Có thể bạn không nhận ra, nhưng chúng ta đang ở trong những thời điểm khởi phát của cuộc cách mạng mang tên công nghệ robot.
Thực tế, một “cuộc cách mạng robot” không chỉ là hình ảnh những người máy xuất hiện xung quanh chúng ta như trong các bộ phim viễn tưởng. Nếu có, đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ. Thay vào đó, đặc trưng của thời kỳ này là hàng tá thiết bị làm việc thay cho bạn, khiến cuộc sống của bạn trở nên thuận tiện hơn.
Một số người sử dụng thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo” hay “trợ lý kỹ thuật số”, số khác lại nói về các thiết bị “thông minh”, “internet of things”. Chúng chỉ là một phần của tất cả những công nghệ đang hàng ngày gắn kết, phục vụ con người.
Cuộc cách mạng robot đang âm thầm diễn ra
Những cuộc cách mạng với người thắng kẻ bại…
Mỗi 10 hoặc 15 năm, một sự hội tụ của kinh tế thuận lợi và tiến bộ kỹ thuật khởi động một cuộc cách mạng trong công nghiệp máy tính. Văn hóa chính thống thay đổi đáng kể. Thói quen mới được hình thành. Các công ty có trị giá hàng tỉ đô la được tạo ra.
Ngược dòng lịch sử, có thể thấy 3 cuộc cách mạng công nghệ đã diễn ra. Đầu tiên, là cuộc cách mạng máy tính khởi đầu vào năm 1980, khi các máy tính Apple và IBM xuất hiện. Không phải sớm nhất nhưng Microsoft và Intel là những người giành được chiến thắng lớn nhất và IBM là kẻ thất bại lớn nhất. IBM thất bại bởi hãng vẫn khư khư giữ ý tưởng “máy tính lớn và độc quyền, được lưu trữ trong một trung tâm dữ liệu ở đâu đó”. Trong khi đó, giấc mơ táo bạo của Microsoft “một máy tính trong mỗi gia đình” đã tạo nên cuộc cách mạng đầu tiên.
Tiếp đến là cuộc cách mạng internet được khởi động vào giữa năm 1990 với các tiêu chuẩn của giao thức internet khác nhau.
Ngay sau đó, là sự xuất hiện của cuộc chiến trình duyệt và sự bùng nổ dot-com mà Amazon và Google là những người chiến thắng lớn nhất. Còn những ngành công nghiệp dựa trên các phương tiện vật lý và độc quyền phân phối, như nhạc và phương tiện truyền thông in ấn là người thua cuộc. Kết thúc cuộc cách mạng này, tất cả mọi người đã online, còn doanh nghiệp nào không có trang web sẽ bị coi là một sự vô lý hay thất bại.
Cuộc cách mạng thứ 3 chính là điện thoại di động. Nó bắt đầu vào năm 2007 với sự ra mắt của iPhone. Apple và Samsung là những người chiến thắng lớn nhất. Microsoft là một trong số những người thất bại lớn kéo theo sự độc quyền trong khoảng thời gian 20 năm của họ trên máy tính cá nhân bị phá vỡ.
Có một vài điểm quan trọng, mà đáng chú ý nhất, đó là khi một cuộc cách mạng kết thúc, không có nghĩa là những công nghệ đó tàn lụi. Hãy nhìn xem, mọi người vẫn sử dụng PC và vẫn dùng internet. Điều đó chỉ ra rằng, khi công nghệ phổ biến và rộng rãi, nó không còn mang tính cách mạng. Và, có thể thấy, cuộc cách mạng di động đã đến hồi kết thúc khi có hơn 1 tỷ smartphone xuất xưởng mỗi năm, doanh thu của các nhà sản xuất rồi cũng giảm xuống.
Doanh nghiệp mới sẽ không còn đầu tư vào thiết bị bởi sự rủi ro quá lớn. Họ sẽ nắm trong tay ý tưởng xuyên suốt, rằng tất cả mọi người sẽ có một kết nối internet ở trong túi vào mọi lúc. Uber là chiến thắng mang ý nghĩa biểu tượng khi không hề có một thiết bị nào. Facebook sẽ không trở thành một tượng đài lịch sử nếu bỏ qua di động.
Và khi cuộc cách mạng di động đã đến điểm cuối, thì thế giới sẽ chứng kiến cuộc cách mạng nào tiếp theo?
