Trạm quan trắc môi trường biển dựa trên công nghệ kết nối vạn vật (IoT) đầu tiên tại Việt Nam vừa được triển khai có thể chịu được các cơn bão nhiệt đới và các điều kiện khắc nghiệt của môi trường nước biển.
Trạm quan trắc môi trường biển ứng dụng IoT đầu tiên tại Việt Nam vừa được lắp đặt tại vịnh Xuân Đài – Ảnh: THY HUYỀN
Chiều 19-5, PGS.TS Phạm Trần Vũ – trưởng khoa khoa học và kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết nhóm nghiên cứu của khoa cùng Trường ĐH Công nghệ Sydney (UTS, Úc) và Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa triển khai trạm quan trắc môi trường biển dựa trên công nghệ IoT lắp đặt tại vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên).
Việc triển khai trạm quan trắc này đánh dấu cột mốc quan trọng trong dự án UTS Rapido Việt Nam, thuộc chương trình Aus4Innovation.
Mục tiêu dự án ứng dụng công nghệ 4.0 phát triển hệ thống giám sát chất lượng nguồn nước nuôi trồng thủy sản khắp Việt Nam, nhằm xây dựng các cộng đồng phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Hồng và các khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển.
“Trạm quan trắc sử dụng những công nghệ và thiết kế tiên tiến nhất trong lĩnh vực robot, IoT, phân tích dữ liệu lớn và cơ điện tử. Trạm cung cấp số liệu quan trắc trực tiếp từ môi trường biển với tần suất 5 phút/lần, độ trễ xử lý 0,5 giây. Các chỉ số quan trắc gồm nhiệt độ, độ pH, hàm lượng oxy hoàn tan, độ mặn và độ trong của nước”, PGS.TS Phạm Trần Vũ cho biết.
Hệ thống được thiết kế có thể chịu được các cơn bão nhiệt đới và các điều kiện khắc nghiệt của môi trường nước biển. Các bộ phận cơ khí tự động tiên tiến được áp dụng cho quá trình bảo trì để làm gia tăng tuổi thọ của các bộ cảm biến. Đối với những vị trí có kết nối 3/4G không ổn định, hệ thống sẽ sử dụng phương thức kết nối “multi-hop IoT” để truyền dữ liệu.
Đây là một trong những hệ thống quan trắc môi trường biển đầu tiên ở Việt Nam và cũng thuộc số ít hệ thống trên thế giới có thể theo dõi các chỉ số về môi trường nước biển theo thời gian thực, trong những điều kiện khắc nghiệt.
Các hệ thống quan trắc được xây dựng nhằm giúp chính quyền địa phương thiết kế cơ chế phù hợp để quản lý và tổ chức việc nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường biển trong sạch, phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch tại địa phương.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