Bên cạnh đó, dự án cũng bao gồm các hoạt động chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sản xuất và marketing cho các công ty khởi nghiệp.
David Triều, người khởi xướng dự án cho biết, đây là chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí. Sinh viên, kỹ sư mới ra trường sẽ được đào tạo kỹ năng và kinh nghiệm thiết kế phần cứng IoT, giới thiệu vào làm việc các công ty công nghệ ở Việt Nam.
Với những kỹ sư đang đi làm và muốn khởi nghiệp, dự án sẽ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sản xuất và marketing sản phẩm. Riêng doanh nghiệp muốn triển khai dự án công nghệ mới sẽ được chương trình giới thiệu đội ngũ nhân lực là những kỹ sư giỏi, có kinh nghiệm.
Có trên 15 năm kinh nghiệm thiết kế hardware cho tập đoàn công nghệ của Mỹ, David Triều muốn chia sẻ lại kinh nghiệm thiết kế hardware cho sinh viên và kỹ sư mới ra trường, cũng như hỗ trợ các công ty thiết kế phần cứng và phần mềm nhúng ở Việt Nam sản xuất được thiết bị ổn định với giá thành cạnh tranh. “Chương trình đặt ra tiêu chí mỗi kỹ sư Việt Nam đều phải tự thiết kế được một thiết bị IoT”, Triều chia sẻ.
Vì điều này, dự án không chỉ hướng đến những người trong ngành mà còn có các lớp đào tạo cho những người không biết gì về IoT. Với nhóm học viên này, dự án sẽ tư vấn đề tài để người tham gia chọn, sau đó hỗ trợ họ về kỹ thuật thiết kế và sản xuất ra được một thiết bị IoT. Triều tiết lộ: “Đây là hình thức đào tạo theo dạng trải nghiệm dự án nghiên cứu và phát triển, làm một sản phẩm IoT thực tế, không lý thuyết để người tham gia hiểu rõ hơn về IoT”.
Tính đến nay, dự án đã và đang triển khai 40 dự án nghiên cứu, phát triển về các thiết bị IoT với 150 sinh viên và kỹ sư mới ra trường tham gia. Đồng thời, làm việc với Vườn ươm doanh nghiệp SBI và nhận được sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, truyền thông.
Theo mong ước của Triều, chỉ cần sau 5 năm, lượng dự án R&D và kỹ sư tham gia lên đến hàng chục ngàn thì sẽ tạo được một cộng đồng IoT đủ mạnh, để trở thành bệ phóng cho các sản phẩm công nghệ Việt Nam bước ra thế giới.