CES 2016 – Sàn diễn của giải pháp IoT

Không có nhiều siêu phẩm di động đình đám như những năm trước, nhưng CES 2016 lại là nơi cho thấy sự chuyển biến mạnh của thị trường thiết bị Internet of Things và phần cứng PC trong năm nay.

Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES (Consumer Electronics Show) vốn được xem là nơi hội tụ đầu năm của nhiều sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng, laptop hay PC mới, thể hiện xu hướng công nghệ trước khi được bán ra thị trường. Tuy nhiên, CES 2016 lại có sự chuyển hướng sang mảng thiết bị, cảm biến có kết nối trong thế giới Internet of Things. Các sản phẩm tại triển lãm CES năm nay nổi bật với khả năng kết nối xuyên suốt với nhau, phục vụ của con người mọi lúc mọi nơi, giúp cuộc sống trở nên tiện nghi nhất.

3000-x-3000-sr20
Mẫu router thông minh SR20 Smart Home của TP-Link hỗ trợ cả các chuẩn của thiết bị nhà thông minh.
bda7da4f2fd9f0a2-org-1
Sạc MyFC Jaq sử dụng nhiên liệu “xanh” để tạo ra năng lượng.

Sự trỗi dậy của các thiết bị và giải pháp IoT

Ở mảng giải pháp IoT cho doanh nghiệp, Ericsson đã công bố một số giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ có thể tối ưu được tài nguyên, tiết kiệm thời gian và chi phí. Chẳng hạn, giải pháp Smart Metering của hãng có thể giúp các công ty thu thập đầy đủ và chính xác mức năng lượng tiêu thụ và tự động liên kết với dịch vụ thanh toán. Bên cạnh đó, giải pháp hợp nhất dữ liệu người dùng (User Data Consolidation) của Ericsson được giới thiệu tại CES cũng giúp tập hợp, phân tích mọi dữ liệu có được từ các thiết bị kết nối, cảm biến trong hệ thống nhà thông minh, thiết bị di động, xe hơi… từ đó đưa ra những phương hướng xử lý thông minh, hiệu quả cho người dùng.

Nhà sản xuất điện tử Samsung cũng đã giới thiệu một hệ sinh thái nhà thông minh tại CES 2016. Điểm nhấn là các sản phẩm gia dụng của hãng tại triển lãm cũng được tích hợp sâu các thiết bị kết nối theo xu hướng IoT. Với tủ lạnh thông minh 4 cửa Flex Refrigerator có màn hình cảm ứng lớn 21,5 inch, hỗ trợ độ phân giải HD, cho phép người dùng không chỉ quản lí thực phẩm mà còn thực hiện mua sắm trực tuyến, kết nối với các thành viên trong gia đình thông qua Family Hub. Bạn cũng có thể chuyển tín hiệu hình ảnh, âm thanh từ TV Samsung đến tủ lạnh để xem ở nhà bếp hay chơi game ngay trên màn hình LCD. Việc kiểm tra thông tin trong nhà qua các cảm biến, camera cũng được thực hiện từ xa qua mạng Internet, chẳng hạn như kết nối với tủ lạnh để xem cần phải mua gì khi bạn đang ở siêu thị.

Bên cạnh thiết bị vệ sinh trong nhà thông minh có thể điều khiển qua mạng Internet nhờ giải pháp Smart Control Wi-Fi thì Samsung cũng gây ấn tượng tại CES 2016 với máy giặt có thể kết nối, chẳng hạn như máy giặt AddWash hay Activewash Top Load Washer.

Để phục vụ cho việc kết nối giữa các thiết bị IoT, hãng cũng đồng loạt đưa ra nhiều loại modem và bộ định tuyến thông minh. Nổi bật nhất là TP-Link với dòng router SR20 Smart Home có khả năng hỗ trợ hai chuẩn Zigbee và Z-Wave đang được sử dụng trong các thiết bị nhà thông minh. Bên cạnh đó, Netgear cũng tung ra dòng router thông minh Nighthawk X4S AC2600 Smart Wi-Fi Router, Linksys cũng góp mặt với router 3 băng tần AC5400 hỗ trợ MU-MIMO và mẫu router di động AC2600 USB MU-MIMO… D-Link cũng tham gia vào lĩnh vực sản xuất thiết bị cho nhà thông minh với mẫu thiết bị báo cháy không dây Wi-Fi Smoke Alarm tích hợp cảm biến mydlink Smart Alarm Detector và chức năng xử lý tình huống khẩn cấp tự động IFTTT.

Nhà sản xuất NXP cũng ra mắt dòng chip SoC Bluetooth Low Energy QN 9080 tiêu thụ điện năng thấp để sử dụng trong các thiết bị nhà thông minh. Mặc dù có kích thước siêu nhỏ nhưng chip QN 9080 dựa trên kiến trúc ARM Cortex này được trang bị nhân xử lý tín hiệu và hỗ trợ Bluetooth 2,4 GHz mà theo cam kết của hãng là đem lại hiệu quả hơn 40% và mức tiêu tốn năng lượng thấp hơn 2 lần so với các giải pháp khác.

Cũng ở mảng sản phẩm kết nối cho nhà thông minh, Cassia Hub giới thiệu thiết bị Bluetooth Extender giúp mở rộng phạm vi kết nối Bluetooth lên đến hơn 300 mét và kết nối được với 22 thiết bị khác. Đây thực sự là một thiết bị hữu ích trong hệ thống IoT vốn gặp nhiều giới hạn về phạm vi kết nối, nhất là với chuẩn NFC và Bluetooth.

