Công nghệ theo thiết kế mô-đun

Thiết kế mô-đun có thể cho khả năng cá nhân hoá các thiết bị đeo và mở rộng tuổi thọ của điện thoại thông minh. Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phía trước trong ngành công nghiệp này.

Đồng hồ thông minh có cả tính năng rung. Nhưng tính năng này khiến mau hết pin. Thay vì như thông thường là bạn phải gắn sạc nó ở ổ cắm điện nào đó trên tường nhà thì hãy tưởng tượng, bạn chỉ cần nhấn vào một nút ở dây đeo đồng hồ để chuyển sang pin dự phòng. Đây là lợi thế của kiểu thiết kế dựa theo mô-đun: gắn thêm một camera, một pin dự phòng mới hoặc chèn thêm cảm biến để nâng cấp chiếc điện thoại, đồng hồ thông minh hay chiếc PC để bàn của bạn.

Tuy nhiên, chúng ta chưa đạt tới kịch bản này. Hầu hết các nhà sản xuất gắn chặt pin vào điện thoại thông minh, và khe cắm thẻ nhớ SD cũng hiếm đến nỗi chẳng bao giờ có ai đưa vào các bài viết đánh giá. Do đó, những thay đổi mà người tiêu dùng mong muốn có trên chiếc điện thoại thường không được nhà sản xuất xem xét đưa vào thiết kế.

Nhưng có vẻ như thiết kế mô-đun đang quay trở lại. Google có một dự án mang tên Project Ara, là một điện thoại thiết kế theo mô-đun, cho phép bạn đưa thêm nhiều thành phần khác nhau vào một thiết bị cơ bản. Còn chiếc điện thoại Fairphone 2 cũng có kiểu thiết kế tương tự, cho phép người dùng thoải mái thay thế pin và các linh kiện khác bên trong.

Không chỉ có điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh thiết kế dạng mô-đun Blocks, cũng đã gây quỹ được 1,4 triệu USD trên Kickstarter (quỹ đầu tư khởi nghiệp). Trong khi đó, tại triển lãm IFA hồi tháng 9/2015, Acer đưa ra chiếc máy tính Revo Build, với những thành phần ghép chồng lên nhau tựa như trò chơi Lego để giúp người dùng dễ dàng nâng cấp.

Liệu thiết kế phần cứng dạng mô-đun sẽ tiến được đến đâu? Có đạt được thành công lâu bền hay không?

fairphone-2-1

Tạo các khối

Serge Didenko và người đồng sáng lập Alireza Tahmasebzadeh đã bỏ ra 3 năm trời để tạo ra đồng hồ Blocks. Ban đầu, kiểu thiết kế theo mô-đun khiến hai người bất đồng khi nghiên cứu các thiết kế tính năng cho thiết bị. Cả hai không ai chịu ai khi xem tính năng này quan trọng hơn tính năng kia. Didenko cho rằng anh muốn có mọi tính năng liên quan đến sức khoẻ, còn Tahmasebzadeh lại muốn tính năng điều khiển bằng cử chỉ và công cụ cho công việc. Bất đồng này cũng cho thấy rõ có sự không thống nhất quan điểm về định hướng khách hàng của Blocks. Có quá nhiều tính năng mà ai cũng mong muốn có được, nhưng thiết kế lại hạn chế về kích thước và pin. Ngay cả vài công ty công nghệ lớn cũng phải hy sinh một số tính năng thiết yếu có trong đồng hồ thông minh.

Blocks là chiếc đồng hồ thông minh hoàn chỉnh, có tính năng theo dõi hành động của người sử dụng, có điều khiển bằng giọng nói và cảm ứng chạm, thời gian dùng pin được 1,5 ngày. Người dùng cũng có thể tuỳ chọn, mua thêm dây đeo cảm ứng với giá khoảng 30 USD.

Trong khi đó, Acer cho rằng thiết kế mô-đun có thể mang tính di động lên dòng máy tính để bàn, cho phép bạn tháo lắp ổ cứng và mang đi theo người để nghe nhạc, hay pin dự phòng có thể sạc cho cả máy chiếu.

