khi đó, con chip trên nhẫn mới có thể truyền tải tín hiệu ở cự ly vài mm. Lúc đó, mạch điện tử trên súng sẽ kích hoạt 2 mô-tơ nhỏ và mở khóa cò súng. Toàn bộ quy trình này chỉ mất 1/4 giây, Mossberg nói.
Ban đầu chiếc nhẫn RFID được iGun giới thiệu có kích thước rất lớn nhưng giờ đây với công nghệ chip hiện tại chỉ nhỏ bằng hạt đậu, chiếc nhẫn nhỏ hơn hẳn, tích hợp pin và chống nước. Mossberg cho biết khẩu shotgun iGun hiện tại chỉ là nguyên mẫu và mục tiêu của ông là tạo ra một dòng súng ngắn thông minh.
Vào năm 2013, iGun đã giành giải nhất giải thưởng sáng tạo Smart Tech Challenges Foundation – một tổ chức được thành lập bởi nhà đầu tư Ron Conway đến từ thung lũng Silicon với mục tiêu thúc đẩy công nghệ súng an toàn. Từ mức đầu tư khởi điểm 1 triệu đô, quỹ này đã trao tặng cho Mossberg $100.000. Cùng với Mossberg, 15 giải thưởng khác cũng đã được trao, chẳng hạn như Tom Lynch – người đã đưa cảm biến vân tay lên khẩu súng trường AR-15, Robert McNamara với súng sử dụng công nghệ RFID, Omer Kiyani – người tạo ra cảm biến bảo mật sinh trắc cho súng và Kai Kloepfer – với khẩu Beretta tích hợp cảm biến vân tay.
15 tuổi đã chế tạo thành công súng ngắn mở khóa bằng vân tay:
Kloepfer là người sáng lập công ty Biofire Technologies và anh đã bắt đầu phát triển công nghệ súng thông minh từ 4 năm về trước lúc chỉ mới 15 tuổi. 2 năm sau, công nghệ súng thông minh bảo mật vân tay của anh đã đoạt giải thưởng Colorado dành cho các nhà phát minh tuổi teen với mức thưởng $50.000 do Smart Tech Challenges Foundation trao tặng. Trước đó, Kloepfer đã được vinh danh cho dự án phát triển súng thông minh tại hội nghị Intel International Science & Engineering Fair 2013 và anh là một trong số 34 người đạt giải trong số 7 triệu học sinh trung học tham gia trên toàn cầu.
Kloepfer hiện 19 tuổi đang là sinh viên năm nhất tại đại học MIT và anh đã vừa hoàn thành nguyên mẫu mới nhất của cảm biến vân tay tích hợp trên một khẩu súng ngắn bán tự động Glock 22 bắn đạn .40 cal. Đầu đọc vân tay được tích hợp vào báng súng, có thêm một mạch điện tử và pin Li-Po cho phép cảm biến đọc các dấu vân tay đã được cài đặt trước đó và mở khóa khẩu súng.
Cảm biến vân tay được đặt rất hợp lý, nó nằm ngay phía trên phần báng súng ở mặt kia và khi chúng ta cầm khẩu súng ở tư thế chuẩn bị, ngón trỏ đặt lên cò thì ngón giữa sẽ tự động đặt vào đúng vị trí của cảm biến mà không cần phải dò tìm (như hình trên).
Điều khiến khẩu súng thông minh của Kloepfer độc đáo là cơ chế mở khóa của nó. Nó sử dụng một sợi dây điện đặc biệt – một hợp kim có thể ghi nhớ trạng thái phát động cơ học. Cụ thể khi đã xác thực bằng dấu vân tay, bo mạch chủ trên báng súng sẽ chỉ thị cho một mạch tiếp xúc khiến sợi dây này nóng lên và kích hoạt cơ chế mở khóa mà không cần đến các mô-tơ.
Một cổng USB đặt bên dưới báng súng dùng để sạc cho cục pin tích hợp và Kloepfer nói thời lượng sử dụng có thể kéo dài đến cả năm. Dưới đây là video giới thiệu về nguyên mẫu đầu tiên của khẩu súng ngắn tích hợp cảm biến vân tay của Kloepfer.
Tuy nhiên, Kloepfer cũng đang đối mặt với một thách thức lớn đó là làm sao rút ngắn thời gian mở khóa của khẩu súng – hiện tại mất 1,5 giây. Anh nói: “Tôi hy vọng có thể giảm thời gian này xuống dưới nửa giây trên sản phẩm chính thức.”
