Facebook gấp rút mở phòng thí nghiệm toàn cầu và thuê 170 kỹ sư AI để nghiên cứu trí tuệ nhân tạo
Sau khi CEO Mark Zuckerberg tỏ ra “sốt sắng” với tình hình đột phá về trí thông minh nhân tạo của công ty, Facebook đã nhanh chóng mở phòng lab trải rộng toàn cầu cũng như thuê hàng loạt kỹ sư đầu ngành về trí tuệ nhân tạo để giúp Đế chế mạng xã hội khổng lồ xúc tiến tốc độ nghiên cứu công nghệ tương lai này.
AI – Artificial Intelligence, còn được gọi là trí thông minh nhân tạo, là thuật ngữ chỉ các hệ thống vi tính sử dụng rất nhiều dữ liệu để đưa ra quyết định cũng như cải thiện hiệu suất mà không cần trợ giúp của con người. AI hiện đang được coi là một trong những lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất giữa các “ông lớn” công nghệ như Google, Amazon, Microsoft và Facebook. CEO Google Sundar Pichai hồi tháng 1 từng phát biểu rằng “AI là một trong những thành tựu quan trọng nhất của loài người” và rằng “nó còn thiết yếu hơn cả lửa hay điện”.
Facebook từ lâu đã cho biết hãng coi trí tuệ nhân tạo là hướng đi của tương lai và là công cụ cần thiết giúp Mạng xã hội màu xanh cạnh tranh được với các đối thủ cũng như quản lý hơn 2 tỷ người dùng của mình. Đó cũng chính là lý do công ty của CEO Mark Zuckerberg sẽ nhanh chóng thúc đẩy nhịp độ nghiên cứu trong lĩnh vực AI, Trưởng bộ phận nghiên cứu Facebook, AI Yann LeCun, cho biết.
Theo LeCun, Người khổng lồ mạng xã hội sẽ chiêu mộ hàng loạt kỹ sư tài năng và mở rộng đội ngũ nghiên cứu AI của công ty lên khoảng 170 nhà khoa học và kỹ sư trải rộng trên khắp 8 trụ sở toàn cầu, bao gồm văn phòng tại Paris, Pittsburgh, Montreal, London và Tel Aviv. Kế hoạch triển khai mở rộng các phòng lab quốc tế và hợp tác nghiên cứu sẽ dành cho mục tiêu phát triển robot, hoạt hình ảo (virtual annimation), learning machine và nhiều hình thức trí tuệ nhân tạo khác.
Trưởng bộ phận AI Yann Lecun, người đã từng là một trong những kỹ sư machine learning đầu tiên, cho biết nỗ lực mở rộng nghiên cứu của Facebook được thúc đẩy bởi không ai khác chính là CEO Mark Zuckerberg. “AI đã trở thành yếu tố cốt lõi để vận hành những công ty công nghệ như chúng ta, đó là những gì người lãnh đạo của chúng tôi nói với chúng tôi. ‘Tiến nhanh hơn nữa đi, chúng ta đang phát triển chưa đủ nhanh đâu’ “, LeCun cho biết.
Kế hoạch mở rộng toàn cầu và hợp tác học thuật của Facebook thực chất đang mô phỏng lại mô hình của rất nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực AI đã và đang làm. Đó là cho phép các nhà nghiên cứu và kỹ sư được tự do giảng dạy, công bố nghiên cứu đồng thời phân chia thời gian của mình cho các mục tiêu học thuật cũng như thương mại. Theo LeCun, các nhà khoa học AI của Facebook sẽ tập trung vào hai mục tiêu dài hạn đó là “đem lại một mức độ tư duy nhất định cho máy móc” và “tìm hiểu cách thế giới xung quanh vận hành qua quan sát, giống như trẻ nhỏ làm trong những tháng đầu đời vậy”.
AI là một lĩnh vực rộng và có rất nhiều hướng phát triển khác nhau. Bằng chứng là trong khi các đối thủ của mình tập trung vào trợ lý giọng nói như Alexa của Amazon hay Assistant của Google, loa thông minh như HomePod và xe hơi tự lái, v.v… phần lớn các nỗ lực của Facebook lại dồn vào lĩnh vực phân tích hình ảnh và video, nhận diện văn bản/khuôn mặt, thông dịch ngôn ngữ và phát hiện nội dung xấu cũng như bình luận gây hại.
Người dùng Facebook phổ thông thường sẽ không để tâm tới cách AI tác động vào thói quen sử dụng của họ. Một trong những tính năng dễ nhận biết nhất có sự can thiệp của AI trên Mạng xã hội khổng lồ có thể kể đến gợi ý tag bạn bè vào ảnh, News Feed tính toán nội dung hiển thị bằng thuật toán, gợi ý kết bạn, block spam và target quảng cáo.
AI là mặt trận quan trọng đối với Facebook, đặc biệt là khi Zuckerberg đã cam kết trước Quốc hội Mỹ và các nhà đầu tư rằng công cụ trí tuệ nhân tạo tự động hóa sẽ giúp giải quyết triệt để hơn các vấn đề về bài đăng không phù hợp, tin giả và bình luận xấu. Công ty cho biết AI đã giúp cải thiện đáng kể kiểm soát với hơn 2 tỷ người dùng, nhưng hãng vẫn đang phải phụ thuộc nặng nề vào các quản trị viên là người thật để kiểm duyệt những nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục hằng ngày.
Theo ictnews.vn