Internet of Things: Tương lai của bạn có an toàn?
Chúng ta đang trong thời kỳ hiện đại hóa vĩ đại nhất của con người với sự chuyển dịch từ Kỷ nguyên Thông tin sang Kỷ nguyên Số, nơi những thiết bị thông minh có thể cảm nhận được sự hiện diện của con người và đưa ra phản hồi phù hợp.
Sự chuyển dịch này xuất phát từ mong muốn của con người nhằm tăng hiệu suất, tự động hóa các công việc, đặc biệt với công việc hàng ngày. Cùng với đó, chi phí liên quan cho các thiết bị không còn bị hạn chế nên các công ty thuộc mọi quy mô đều có thể đưa sản phẩm ra thị trường.
Nhiều người đã cười nhạo khi vào năm 2014, John Chambers – CEO của Cisco đề cập tới “Internet of Everything” như một thị trường tiềm năng trị giá khoảng 17 nghìn tỷ USD, có khả năng chiếm toàn bộ thị trường trong thời gian 5-10 năm tới. Chỉ hai năm sau, “hiện tượng Chambers” đã trở thành sự thật dưới dạng Internet of Things (IoT) – Internet của vạn vật.
Sự chuyển đổi từ Internet của mọi người thành Internet của vạn vật (IoT) khởi nguồn cho một sự đổi mới. Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng khả năng lộ lọt dữ liệu cá nhân nhạy cảm trên mạng mà ai cũng có thể truy cập được. Từ hồ sơ y tế đến thông tin gia đình hoặc thậm chí các hoạt động hàng ngày của chúng ta, tất cả đều kết nối với IoT.
Tin xấu là, theo một cuộc khảo sát của McKinsey, thiệt hại do mất an ninh sẽ lên tới 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Khi các thiết bị kết nối với con người đạt tới con số 20,8 tỷ vào năm 2020, sẽ có những rủi ro mất an ninh thông tin khổng lồ kèm theo đó.
Dữ liệu lưu trữ trọn đời
Suốt những năm 90, mọi người tập trung vào dữ liệu luân chuyển – là phương tiện kết nối giữa các bên. Tuy nhiên, các công ty đã nhận thấy rằng với sự phát triển của dữ liệu, khả năng xảy ra các vụ xâm nhập dữ liệu doanh nghiệp càng lớn.
Điều mà chúng ta cần là đảm bảo an toàn dữ liệu mãi mãi chứ không chỉ khi chuyển qua lại giữa các thiết bị bởi việc đảm bảo an toàn dữ liệu khi chuyển qua lại không có ý nghĩa gì khi chính thiết bị đó bị tấn công.
Dữ liệu hiện nay không chỉ của một ngày hoặc một thập kỷ, mà là cả đời. Những thứ mà bạn lưu trữ qua Internet vẫn ở đó mãi mãi, từ dữ liệu khách hàng, thông tin cá nhân hay thậm chí cả bí mật kinh doanh.
Cân nhắc các điều trên, bạn cần thực hiện những thay đổi cần thiết bởi cùng với sự tiến bộ của công nghệ thì những hacker cũng ngày càng tinh vi hơn để có thể lấy cắp dữ liệu của người dùng.
Cá nhân không đồng nghĩa với an toàn
Sẽ là một nhận định sai lầm khi cho rằng các thiết bị chứa dữ liệu thì an toàn trên Internet. An ninh thông tin gồm 3 yếu tố:
• Tính bảo mật: Tại đây dữ liệu được giới hạn và bảo vệ.
• Tính toàn vẹn: Đảm bảo rằng không có sự xâm nhập về dữ liệu và thông tin.
• Tính sẵn sàng: Những người được cấp quyền truy cập vào thông tin có thể làm bất cứ điều gì với dữ liệu.
Có một số giao thức bảo mật chính có thể áp dụng để tăng cường an ninh đó là mã hóa, tường lửa, token và xác thực hai bước. Chúng ta cần phải nhắm mục tiêu bảo mật dữ liệu, ngăn chặn truy cập trái phép và phát triển bảng thông tin kinh doanh (business dashboard) hiệu quả.
Tuy nhiên, các thiết bị cũng có các giao thức, phần mềm, quy tắc và các API riêng tiềm tàng những lỗ hổng.
Điều gì sẽ xảy ra khi dữ liệu tồn tại cùng những lỗ hổng này? Những điểm yếu cho phép xâm nhập chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh.
Tính toàn vẹn dữ liệu
Không may là, không một chuyên gia an ninh nào cho rằng chúng ta có thể xây dựng mạng lưới IoT hoàn toàn không có lỗ hổng. Do đó, chúng ta cần một cách tiếp cận mới, cần phải biết cách thức mà dữ liệu đang chuyển đổi và những gì có thể làm để ngăn chặn các vụ xâm nhập.
Đây được gọi là vấn đề về toàn vẹn – và nó tập trung vào an ninh hiện đại, nơi mọi thứ đều liên quan đến nhau.
Tính toàn vẹn dữ liệu là một yếu tố khác. Những công nghệ như SPDP (scalable provable data possession), blockchain (công nghệ truyền dữ liệu an toàn), cây Merkle và DPDP (dynamic provable data possession) là những lựa chọn tốt cho bạn.
Chúng ta có thể sử dụng những công nghệ này cho các mạng lớn và cần đào tạo đội ngũ kỹ thuật cách xử lý các vấn đề.
Tóm lại
Internet của vạn vật (IoT) không còn là một khái niệm mới mẻ. Dữ liệu ngày càng nhiều đi kèm trách nhiệm ngày càng lớn để mã hóa dữ liệu và đảm bảo an toàn trước hacker.
Dù bạn là người dùng cá nhân hay doanh nghiệp đang trên đà thành công thì đều cần đảm bảo an toàn cho dữ liệu, xây dựng các chiến lược ngăn cản các rủi ro mất mát lớn.
Theo vnreview