Hiện nay, trên thị trường, các thiết bị ghi âm, ghi hình “ẩn” trong vỏ bọc của các thiết bị khác như bút, kính, cúc áo, usb… thường được mọi người gọi với tên thiết bị “gián điệp” đang được rao bán.
Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều nhập từ nước ngoài về theo đường “hàng xách tay”, không hóa đơn chứng từ, chất lượng hàng hóa không kiểm soát. Chỉ cần bỏ ra từ vài trăm nghìn là đã có thể sở hữu được các sản phẩm công nghệ này. Bên cạnh mục đích sử dụng để quản lý, giám sát cửa hàng, công ty… không ít các thiết bị được sử dụng vào những mục đích xấu khác.
Cần là có ngay
Nếu như cách đây khoảng chục năm, muốn mua các thiết bị “gián điệp”, người tìm mua thường lên các chợ cửa khẩu tại các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh… thì hiện nay, những thiết bị này được rao bán rộng rãi, công khai trên các trang bán hàng mạng internet.
Chỉ cần vào trang web google.com.vn để tìm với các từ khóa “máy quay lén, nghe lén, ghi âm”, ngay lập tức xuất hiện hàng loạt các thông tin về những loại mặt hàng này với hàng chục chủng loại.
Có thể thấy đủ loại máy nghe ghi âm, ghi hình “ẩn” dưới dạng các thiết bị khác như: Con chuột máy tính, kính, bút, ổ cắm điện, sạc pin… và rất nhiều thiết bị khác có định vị toàn cầu. Trên các trang được quảng cáo, các thiết bị này được giới thiệu có giá từ 850.000 đồng đến khoảng 4 triệu đồng. Dưới và trên cùng của trang web này cũng công khai địa chỉ, email, số điện thoại liên lạc…
Qua số điện thoại đăng trên trang web lapdatcamera…com, chúng tôi đã liên hệ và đặt mua một chiếc bút camera tại Hà Nội. Tuy nhiên, người bán hàng cho biết, do loại sản phẩm này tiêu thụ nhanh nên hiện không còn hàng trong kho. Tuy nhiên, camera “giấu kín” còn 2 loại khác là camera cúc áo và camera kính mắt.
Chúng tôi ngỏ ý muốn đến tận cửa hàng để xem 2 sản phẩm này thì ông chủ cho biết không thể đến trực tiếp, nếu có nhu cầu mua loại gì, cửa hàng sẽ giao hàng đến tận nơi. Giá một chiếc camera cúc áo là 1,1 triệu đồng còn camera kính mắt là 2,9 triệu đồng.
Sau khi đồng ý mua 1 chiếc camera cúc áo với dung lượng thẻ nhớ là 16GB là hàng xách tay có xuất xứ từ Trung Quốc, chúng tôi được một nam thanh niên mang đến tận nhà. Chiếc camera này có màu đen, to bằng khoảng 2 ngón tay, trên thân gắn mắt thần giống hệt một chiếc cúc áo. Thanh niên này hướng dẫn chúng tôi: “Anh cài chiếc camera này vào bên trong áo rồi khoét một lỗ trên áo cho vừa chiếc cúc cũng là mắt thần camera. Hàng đảm bảo quay không rung, quay được trong bóng tối”.
Là người chuyên nhận giao hàng các sản phẩm camera “giấu kín”, thanh niên này cho biết: “Những mặt hàng em vận chuyển và giao cho khách nhiều nhất là bút camera, kính camera. Có người mua để thực hiện các mục đích riêng nhưng cũng có những người làm báo chí mua để đi quay phóng sự chị ạ!”.
Anh này cũng cho biết thêm, chủ một công ty trên địa bàn Hà Nội vừa mua loại camera 360 độ với mắt thần nhỏ bằng đầu ngón tay. Khi lắp đặt trên trần nhà, dù không có mặt trực tiếp ở công ty nhưng ông chủ có thể quan sát toàn bộ hoạt động trong phòng làm việc, giám sát nhân viên rất dễ dàng mà nhân viên không hề hay biết.
Một dân buôn chuyên đánh hàng điện tử từ biên giới về Hà Nội cho tôi biết, nguồn hàng thiết bị nghe trộm, quay trộm chủ yếu đưa về từ biên giới Lạng Sơn và Móng Cái. Nếu mua một chiếc camera bút tại bên kia biên giới chỉ có giá 600.000 – 700.000 đồng thì khi về Hà Nội được đẩy lên giá hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, vì phần lớn những loại thiết bị nghe trộm, quay trộm như đã nói ở trên là hàng lậu nên chất lượng không được kiểm soát.
Không thể thả nổi thị trường
Có thể thấy, nhu cầu sử dụng các loại thiết bị “gián điệp” trong cuộc sống hiện nay là rất lớn với nhiều mục đích khác nhau. Đặc biệt, các sản phẩm này có giá cả không quá cao, thủ tục mua bán dễ dàng.
Bên cạnh mục đích sử dụng để quản lý giám sát cửa hàng, công ty hay chống trộm cho nhà riêng… không ít các thiết bị được sử dụng vào những mục đích khác. Hiện nay, những đoạn ghi âm, những đoạn phim quay lén nhằm mục đích xấu nhan nhản trên mạng đang tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường.
Thông tin từ Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước.
Qua công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ, việc đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị; điển hình là vụ Công ty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật…
Ngoài ra, Bộ Công an đã xác định có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự như Công ty Việt Hồng.
Những người sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị được ngụy trang dưới vỏ bọc đồ vật bình thường hoặc phần mềm theo dõi được cài đặt trái phép trên các thiết bị điện tử, máy tính xâm phạm quyền bí mật riêng tư của cá nhân, hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong xã hội.
Từ ngày 7/4, dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì xây dựng được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng.
Theo đó, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “Hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự”. Đây là một việc làm cần thiết khi các thiết bị ghi âm, ghi hình đang được buôn bán một cách tràn lan, công khai. Và người mua tùy ý sử dụng chúng theo những mục đích riêng của mình.