Tuy vậy, các nhà phân tích còn hoài nghi về sự thành công của mô hình thiết kế mô-đun như trên. Đại diện công ty phân tích thị trường IHS, cho rằng thiết bị mô-đun đi ngược lại hơn 10 năm về những tiến bộ trong di động. Các nhà sản xuất thiết bị đang thu nhỏ tối đa kích thước và tăng tính ổn định cho thiết bị bằng cách loại bỏ mọi linh kiện nào có chuyển động bên trong, như pin rời, tấm ốp lưng điện thoại, bàn phím trượt, khe cắm thẻ nhớ.

Ví dụ điển hình cho điều này là Apple, nhà sản xuất thiết bị di động thành công nhất cho tới nay. Sản phẩm của Apple hoàn toàn là một khối thống nhất và không có thành phần chuyển động nào, không có linh kiện tháo lắp nào bên trong. Cách làm này của Apple thống nhất trên mọi dòng sản phẩm di động của họ, từ máy nghe nhạc MP3, điện thoại thông minh, máy tính bảng và thậm chí cả máy tính xách tay. Sự thành công của Apple gắn liền với việc tích hợp mọi thành phần trong một thiết bị, khiến các đối thủ cạnh tranh phải đuổi theo cùng một chiến lược thiết kế công nghiệp tương tự, phớt lờ đi tính linh động của thiết kế mô-đun.

Người dùng đã phải đánh đổi khả năng nâng cấp và cá nhân hoá thiết bị để có được những thiết bị mỏng, gọn, nhẹ và đẹp hơn. Cũng theo các nhà phân tích, thách thức đối với các nhà sản xuất là làm sao chế tạo được thiết bị mô-đun nhưng vẫn giữ được cùng kích thước, trọng lượng và chất lượng linh kiện giống như thiết kế tích hợp. Những dấu hiệu ban đầu trong Project Ara cho thấy Google vẫn chưa giải quyết được bài toán này. Các thiết kế ban đầu của Project Ara lớn hơn nhiều so với những thiết kế tích hợp.

Trong khi rất ấn tượng với thiết kế đồng hồ thông minh Blocks nhưng các nhà phân tích vẫn cho rằng rất khó để giữ cho các thành phần mô-đun của đồng hồ này hoạt động suôn sẻ và ổn định theo thời gian.

Cùng với khó khăn làm sao thiết kế cho mỏng, nhẹ để có thể thoải mái đeo trên người thì thiết kế mô-đun cũng gặp những vấn đề khác. Didenko cho rằng ông và Tahmasebzadeh mất đến 2 năm làm việc với các đối tác để tạo ra được những mạch kết nối bền chắc, và phát triển một giao thức truyền thông phù hợp. Còn Acer cho rằng khó khăn lớn của công ty là đảm bảo cho mọi mô-đun có thể vận hành suôn sẻ với nhau, qua kết nối từ tính mà không bị các linh kiện khác bên trong tác động.

Giá bán cũng là vấn đề khác. Chiếc đồng hồ Blocks mẫu cơ bản hiện được rao bán với giá 295 USD trên Kickstarter. Bản này gồm 4 mô-đun, và một mô-đun cộng thêm giá 30 USD. Trong khi đó, đồng hồ thông minh Pebble Steel chỉ ở mức giá 250 USD.

Đầu tư lâu dài

Không phải người dùng nào cũng sẵn lòng trả thêm tiền để có được tính di động, nhưng Didenko cho rằng các thiết bị đeo dạng mô-đun có thể có thời gian sử dụng lâu hơn. Nếu Blocks bị mất một tính năng nào đó, bạn có thể quyết định sử dụng mà không cần đến tính năng đó, không phải đi mua đồng hồ mới, mà chỉ cần mua đúng mô-đun cần thiết. Mục đích chính của thiết kế mô-đun là để kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm.

Theo Didenko, cách mà các công ty công nghệ và nhà sản xuất phần cứng hiện nay làm không phải là sản xuất thiết bị để dùng được lâu dài. Họ đơn giản chỉ muốn cho người dùng mỗi năm mua thiết bị mới, đổi điện thoại mới. Tất cả là vì lợi nhuận. Anh cho biết: “Chúng tôi cố gắng tạo ra một sản phẩm thay thế khác. Chúng tôi tạo sản phẩm có thể sử dụng lâu nhất có thể. Đó là điều mà người dùng mong muốn”.

Theo Pcworld.com

Bạn có quan tâm tới

Gần 90% tổ chức tại APAC sẽ ứng dụng IoT vào năm 2019

Theo dự báo của hãng phân tích thị