Tương lai nhìn từ CES 2016
CES năm nay có gì? Dường như mọi người đều tìm kiếm những điều lớn lao tiếp theo, nhưng thực sự triển lãm này không có bất cứ một công nghệ gì có thể được coi là sẽ thống trị trong tương lai.
Hãy điểm qua: Có những chiếc xe thông minh, nhà thông minh, máy bay do thám, thực tế ảo, các thiết bị đeo để theo dõi hoạt động thể thao, giường thông minh, hành lý thông minh và robot.
Có vẻ như rất hổ lốn nhưng nếu bạn nhìn vào sự phổ biển của tất cả những điều này cộng với những gì các công ty công nghệ lớn đang đầu tư thì bức tranh về một cuộc cách mạng đang dần xuất hiện.
Đầu tiên, đó là cảm biến và các thành phần khác hiện có mức giá cực rẻ. Điều này có được là nhờ cuộc cách mạng điện thoại di động (GPS, trackers, camera, micro, công nghệ kết nối Bluetooth LTE, Wi-Fi, LTE). Những thành phần này sẽ tiếp tục rẻ hơn trong tương lai, mở đường cho các đối tượng vô tri vô giác có thể thu thập tất cả các loại dữ liệu và gửi tín hiệu giao tiếp đơn giản với nhau.
Thứ hai, đó là mỗi công ty công nghệ lớn đang bị ám ảnh với trí thông minh nhân tạo (AI). Hãy nhìn xem, họ đang phát triển trợ lý ảo và trí thông minh nhân tạo khác nhau: Microsoft có Cortana; Google có Google Now, Apple có Siri, Amazon có Echo, thậm chí cả Facebook cũng được cho là đang phát triển trợ lý Facebook M. IBM và các công ty lớn khác cũng đang tạo ra những khoản đầu tư lớn vào thị trường AI.
Thứ ba, cả xã hội đã sẵn sàng – đó là điều quan trọng nhất.
Mọi người làm việc nhiều giờ hơn, hoặc nhiều công việc bán thời gian để kiếm sống. Các bậc cha mẹ như muốn phát điên trong việc trông nom con cái. Gọi một chiếc xe từ ứng dụng Uber đã không chỉ dành cho Manhattan hay San Francisco nữa. Đó chính là “thời khắc kinh điển” trước một cuộc cách mạng máy tính: Mọi người đều cần một cái gì đó.
Hãy tiếp tục tưởng tượng: Trong 10 năm, bạn phải trả một vài trăm USD cho một trợ lý cá nhân thông minh, mà bạn cài đặt trên điện thoại của bạn như một ứng dụng. Nó thu thập một loạt các thông tin về hành động của bạn, hoạt động, liên lạc và nhiều hơn nữa. Nó bắt đầu học những gì bạn mong muốn. Sau đó, nó giao tiếp với hàng tá thiết bị và các dịch vụ khác để làm cho cuộc sống của bạn thuận tiện hơn.
Bạn cần báo thức? Nó đã được thiết lập tự động. Bạn không cần phải lên danh sách các việc phải làm bởi nó đã được thực hiện; không cần mất thời gian gọi và chờ đợi Uber bởi một chiếc chiếc xe xuất hiện chính xác khi bạn cần nó và người lái xe đã biết chuỗi các điểm dừng mà bạn muốn. Và cuối cùng, sẽ chẳng có người lái xe nào cả vì tất cả phương tiện đều tự lái.
Tất cả những điều này nghe có vẻ như khoa học viễn tưởng và vẫn còn một núi công việc phía trước để đạt được điều đó. Không ai phát minh ra phương thức phổ biến nhất để tất cả các thiết bị có thể kết nối, trao đổi dữ liệu với nhau nhưng ít nhiều, những thiết bị AI sẽ kiểm soát chúng và gắn kết mọi thứ lại với nhau.
Cuộc cách mạng này có thể nhiều năm nữa mới diễn ra, nhưng không phải là quá xa bởi các công nghệ cần thiết và cơ bản đã có, việc còn lại là ai sẽ tìm cách kết nối chúng với nhau.
Một lần nữa, bất cứ công ty nào kết nối được, sẽ trở thành kẻ thắng lợi như những Microsoft, Google, Apple trong 3 cuộc cách mạng đã diễn ra.
Theo Nhịp Sống Số