Gã khổng lồ mạng xã hội Facebook đang tích cực nghiên cứu nhiều giải pháp công nghệ đột phá trong lĩnh vực kính thông minh. Mong muốn của Facebook nhằm đưa kính thông minh trở thành một thiết bị hỗ trợ người dùng nhìn các vật thể ảo trong thế giới thực.
Một ứng dụng bằng sáng chế mới của Facebook có tên “waveguide display with two-dimensional scanner”, tạm dịch là “màn hình dẫn sóng bằng máy quét hai chiều” đã được hé lộ mới đây. Đây là bằng sáng chế được cấp cho bộ phận nghiên cứu thiết bị ảo Oculus của Facebook.
Giải thích bằng sáng chế tiết lộ, đây là màn hình có thể cung cấp góc nhìn thực tế ảo tăng cường trong thời gian thực nhờ các thuật toán máy tính. Người xem có thể trải nghiệm các vật thể ảo được tạo từ máy tính thông qua thiết bị đeo. Mỗi thiết bị như vậy gồm một khung và màn hình hiển thị nội dung.
Kính thông minh đang được Oculus phát triển sẽ sử dụng một loại màn hình dẫn sóng, chiếu ánh sáng vào mắt người, khác hẳn so với màn hình hiển thị truyền thống. Chiếc kính này có thể hiển thị hình ảnh, video hoặc kết nối với loa, tai nghe để chơi nhạc.
Công nghệ dẫn sóng đã trở nên phổ biến kể từ khi Microsoft giới thiệu dự án Hololens AR. Và sau đó là dự án kính thông minh bí ẩn của Magic Leap.
Tác giả bằng sáng chế là nhà nghiên cứu quang học Oculus Pasi Saarikko. Ông “đầu quân” cho Facebook vào năm 2015 sau khi làm trưởng nhóm phát triển thiết kế quang học kính HoloLens tại Microsoft.
CEO Facebook, Mark Zukerberg gọi công nghệ thực tế ảo tăng cường là nền tảng máy tính thế hệ tiếp theo. Nền tảng này hứa hẹn sẽ thay thế smartphone và PC truyền thống trong tương lai. Michael Abrash, nhà khoa học hàng đầu tại Oculus tin tưởng, kính AR sẽ bắt đầu thay thế smartphone từ năm 2020.
Cụ thể hóa chiến lược này chính là thương vụ bạo chi, mua lại Oculus giá 2 tỷ USD vào năm 2014. Hãng cũng dự tính chi thêm hàng tỷ đô la để tiếp tục phát triển công nghệ.
Dù chưa rõ thiết kế và tính năng của chiếc kính thông minh do Facebook phát triển sẽ như thế nào. Tuy nhiên, giới công nghệ hoàn toàn có thể tin tưởng xu hướng này sẽ sớm nở rộ trong nhiều năm tới, khi các hãng công nghệ vượt qua thành công các “rào cản” đang bủa vây một sản phẩm thương mại.
Nguồn Genk.vn