Làn sóng Internet of Things (IoT – vạn vật kết nối) sẽ quét qua tất cả các ngành công nghiệp và chẳng bao lâu nữa sẽ thay đổi mãi mãi bộ mặt ngành công nghiệp bán lẻ trên quy mô toàn cầu.
Cuộc cách mạng về không gian bán hàng
Nhiều hãng bán lẻ vẫn cho rằng các gian hàng thực sẽ không thể sánh được gian hàng điện tử vốn dễ dàng nắm bắt thông tin người tiêu dùng về mức độ yêu thích đối với sản phẩm, hay nhận biết các sản phẩm thường được họ lựa chọn đưa vào giỏ hàng. Nhưng khi làn sóng IoT tràn tới thì mọi chuyện sẽ khác. Bằng công nghệ theo dõi GSM, wifi, các hãng bán lẻ có thể thu thập thông tin về nơi mà khách hàng hay tới, những gì khiến họ dừng lại để ý và cả những sản phẩm đi vào giỏ hàng của họ ở ngay không gian thực chứ không phải trực tuyến. Thông tin này có thể được sử dụng nhằm tối ưu hóa cách bố trí cửa hàng và tăng lượng khách vào những khu vực nhất định. Đây là chiến thuật đã được doanh nghiệp bán lẻ Cabela’s và Family Dollar sử dụng rất thành công.
Gương ma thuật Magic Mirror của Rebecca Minkoff. Ảnh. Accessoriesmagazine.com
Bên cạnh đó, các công nghệ IoT trong bán hàng – điển hình như công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến (RFID) – đã khiến nhiều ông chủ bán lẻ phải đánh giá lại không gian bán hàng thực của mình. Các sóng vô tuyến có thể quét mã sản phẩm những mặt hàng tồn kho trong thời gian thực từ một khoảng cách nhất định, giúp bổ sung hàng hóa hiệu quả, đảm bảo các kệ không bao giờ có quá nhiều hay quá ít sản phẩm. Điều này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của các gian hàng thực so với gian hàng điện tử.
Nghiên cứu của tiến sĩ Bill Hardgrave tại Đại học Auburn (Mỹ) năm 2014 cho biết, công nghệ RFID đã giúp các doanh nghiệp bán lẻ kiểm tra chính xác đến 99% số hàng tồn kho, giảm được 70% độ chêch lệch giữa hàng tồn kho dự đoán và hàng tồn kho thực tế, đồng thời nâng từ 2-7% hiệu quả bán hàng.
IoT khiến khách hàng thực sự là thượng đế
“Các doanh nghiệp bán lẻ tin rằng khách hàng nào cũng muốn sống như Jetsons – nhân vật phim hoạt hình mỗi sáng được đánh thức bằng hương vị càphê từ đồng hồ báo thức và dùng đũa thông minh để phát hiện thực phẩm có độc” – Barhara Thau – chuyên gia phân tích về bán lẻ trên tạp chí Forbes nói khi đề cập tới những trải nghiệm thú vị mà IoT có thể đem lại. Theo các chuyên gia, đây không phải chuyện viễn tưởng, bởi công nghệ thu thập thông tin, dự báo xu hướng sẽ giúp thiết kế các kệ hàng và gian hàng thông minh, làm hài lòng tối đa các “thượng đế”.
Trong tương lai, với công nghệ IoT, các cửa hàng bán lẻ có khả năng tạo ra cả môi trường tương tác thực tế ảo cho khách với màn hình tivi và ánh sáng sống động. Không gian bán hàng còn có thể biết cả mùi hương bạn yêu thích để tỏa ra trong mỗi bước đi của bạn ở đó.
Một số cửa hàng bán lẻ thời trang và xe hơi đã dùng tương tác thực tế ảo để tạo trải nghiệm ấn tượng cho khách, vượt qua cả gian hàng thực. Chẳng hạn, hãng thời trang Bloomingdale’s (Mỹ) sử dụng iPad trong các phòng thông minh, cho phép khách yêu cầu bất cứ kích cỡ, màu sắc nào họ muốn. Công ty ôtô Lexus dùng kính Oculus Rift để giúp khách hàng lái xe thử nghiệm ảo theo các chế độ lái mô phỏng y như thật.
Thiết bị IoT có thể giúp đơn giản hóa công việc mua hàng, giúp khách mua sắm ngay tại nhà mình. Chẳng hạn, với Amazon Dash – một thiết bị kiểu nút bấm có kết nối wifi, chỉ một lần bấm tại nhà, khách có thể mua hàng nghìn sản phẩm từ các cửa hàng. Amazon Dash cũng có thể dùng trên smartphone.
Các phần mềm, công nghệ thông minh trên thiết bị IoT còn có thể kích thích cảm hứng mua sắm nhờ đem lại những trải nghiệm lý thú ngay tại gian hàng. “Khoảng 30% khách yêu cầu mua thêm hàng hoá trong phòng thử đồ có gắn gương Magic Mirror (một sản phẩm IoT giúp khách thử đồ, có phần mềm tư vấn mua sắm, ăn mặc thời trang). Kết quả là chúng tôi đã bán được số hàng gấp 3 lần bình thường” – nhà thiết kế Uri Minkoff thuộc hãng thời trang Rebecca Minkoff tiết lộ.
Như vậy, IoT không chỉ làm thay đổi cách nghĩ về không gian bán hàng thực tế mà còn đem lại tiện ích lớn không kém cho các gian hàng điện tử. Công nghệ này được dự đoán là sẽ giúp các gian hàng thực và gian hàng điện tử kết nối với nhau ngay ở không gian vật lý.
Dĩ nhiên khi bước vào sân chơi IoT, các doanh nghiệp bán lẻ cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Không phải ai cũng thích bị thu thập thông tin cá nhân và khi làm phật lòng “thượng đế”, các cửa hiệu có thể gặp rủi ro thương mại. Đó là chưa kể họ phải đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, kỹ năng ứng dụng IoT thì mới có lợi thế cạnh tranh.
Trước ưu thế lớn mà IoT đang và sẽ mang tới cho ngành công nghiệp bán lẻ, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cá cược cả núi tiền vào cuộc chơi này. Theo dự báo của IDC, giá trị sử dụng công nghệ IoT để tăng cường trải nghiệm của khách hàng sẽ tăng từ 6 tỷ USD trong năm 2013 đến 27,5 tỷ USD vào năm 2018. “Chúng tôi không muốn bỏ lỡ IoT – một đại xu hướng sắp xảy ra và là một cơ hội đem lại hàng nghìn tỷ USD. Vì thế, đây sẽ là con ngựa mà chúng tôi đặt cược trong cuộc đua” – Casey Carl – người phụ trách Văn phòng đổi mới và chiến lược của hãng bán lẻ Target (Mỹ) nói.
Theo Khoa Học Phát Triển