Sở hữu danh mục sản phẩm điện tử rất đa dạng trong thế giới công nghệ, Samsung nắm lợi thế rõ rệt trong cuộc đua nhà thông minh. Nhưng đằng sau cuộc đua ấy là một tham vọng còn to lớn hơn nhiều.
Là nhà sản xuất thiết bị gia dụng, smartphone, TV… hàng đầu thế giới, sẽ không sai khi tin rằng Samsung đang sở hữu lượng thiết bị có kết nối internet cao hàng đầu trên thế giới. Trong bối cảnh Internet of Things đang trở thành trào lưu mạnh mẽ trên toàn thế giới, thương hiệu Hàn Quốc này rõ ràng đang nắm trong tay lợi thế nhất định. Khởi đầu thập kỷ mới, Samsung không giấu ý định sẽ biến lợi thế về số lượng thiết bị ấy trở thành động lực để đi tiên phong về công nghệ phục vụ cuộc sống con người.
Tiên phong trong lĩnh vực nhà thông minh
Tại Hội chợ điện tử tiêu dùng thế giới CES 2020, tổ chức tại Las Vegas đầu năm qua, Samsung vén màn tầm nhìn của hãng trong tương lai, mang tên “Kỷ nguyên trải nghiệm”, nơi con người làm trung tâm, tối ưu hóa việc kết nối liền mạch giữa phần cứng và phần mềm nhằm tạo ra những trải nghiệm được cá nhân hóa, với mong muốn mang lại cuộc sống thuận tiện và ý nghĩa hơn.
Tính riêng năm 2019, mảng kinh doanh IoT của Samsung đã tăng trưởng gấp 10 lần so với năm 2018, và dự báo thị trường kinh doanh thiết bị nhà thông minh sẽ còn tăng trưởng đều đặn thêm 26%/năm từ 2018 đến 2023 (theo công ty nghiên cứu thị trường Forrester).
Cuối năm 2019, Samsung giới thiệu giải pháp thông minh mang tên Smart Home hướng đến các gia đình và Smart Building cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là 2 gói giải pháp sử dụng nền tảng chuyên dành cho IoT SmartThings nhằm kết nối tất cả các thiết bị có trong nhà và các tòa văn phòng, cao ốc. Trong đó, Smart Home sinh ra để giúp các gia đình Việt có thể trải nghiệm tiện nghi cuộc sống thông qua các thiết bị thông minh, cảm biến nằm trong hệ sinh thái SmartThings của Samsung. Điều đáng chú ý, giải pháp Smart Home của Samsung không chỉ được tích hợp vào các sản phẩm TV, điện thoại, tủ lạnh và các thiết bị điện tử gia dụng khác của hãng mà còn có mặt trên hơn 4.000 thiết bị đến từ bên thứ ba, thông qua hệ sinh thái đồng nhất mang tên Smart Things (nền tảng hiện có tới 110 triệu người dùng hàng tháng). Tất cả các thiết bị này đều có thể kết nối với nhau thông qua Wi-Fi, giúp hoạt động xuyên suốt.
Thị trường nhà thông minh ở Việt Nam trong năm 2019 có doanh thu ở mức 2.500 tỷ VNĐ, theo Samsung. Con số này sẽ còn tăng trưởng lên mức 8.200 tỷ vào năm 2023, tức là 35%.
Tầm nhìn xa hơn
Hoàn thiện nhà thông minh chỉ là bước đầu trong “Kỷ nguyên trải nghiệm” mà Samsung khởi xướng. Công ty còn muốn kết nối tất cả những thiết bị trong những ngôi nhà thông minh đó lại với nhau, ứng dụng AI để cá nhân hóa, đáp ứng chính xác nhu cầu của người sử dụng, sau đó là mở rộng ra những thiết bị công cộng như đèn đường, máy bán hàng tự động, xe tự lái… thậm chí là hệ thống liên lạc, điện tử trong các ngôi nhà, văn phòng cũng có thể “giao tiếp” với nhau thông qua IoT. Với sự bùng nổ của mạng 5G, cho tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh gấp 100 lần 4G, điều đó không còn là viễn tưởng.
Nhìn nhận ở quy mô rộng hơn, những thành phố thông minh trong tương lai sẽ được xây dựng từ nền tảng những ngôi nhà thông minh với hàng loạt thiết bị được kết nối internet. Thông qua khả năng kết nối, truyền tải lượng dữ liệu khổng lồ một cách liên tục, những thành phố kiểu như vậy sẽ có khả năng điều tiết giao thông giảm tắc đường, từ đó giảm bớt lượng khí thải. Bên cạnh đó, việc tiết kiệm điện năng, nước sạch cũng sẽ được tối ưu mà không cần đến sự theo dõi sâu sát của con người. Điều đó cũng đã nằm trong tầm nhìn của Samsung, khi củng cố triết lý rằng công nghệ được tạo ra nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và giúp con người đạt được thành công, qua đó tạo ra một thế giới tốt hơn.
Nguồn: Cafebiz