Nếu sự phát triển của Internet được mô tả bằng từ “thần tốc” thì có lẽ sự phát triển của IoT trong vòng vài năm tới phải được dùng để mô tả bằng từ “vũ bão”.
“Sự bùng nổ của Internet of Things (IoT) đã và đang dồn những gánh nặng lớn lên các trung tâm dữ liệu (TTDL) truyền thống. Trong bối cảnh này, một giải pháp TTDL mới, có khả năng đáp ứng những sự thay đổi theo nhu cầu sử dụng trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp”, chia sẻ của Pankaj Sharma, chuyên gia về TTDL đến từ tập đoàn Schneider Electric khu vực Đông Á.
TTDL truyền thống đã trở nên lỗi thời?
Những năm 90 của thế kỷ trước đánh dấu sự bùng nổ của thời đại Internet. Đó cũng là lúc mà nhu cầu xử lý thông tin và lưu trữ dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng, dẫn đến việc xây dựng các TTDL trở thành xu thế tất yếu, là nhu cầu bắt buộc, không thể thiếu đối với nhiều doanh nghiệp hay tổ chức. Tuy nhiên, các TTDL lúc bấy giờ đa phần có thiết kế khá cồng kềnh và thường được xây dựng theo kiểu “gạch và vữa” truyền thống, không có khả năng nâng cấp khi cần thiết.
Nếu sự phát triển của Internet được mô tả bằng từ “thần tốc” thì có lẽ sự phát triển của IoT trong vòng vài năm tới phải được dùng để mô tả bằng từ “vũ bão”. Theo dự báo của Gartner – Công ty nghiên cứu về CNTT hàng đầu thế giới, băng thông đường truyền phải tăng 35% mỗi năm thì mới có khả năng đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của dữ liệu vào năm 2019. Như một lẽ tất yếu, khi nhu cầu sử dụng thông tin dữ liệu ngày càng tăng với mức độ chóng mặt như hiện nay, vấn đề bắt đầu nảy sinh với những TTDL truyền thống. Thiết kế cố định, không cho phép linh hoạt mở rộng quy mô khiến cho các TTDL này không còn đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao hơn của các doanh nghiệp.
Xu hướng mở rộng nhiều cơ sở kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay càng khiến cho việc làm thế nào để phục vụ nhu cầu IT tại chỗ và kết nối các điểm IT phân tán, giảm độ trễ trong truyền thông mạng nội bộ một cách hiệu quả trở thành bài toán nan giải cho các nhà hoạch định IT. Chính từ đây, một mô hình TTDL có khả năng tối ưu hóa các dịch vụ IT cũng như quản lý IT tập trung trở thành nhu cầu bức thiết đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp bị hạn chế không gian cho hệ thống IT, và cần một TTDL chất lượng cao, linh hoạt để dễ dàng điều chỉnh nâng cấp theo nhu cầu.
Sự lên ngôi của các micro data center (hay tiểu TTDL)
Sự ra đời của các tiểu TTDL dạng cắm-và-chạy (plug-and-play micro data center – PnPMDC) đã trở thành lời giải kịp thời trong bối cảnh dữ liệu đang tăng với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Một PnPMDC kiểu mẫu là một môi trường điện toán đóng gói sẵn, bao gồm tất cả các cấu phần cần thiết như nguồn điện, hệ thống làm mát, bảo mật và các công cụ quản lý liên quan. Thiết kế theo dạng thức mô đun của các PnPMDC cho phép nó nhanh chóng bổ sung năng lực điện toán khi cần, giảm độ trễ và mang lại một môi trường an toàn cho việc chạy các ứng dụng của khách hàng. Hơn nữa, vì được dựng sẵn nên chúng còn giúp giảm thiểu chi phí cài đặt và vận hành – có thể giúp giảm tới 50% chi phí trên mỗi watt điện tiêu thụ.
Không đòi hỏi đầu tư không gian riêng cho hệ thống thiết bị CNTT và được trang bị sẵn thiết bị làm mát và thiết kế tủ cách âm, tiểu TTDL này có thể được đặt ở bất cứ đâu trong phòng làm việc, hay cũng có thể được đóng gói trong container để phục vụ những dự án yêu cầu tính linh hoạt và di chuyển cao như căn cứ quân sự, công trường xây dựng…
Hợp tác để nâng cao lợi thế cạnh tranh
Khi doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược IT nhằm tận dụng lợi thế của IoT, họ chuyển sang hợp tác sâu hơn với những đối tác phân phối có chuyên môn về kỹ thuật và có khả năng tích hợp những giải pháp của nhiều hãng công nghệ để có thể đi trước một bước trong cuộc chơi này. Không bỏ qua cơ hội này, các tên tuổi lớn trong lĩnh vực quản lý năng lượng đã nghiên cứu và triển khai các mô hình PnPMDC, nổi bật nhất có thể kể đến Schneider Electric.
Việc được nhận giải thưởng danh giá DatacenterDynamics Leaders Award ở hạng mục Triển Khai Giải pháp Mô-đun nhờ thực hiện thành công TTDL tiền chế linh hoạt và hiện đại cho thánh điện Sagrada Familia tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha đã khẳng định lợi thế chuyên môn và kinh nghiệm của Schneider Electric trong việc hỗ trợ khách hàng tận dụng những cơ hội mà IoT mang lại. Vượt qua những thách thức đến từ thiết kế đặc thù của thánh điện Sagrada Familia, tiểu TTDL này đáp ứng nhu cầu quản lý và vận hành toàn bộ hệ thống, từ đảm bảo an ninh một cách nghiêm ngặt cho đến hỗ trợ hiệu quả cho công việc kinh doanh.
IoT đã, đang và sẽ phát triển ngày một nhanh hơn. Điều đó dẫn đến không ít thách thức cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, một khi doanh nghiệp ý thức đầy đủ để tìm ra một giải pháp hiệu quả thì lúc này thách thức lại trở thành cơ hội để bứt phá và đi đến thành công.
Theo Dantri.com.vn