Cộng đồng AI Challenge – bước tiến mới cho trí tuệ nhân tạo VN

Cộng đồng AI Challenge – bước tiến mới cho trí tuệ nhân tạo VN

Cộng đồng AI đã gắn kết với nhau bằng những nền tảng chia sẻ, thi đấu. Đây là bước đi nhỏ nhưng là điểm sáng để tạo ra những thành tựu lớn về trí tuệ nhân tạo trong tương lai.

Nghiên cứu mới nhất của HackerRank, một website thực hành code miễn phí cho các lập trình viên trên toàn thế giới cho thấy, Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ ba trên thế giới về năng lực công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Các chuyên gia AI cũng nhận định đội ngũ khoa học cơ bản ở Việt Nam rất giỏi, nguồn nhân lực Việt được đánh giá cao về sự trẻ trung, sáng tạo, học hỏi nhanh. Vấn đề là các bạn cần được hỗ trợ về điều kiện hạ tầng, dữ liệu để phát triển thật sự trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Trong lúc các trường đại học, các ngành đào tạo về AI trong nước còn khá hiếm, các bạn trẻ cũng đã tự động tìm kiếm các sân chơi trên thế giới như Kaggle, Collab… để tự học hỏi và phát triển. Điều này chứng tỏ, những tài năng trẻ Việt Nam rất đam mê AI và âm thầm dấn thân vào lĩnh vực này.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập hợp 100 người trẻ Việt tài năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở trong và ngoài nước trong chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, cùng nhau tìm giải pháp làm trí tuệ nhân tạo.

Các diễn đàn, hội nhóm về AI, Machine Learning… có số thành viên tham gia rất đông đảo để chia sẻ và hỗ trợ nhau tìm hiểu, phát triển về AI. Các công ty công nghệ đã tiếp nối trào lưu chia sẻ này bằng các cuộc thi trí tuệ nhân tạo lớn nhỏ.

Những mô hình như Kaggle cũng đã bắt đầu xuất hiện như Zalo AI Challenge, sân chơi do chính các kỹ sư AI tổ chức. Các đội tham gia được chia sẻ bộ dữ liệu lên đến 110.000 bức ảnh, 30.000 đoạn thu âm giọng nói và 7.000 đoạn nhạc khác nhau. Đây là những bộ data được bản địa hóa, khá “quý hiếm” trong làng AI Việt Nam.

Nhìn chung, các nền tảng chia sẻ công nghệ hay kinh nghiệm đều hướng tới tính thực tiễn và ứng dụng. Đây là những bước đi nhỏ đầu tiên và bài bản để các bạn trẻ đam mê AI được thực hành và trải nghiệm, tạo bước đệm để tiến xa trong lĩnh vực này.

Phong trào AI bùng phát ở quy mô xã hội
Gần đây, chủ đề AI Challenge trở nên sôi nổi trong làng AI Việt. Sau hơn 3 tuần, đã có xấp xỉ 700 đội đăng ký tham gia cuộc thi, trong đó, số đội đã có giải pháp và nộp bài thi lên đến gần 600 đội.

Trên Leaderboards, thứ hạng của các đội được cập nhật theo thời gian thực và các đội nỗ lực “leo hạng” nhanh chóng. Khoảng cách giữa các đội thi đứng Top vô cùng sít sao, kết quả thuật toán có khi chỉ chênh nhau 0,7% (0,007). Có vẻ như sân chơi đã bắt đầu thành công trong việc thúc đẩy cộng đồng AI thử thách và phát triển trong lĩnh vực này.

Anh Trần Công Thiên Qui – người đứng đầu nhóm nghiên cứu phát triển ở Zalo AI – nhận xét: “Thời gian chỉ khoảng 3 tuần, mà nhiều đội đã tăng accuracry (độ chính xác) từ 70% lên 80% cho một số đề, các bạn còn phải đi làm, đi học, nên đạt được kết quả như vậy là rất tốt.”

Hơn thế nữa, có tới 100 đội chơi là du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài và đang xếp hạng cao trên Leaderboards. Đây là một tín hiệu cho thấy lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam đã bắt đầu thu hút sự chú ý của thế giới.

Bạn Nguyễn Xuân Bắc, một kỹ sư phần mềm từng làm việc 2 năm ở Nhật và hiện tại là du học sinh (cấp Master) về AI chia sẻ: “Với những bạn chưa làm những bài toán thực tế bao giờ, đây là cơ hội tốt để các bạn thử sức, cọ xát và các bạn sẽ hiểu là từ lý thuyết đến thực tế còn một khoảng cách khá xa nữa. Ngoài ra, em biết Việt Nam có một số team mạnh, những cuộc thi như thế này sẽ tạo cơ hội cho các team trao đổi và chia sẻ với nhau nhiều hơn.”

Hiện tại, Bắc đang đứng đầu Leaderboard của đề thi Landmark.

Ở Việt Nam, vẫn chưa có một cơ sở nào để đánh giá các thuật toán nên việc xuất hiện các cộng đồng chia sẻ với nhau như Zalo AI Challenge và cạnh tranh thứ hạng hoàn thiện thuật toán đã tạo ra một môi trường khoa học cởi mở và văn minh cho việc nghiên cứu và phát triển AI. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành AI ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, ở một số quốc gia phát triển, các cộng đồng nghiên cứu về AI thực sự lớn mạnh và trở thành lực lượng tạo ra nhiều đóng góp thiết thực.

Không chỉ đội ngũ tổ chức, ngay cả những người tham gia cuộc thi này đều tâm huyết trong việc thúc đẩy phong trào AI ở Việt Nam. Nguyễn Bá Dũng, một kĩ sư AI đang làm việc tại Nhật, đang dự thi Zalo AI Challenge chia sẻ rằng mong muốn của anh là Việt Nam sẽ có cộng đồng AI lớn mạnh như cộng đồng ODS.AI ở Nga.

Chia sẻ của anh Nguyễn Bá Dũng, kỹ sư AI làm việc ở Nhật, một Kaggle Expert, đứng đầu Leaderboard của đề thi Music và xếp thứ 2 bài toán Landmark.


“Khi bạn đạt một điểm số cao trên bảng xếp hạng thì những thành viên khác sẽ phải cải thiện model của mình và mình cũng phải cải thiện để nếu không muốn tụt khỏi bảng xếp hạng”.

Không chỉ thu hút sự quan tâm của các chuyên gia AI, sự kiện này còn tạo môi trường để những người không chuyên, thậm chí không biết gì về AI tham gia vào làn sóng trí tuệ nhân tạo thông qua việc kêu gọi đóng góp dữ liệu tiếng Việt để xây dựng đề thi. Đây có thể xem là một tín hiệu tích cực cho AI ở Việt Nam khi phong trào này đã mở rộng ra bên ngoài cộng đồng kĩ sư AI, và phát triển ở quy mô xã hội.

Nguồn zing.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với