Điều trị ung thư qua ứng dụng “Trí tuệ nhân tạo”
Ngày 25-10, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư” (IBM Watson for Oncology), nhằm đánh giá ưu, nhược điểm, đề ra những giải pháp điều trị thích hợp, phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau bảy tháng triển khai, đến nay, đã có hơn 100 người bệnh đến khám và điều trị ung thư theo ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Kết quả cho thấy, sự tương đồng giữa phác đồ mà hệ thống IBM Watson for Oncology đưa ra và phác đồ của bác sĩ bệnh viện là hơn 90%. Điều này cho thấy, các bác sĩ của bệnh viện đã cập nhật và sử dụng các phác đồ điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới đạt hiệu quả tích cực, nhiều người bệnh sức khỏe tiến triển tốt sau khi áp dụng phương pháp điều trị này.
Bà Chu Thị Quang ở TP Hồ Chí Minh cho biết, bà bị ung thư vú cách đây tám năm và đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng hiệu quả không cao. Đầu năm 2018, bệnh tình tái phát và chuyển sang di căn vào phổi, xương, sức khỏe yếu dần. Ngày 17-7, tôi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để điều trị bằng hệ thống “Trí tuệ nhân tạo”. Sau 23 ngày điều trị, đến nay sức khỏe trở lại bình thường và đã xuất viện.
Tại hội thảo, các chuyên gia và y, bác sĩ đang công tác tại nhiều bệnh viện ở khu vực phía bắc cho rằng, IBM Watson for Oncology không phải là phương pháp chẩn đoán hay điều trị ung thư mà là phương tiện gợi ý, giúp bác sĩ chuyên ngành ung thư có thêm sự lựa chọn, tham khảo trong quá trình điều trị. Việc quyết định điều trị cuối cùng cần phải dựa vào kiến thức, kỹ năng của bác sĩ chuyên khoa trên từng trường hợp bệnh nhân cụ thể… bởi lẽ, điều trị ung thư không những cần áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật mà còn đòi hỏi cả nghệ thuật, kinh nghiệm của người thầy thuốc, có như vậy mới có thể mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.
Ông Phạm Huy Triều, Giám đốc khối bảo hiểm Five9 Việt Nam, hệ thống trí tuệ nhân tạo (IBM Watson for Oncology) đặc biệt hữu ích trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ trẻ. Hệ thống chưa chẩn đoán và không chịu trách nhiệm điều trị, hỗ trợ điều trị với người bệnh mắc nhiều loại ung thư cùng một lúc, bệnh nhân dưới 18 hoặc hơn 89 tuổi. Vậy nên, IBM không thể thay thế bác sĩ mà chỉ đưa ra nhiều thông tin hơn, hỗ trợ bác sĩ trong điều trị và cho người bệnh những lựa chọn điều trị phù hợp theo hướng dẫn cập nhật.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khẳng định, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư được phát triển bởi tập đoàn IBM, với nền tảng bao gồm hơn 300 tạp chí y khoa, hơn 200 đầu sách y khoa trên thế giới được cập nhật liên tục; hàng chục triệu hồ sơ bệnh án cùng với hệ thống hướng dẫn điều trị hàng đầu của Hoa Kỳ.
Hiện nay, hệ thống này hỗ trợ thông tin liên quan tới 13 loại ung thư như: Ung thư vú, phổi, ống thực quản, gan, tuyến giáp, trực tràng, đại trực tràng, cổ tử cung, buồng trứng, dạ dày, tuyến tiền liệt, bàng quan, nội mạc tử cung.
Trung tâm Ung bướu Bệnh viện đa khoa Phú Thọ được thành lập năm 2011. Tính riêng trong năm 2017, Trung tâm đã khám ngoại trú 3.200 bệnh nhân; điều trị nội trú 9.800 bệnh nhân; phẫu thuật ung thư 1.200 bệnh nhân; hóa trị 5.200 bệnh nhân; xạ trị 3.200 bệnh nhân.
Đầu năm 2018, Trung tâm đã áp dụng hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư, góp phần quan trọng giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương; đặc biệt, giảm chi phí cho người bệnh khi không phải lên tuyến trên hoặc ra nước ngoài khám chữa bệnh, mà vẫn có đầy đủ những thông tin và phác đồ điều trị tối ưu trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân ung thư của tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận.
Nguồn nhandan.com.vn