Chưa hết, CES 2016 còn đón nhận nhiều sản phẩm từ nhiều nhà sản xuất khác như Luma, Iinflux với giải pháp “surround Wi-Fi” và Router Dock giúp tăng độ phủ của sóng Wi-Fi rộng và mạnh hơn. Một số thiết bị chiếu sáng Smart LED kiêm loa không dây của Sengled, cảm biến chuyển động SparTag, hệ thống điều khiển nhà thông minh Muzzley hay thiết bị giám sát lượng nước sử dụng ETwater Unity cũng chú ý tại sự kiện triển lãm công nghệ này.

samsung-family-hub-refrigerator-tizen-3
Mẫu tủ lạnh màn hình 21,5 inch Flex Refrigerator của Samsung.

Phần cứng PC “độc lạ” xuất hiện nhiều hơn

Một cỗ máy tính mạnh mẽ có thiết kế có một không hai với hiệu năng mạnh mẽ và được cấu thành từ những linh kiện phần cứng hàng đầu thế giới xuất hiện tại CES 2016 đã khiến khách tham quan trầm trồ thán phục. Đó là mẫu Ommi AiO do hãng sản xuất PC nổi tiếng Origin đưa ra. Máy được trang bị đồ họa Nvidia Titan X mạnh nhất thế giới, bộ vi xử lí Intel Haswell E bao gồm 8 lõi vật lí bên trong cùng với mainboard Alpha 34 AiO của Maingear. Bên cạnh đó, sản phẩm tất-cả-trong-một này còn đi kèm màn hình chuyên dụng MSI Gaming 27XT cho tần số quét ở mức 144GHz đáp ứng tốt những yêu cầu khắt khe nhất của game thủ khó tính.

Một mẫu PC khác – Vortex PC đến từ MSI, cũng có thiết kế độc lạ và hiệu năng mạnh mẽ của Intel Core i7 Skylake mới nhất mang lại. Mẫu PC này còn sử dụng hệ thống RAM DDR4 trên card đồ họa kép NVIDIA GeForce GTX 980M và hệ thống làm mát MSI 360 Silent Storm giúp máy hoạt động ổn định liên tục.

Hướng đến người dùng chơi game cơ động, chiếc laptop EVGA SC-17 Gaming được giới thiệu tại CES cũng được xếp vào loại “khủng” nhờ cấu hình mạnh và màn hình 17 inch, hỗ trợ độ phân giải 4K.

Riêng ở mảng PC cơ động, hàng loạt hãng tung ra các sản phẩm có kích thước nhỏ, cấu hình cao và sử dụng những công nghệ mới nhất. Chẳng hạn như mẫu Intel NUC thế hệ mới có tên mã Skull Canyon, mẫu PC cỡ nhỏ của Zotac, Intel Core M Computer Stick hay Endless Mini PC…

Nhiều sản phẩm linh phụ kiện cho PC cũng được chăm chút kỹ hơn về mẫu mã và tính năng hỗ trợ để thu hút người dùng hơn. Những sản phẩm ấn tượng khác tại CES có lẽ là mẫu vỏ ngoài dành cho PC chơi game EVGA Gaming Case, hệ thống làm mát AMD Wraith, bộ case InWin Case lấy ý tưởng từ robot biến hình trong phim Transformers.

origin-pc-omni-100636392-orig
Mẫu PC “khủng” Ommi AiO là niềm ao ước của mọi game thủ.

Sản phẩm di động ít nhưng chất

Mặc dù số lượng không nhiều, nhưng các sản phẩm về di động tại CES 2016 cho thấy các hãng bắt đầu chú trọng nghiên cứu phát triển theo “chiều sâu” nhằm tăng trải nghiệm cho người dùng.

Sản phẩm đầu tiên mang tính đột phá có thể kể ở đây là màn hình có thể uốn cong được của LG. Nhờ chất liệu được làm từ nhựa dẻo giúp cho việc cuộn tròn dễ dàng mà không bị gãy giúp cho màn hình này dễ dàng tích hợp trong các mẫu thiết bị đeo hoặc smartphone có thể trải rộng hoặc thu gọn diện tích màn hình.

Hãng sản xuất Trung Quốc có cái tên khá lạ LeTV đã khiến khách tham quan tại CES 2016 ngạc nhiên khi giới thiệu chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới trang bị chip SoC mạnh nhất của Qualcomm là Snapdragon 820. Sản phẩm này cũng được chăm chút khá kỹ về tính năng khi được trang bị công nghệ sạc nhanh Quick Charge 3.0, kết nối LTE Cat.12, hỗ trợ quay video 4K, chức năng bảo mật dấu vân tay dựa trên sóng siêu âm Sense ID…

Phương thức sạc smartphone lõi hydrogen đầu tiên – MyFC Jaq được giới chuyên gia đánh giá mở ra một triển vọng mới trong ngành công nghiệp di động cũng đã được giới thiệu tại CES năm nay. Với sản phẩm này, khi muốn sạc pin người dùng chỉ cần thay nước và muối cho lõi PowerCard (một lõi PowerCard của MyFC Jaq cung cấp dòng điện 1.800 mAh) mà không cần phải nạp điện như cách sạc truyền thống.

16465745270717700-3
Màn hình của LG Display có thể uốn cong như tờ giấy mở đầu cho sự xuất hiện ồ ạt của các thiết bị đeo hoặc cấy trên người trong tương lai.

Theo PCWorld

Bạn có quan tâm tới

Gần 90% tổ chức tại APAC sẽ ứng dụng IoT vào năm 2019

Theo dự báo của hãng phân tích thị