Không giống như nhiều loại súng thông minh đã được sản xuất trong thời điểm giữa và cuối những năm 2000 vốn sử dụng các vi xử lý đời cũ và công nghệ lỗi thời, vũ khí thông minh ngày nay đang khai thác những ưu điểm từ những vi xử lý tiên tiến và cảm biến sinh trắc hiện đại. Một ví dụ, cảm biến vân tay trên nguyên mẫu của Kloepfer được sản xuất bởi Fingerprint Cars AB – một công ty công nghệ gốc Thụy Điển chuyên sản xuất các cảm biến nhận dạng qua dấu hiệu sinh trắc và sản phẩm của họ đang được sử dụng trên chiếc điện thoại Google Pixel. Ngoài ra, vi xử lý được sử dụng trên bo mạch là ARM Cortex A4.
Margot Hirsch – chủ tịch hiệp hội Smart Tech Challenges Foundation cho biết: “Chúng ta không nói về những thiết bị điện tử đưa con người lên trạm không gian hay sao Hỏa hay thậm chí là máy bay vận tải với hàng trăm con người trên đó. Thứ chúng ta đang quan tâm là độ bền và sự nhỏ gọn của các thiết bị điện tử nhưng hoạt động ở các điều kiện ít khắc nghiệt hơn so với các thị trường khác. Công nghệ này không mới!”
Hirsch chỉ ra rằng không có công nghệ súng thông minh nào có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của mọi người sở hữu súng. Một ví dụ, cảnh sát và quân đội thường đeo găng tay nên họ sẽ không chọn một khẩu súng tích hợp cảm biến vân tay nhưng loại vũ khí này lại hợp với nhu cầu tự vệ cá nhân.
Hirsch nói: “Tôi nghĩ rằng một người sở hữu súng có thể chọn công nghệ súng thông minh tùy theo mục đích của khẩu súng. Thử nghĩ về mối quan hệ này giống như lần đầu tiên Apple ra mắt iPhone. Thế hệ đầu của súng thông minh sẽ khiến nhiều người cảm thấy hài lòng với công nghệ mới nhưng cũng có một phân khúc thị trường cảm thấy không hài lòng.
Tuy nhiên, công nghệ hầu như luôn có một chỗ đứng trong một quốc gia cho phép hàng triệu cư dân sở hữu vũ khí hợp pháp. Tại Mỹ, các vụ tự tử thường liên quan đến súng và hầu hết những khẩu súng này thuộc quyền sở hữu của một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè. Nếu như súng được trang bị cảm biến bảo mật sinh trắc thì khả năng sử dụng của nó sẽ bị hạn chế, giảm thiểu nguy cơ tự tử bằng súng.
Bản thân chồng của cô Hirsch cũng sở hữu một khẩu súng và cô cũng từ chối sở hữu một khẩu bởi lo sợ rằng mình sẽ bị tấn công bởi chính vũ khí của mình. Cô nói: “Nếu có súng thông minh, tôi khả năng sẽ sở hữu một khẩu bởi tôi sẽ không bao giờ lo ngại rằng nó sẽ được dùng để chống lại tôi.”
Một công nghệ cần được tài trợ!
Trong khi công nghệ súng thông minh vẫn đang được phát triển trong suốt 2 thập niên qua thì những nổ lực nghiên cứu đa phần bị hoãn lại do thiếu kinh phí. Khi công nghệ này được giới thiệu trên thị trường, nó rơi vào đúng thời điểm bị phản đối kịch liệt từ các nhóm bảo hộ quyền sở hữu súng đạn bởi họ lo ngại rằng nếu loại công nghệ này được đón nhận thì sẽ có luật mới và những thay đổi trong bộ luật hiện tại. Thậm chí các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon cũng miễn cưỡng tham gia vào mặt trận chính trị đối với loại công nghệ này.
Hirsch nói: “Chúng ta chắc chắn là phải cần đến một nguồn vốn đầu tư và cộng đồng công nghệ không thể đáp ứng.” Trong khi đó, Mossberg cho rằng sự thiếu hụt nguồn đầu tư không phải là vấn đề khiến các công ty công nghệ bị kéo vào mớ hỗn độn chính trị mà vấn đề nằm ở chỗ là thiếu khả năng tiếp cận giữa công nghệ và cộng đồng.
Thượng nghị sĩ Loretta Weinberg.
Thực tế là mọi nhà phát triển súng thông minh đều đã quá quen thuộc với một bộ luật tại New Jersey đã tồn tại suốt 14 năm nay và bộ luật này đã khơi mào cho cuộc chiến chống súng thông minh. Cụ thể là vào năm 2002, bộ luật súng thông minh New Jersey được thượng nghị sĩ bang Loretta Weinberg phê chuẩn nêu ra yêu cầu rằng mọi công ty kinh doanh súng chỉ được phép bán súng thông minh, bắt đầu có hiệu lực từ 3 năm sau khi công nghệ này có mặt trên thị trường. Bộ luật này đã gây ra một cuộc tranh cãi chống lại súng thông minh, không chỉ tại New Jersey mà còn lan rộng ra nhiều bang của Mỹ.
