Mô hình Đại Học 4.0 tại Việt Nam: Khẩn trương, nhưng cần lộ trình để nghiên cứu kỹ

- in Uncategorized
Đó là khẳng định của GS.TS Vương Thanh Sơn (Đại học British Columbia, Vancouver, Canada), nhà nghiên cứu khoa học quốc tế về lĩnh vực IoT khi trao đổi về mô hình đại học 4.0. Trao đổi với báo Giáo dục & Thời đại, GS.TS Vương Thanh Sơn đã phân tích ảnh hưởng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến các trường đại học Việt Nam và đưa ra một số giải pháp phát triển các trường đại học truyền thống trong bối cảnh mới.

Để hội nhập vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trường cần gì thưa GS?

– Có 4 yếu tố để hội nhập và tiếp thu nhanh xu hướng cách mạng 4.0 gồm: Bộ GD&ĐT, trường đại học, thị trường và sinh viên. Tuy nhiên, cả 4 yếu tố này phải có trách nhiệm trọn vẹn với nhau. Trong đó, yếu tố cơ chế giáo dục mở và thoáng phải nhất thiết phát xuất từ Bộ GD&ĐT, Nhà nước; đó là yếu tố quan trọng hàng đầu để kích thích và tạo động lực đột phá cho cải cách kịp thời bắt kịp xu hướng thế giới.

Song song, yếu tố trường đại học luôn là yếu tố căn bản và cốt lõi, dẫn dắt tư duy và tạo động lực cho sinh viên cùng kết nối với thị trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp tích cực vừa là thị trường và cũng vừa là đối tác hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu trong xu hướng cách mạng 4.0. Chúng ta thừa hiểu hậu quả của thụ động, bảo thủ hay chậm trễ là bị bỏ bên lề, thoái bộ và thua thiệt ảnh hưởng từ thế hệ này đến các thế hệ sau.

Mô hình đào tạo cho đại học 4.0 cần những gì?

– Mô hình đào tạo cho đại học 4.0 hiện tại chưa có xác định, mặc dù nhiều nghiên cứu và thảo luận đang diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam. Tổng quát mà nói, nó phải gồm 3 yếu tố: Kết nối Internet (Internet Vạn vật), thông minh (với công cụ tính toán thông minh phần cứng và phần mềm hỗ trợ đào tạo và học hỏi, quản lý trường và săn sóc sinh viên) và có yếu tố con người tham gia trong chu trình. Tôi gọi nó là mô hình ICH (Internetworking, Computing tools, Humans).

Trong mô hình đào tạo ICH cho đại học 4.0, yếu tố con người bao gồm thầy dạy, trợ giảng, sinh viên, bạn học trong nhóm, chuyên gia, và cả người thầy dựng ra đề cương, giáo trình và người thiết kế xây dựng công cụ đào tạo và học hỏi. Thầy và trợ giảng có thể gặp gỡ sinh viên trong lớp hoặc trực tuyến từ xa. Tương tự như vậy, sinh viên làm việc trong nhóm có thể gặp nhau cùng liên hệ với thầy, trợ giảng và chuyên gia tư vấn trực tuyến từ xa hoặc trực diện trong phòng thí nghiệm, phòng họp hoặc trong một địa điểm môi trường xanh. Sinh viên có thể truy cập tài liệu học tập được lưu trữ phần lớn thuận tiện trên công cụ cá nhân hoặc tải về từ xa qua mạng khi cần.

Mô hình đào tạo, phương thức tuyển sinh thay đổi, theo đó thách thức về nguồn nhân lực và thị trường tuyển dụng trong tương lai sẽ ra sao?

– Như tôi đã nói, mô hình giáo dục đại học tương lai cùng phương thức tuyển sinh sẽ thay đổi rất nhiều. Do cách mạng công nghiệp 4.0 và Internet Vạn vật, nhiều công cụ thông minh như robot và phần mềm đặc vụ trí tuệ nhân tạo (như “chatbots”) sẽ thay thế nhân công và nhân viên phục vụ trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, thương mại, du lịch, giải trí, chăm sóc sức khỏe, sản xuất… đưa đến thách thức lớn về nguồn nhân lực và thị trường tuyển dụng.