Theo David Kopel – nhà phân tích chính sách tại viện Cato thì bộ luật tại New Jersey có thể là nhằm mục đích tạo ra một thị trường cho súng thông minh nhưng ngay khi khẩu súng đầu tiên được bán ra, nó đã kích hoạt một lệnh cấm đối với tất cả các loại súng truyền thống.
Vào năm 2014 và 2015, thượng nghị sĩ Weinberg cho biết bà có thể sẽ bãi bỏ đạo luật súng thông minh và nếu làm như vậy, Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) có thể sẽ không cản trở việc phát triển và bán loại súng này. Tuy nhiên, NRA vẫn chưa phản hồi đối với công bố của bà Weinberg.
Tom Lynch giới thiệu khẩu AR-15 SGTi mở khóa bằng vân tay.
Trong năm nay, bà Weinberg cũng đã đồng bảo hộ cho đề xuất S816 đệ trình lên nhà trắng và các thượng nghị sĩ nhằm hủy bỏ đạo luật súng thông minh năm 2002 và thay thế bằng một đạo luật khác mềm mỏng hơn đó là mọi cửa hàng bán súng buộc phải có ít nhất 1 mẫu súng thống minh. Vào ngày 8 tháng 9, thống đốc bang New Jersey – Chris Christie đã bác bỏ có điều kiện đề xuất S816 và nhấn mạnh rằng ông sẽ hỗ trợ cho đạo luật này chỉ khi nó đồng thời nới lỏng các điều luật dành cho súng truyền thống.
New Jersey không phải là bang duy nhất đang nỗ lực hình thành các đạo luật dành cho súng thông minh. Vào năm 2014, thượng nghị sĩ Edward Markey đã đưa ra đạo luật cơ chế an toàn dành cho súng ngắn trong đó đòi hỏi tất cả các nhà sản xuất súng ngắn, bán hay nhập khẩu vào Mỹ phải tích hợp các công nghệ súng thông minh trong vòng 3 năm kể từ khi bộ luật được ban hành.
Hồi đầu năm nay, cựu tổng thống Barack Obama cũng đã kêu gọi lập quỹ nghiên cứu súng thông minh và mở đường cho loại vũ khí này tiếp cận chính phủ Hoa Kỳ như một thị trường tiềm năng. Obama đã chỉ định cho Bộ quốc phòng, Sở tư pháp và Sở an ninh đội địa thực hiện hoặc tài trợ nghiên cứu công nghệ súng thông minh.
Ông cũng đã yêu cầu các bộ ngành “xem xét tính khả dụng của công nghệ súng thông minh đối với các tình huống thông thường và khám phá các tiềm năng sử dụng và phát triển để khiến súng trở nên an toàn hơn.”
Khẩu iP1 của Armatix mở khóa bằng đồng hồ.
Tuy nhiên, những trở ngại vẫn tồn tại. Cụ thể là năm ngoái, hãng sản xuất súng thông minh của Đức – Armatix đã từng cố gắng bán mẫu súng ngắn thông minh iP1 dùng đạn .22 cal, mở khóa bằng đồng hồ và thời điểm đó nó được ra mắt tại một cửa hàng bán súng lớn nhất tại California. Tuy nhiên, iP1 đã nhanh chóng bị gỡ khỏi kệ sau khi một số người ủng hộ súng truyền thống gây áp lực lên cửa hàng, đòi ngừng bán súng thông minh. Engage Armament – một của hàng bán súng lớn tại bang Maryland cũng chịu chung số phận/
Các nhóm ủng hộ quyền sở hữu súng truyền thống như NRA và Hiệp hội bắn súng thể thao quốc gia (NSSA) cho biết họ không phản đối công nghệ súng thông minh. NSSA cho rằng thị trường sẽ quyết định liệu công nghệ này có được đón nhận hay không và nhấn mạnh rằng họ không bao giờ phản đối việc phát triển công nghệ này.
Mossberg, Kloepfer và Hirsch đều kịch liệt phản đối các điều luật về súng thông minh hiện tại. Trên trang web của iGun, Mossberg nhấn mạnh về yếu tố: “Không ủy thác” , nói rằng: “Chúng tôi đang lên kế hoạch đưa sản phẩm này đến với một số thị trường được chọn lựa và chỉ làm điều này tại các môi trường thị trường tự do.” Trong khi đó, Hirsch tin rằng chỉ có thị trường tự do mới có đất diễn cho súng thông minh: “Chúng ta phải đưa những thứ này vào thị trường. Tôi cũng nghĩ xa như cộng đồng người sở hữu súng rằng sẽ có một số người không bao giờ chấp nhận công nghệ súng thông minh. Điều này ổn thôi bởi nếu bạn không thích thì đừng mua nó. Tuy nhiên, đừng ngăn cản tôi nếu tôi muốn mua công nghệ này.”
Theo Tinhte.vn