Tôi ví dụ, gần đây McDonald công bố sẽ xây thêm 25.000 nhà hàng mới, hoạt động hầu như bằng robot và tự động. Thay vì quy mô 10 – 20 nhân viên một nhà hàng truyền thống như trước kia, nhà hàng theo mô hình mới này sẽ chỉ cần 2 – 3 người để quản lý, do đó sẽ giảm tuyển đi vài trăm ngàn/người lao động. Tháng 5,/2016, BBC News loan tin Foxconn Technology Group, công ty cung cấp linh kiện cho hãng Apple và Samsung, cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay thế bằng robot. Ngoài ra có một số dự báo còn đáng lo ngại hơn: Sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống bị mất việc trong vòng 10 – 20 năm tới tại riêng Mỹ và Anh, tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này.

Có nhiều lĩnh vực máy móc và công cụ thông minh không thể thay thế con người, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến yếu tố cảm tính và văn hóa như quyết định liên quan đến yếu tố riêng tư (privacy), thực hiện hòa giải hợp tình hợp lý. Chưa nói đến lĩnh vực phức tạp tinh tế phi vật thể như yếu tố trực giác, siêu giác quan hay khoa học siêu văn minh, công cụ vật thể con người tạo ra trong nền văn minh hiện tại còn bị giới hạn rất nhiều. Nhưng khẳng định rằng, nếu chúng ta không tích cực đầu tư, cái mất nhiều chắc chắn sẽ là hậu quả trong tương lai.

Vậy các trường đại học và sinh viên cần chuẩn bị tâm thế như thế nào để đối mặt với thách thức phía trước? Phải chăng trong tương lai mô hình đại học truyền thống sẽ dần dần biến mất, tiến dần đến triệt tiêu và nhường chỗ cho đại học trực tuyến lên ngôi trong kỷ nguyên 4.0?

– Vì diễn biến của cách mạng công nghiệp 4.0 và Internet Vạn vật quá nhanh và tầm ảnh hưởng quá sâu rộng đến mọi lĩnh vực của cuộc sống của mọi người, nên các trường đại học và sinh viên cần hiểu rõ các vấn đề, thách thức cùng cơ hội của mô hình 4.0.

Mỗi trường đại học nên có 1 trung tâm hay 1 ban dự án về đại học 4.0 cùng những buổi thảo luận mở trên chủ đề mô hình 4.0 nhằm chuẩn bị chủ động đối phó với thách thức và nắm bắt kịp thời cơ hội mà cách mạng 4.0 có thể đưa đến, đặc biệt là cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp xã hội theo mô hình 4.0. Trong tương lai mô hình đại học truyền thống sẽ phải biến đổi trở thành mô hình cấp tiến, mở và thoáng với 3 yếu tố ICH: Kết nối, thông minh và có yếu tố con người. Đó là mô hình mới mẻ, nâng cao, cấp tiến, tổng hợp có yếu tố kết nối mạng (trực tuyến), nhưng không phải là mô hình đại học thuần túy trực tuyến theo ý nghĩa tiêu cực lỗi thời thường hiểu trước đây.

Kinh nghiệm xây dựng đại học 4.0 của các nước trên thế giới như thế nào và Việt Nam cần học hỏi điều gì?

– Trên thế giới chưa hề có đại học nào được xây dựng theo mô hình 4.0. Trong khi các nước trên thế giới vẫn còn đang loay hoay thử nghiệm và nghiên cứu mô hình đại học 4.0, tôi nghĩ Việt Nam cũng nên tham gia đồng nhịp thử nghiệm mô hình ICH cho mô hình đại học thông minh 4.0 trong những dự án thí điểm.

Ví như xây dựng nội dung sử dụng hệ thống nền hiện có như EDX hay Coursera, thiết kế và xây dựng những công cụ thông minh, gồm cả công cụ quản lý đại học và săn sóc sinh viên dựa trên thẻ thông minh, phần mềm trí tuệ nhân tạo, công cụ đám mây địa phương cá thể. Đặc biệt, có thể bản địa hóa kho nội dung và tài liệu học, cùng liên kết quốc tế thử nghiệm phương pháp đào tạo và học tập mới mẻ, mở và thoáng, nhưng phù hợp với hiện trạng và văn hóa Việt Nam.

Nguồn gdtd.com

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với