Trong khuôn khổ cuộc gặp mặt gần gũi tại tư gia của Đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam, ông Jan Wassenius, Tổng Giám đốc Erisson Việt Nam đã có một bài trình bày về một vài điểm ấn tượng nhất trong báo cáo 10 xu hướng tiêu dùng công nghệ năm 2017.
Ông Jan Wassenius, Tổng Giám đốc Erisson Việt Nam |
Hôm nay tại tư gia của Đại sứ Thụy Điển ở Việt Nam đã diễn ra một cuộc gặp mặt gần gũi giữa nhiều phóng viên báo chí trong nước và vị Đại sứ cũng như đại diện ba công ty lớn của Thụy Điển là Ericson, ABB và Education First.
Phát biểu mở đầu buổi gặp gỡ báo chí, vị Đại sứ cho biết mục đích của cuộc gặp gỡ là để tạo ra cầu nối thông tin giữa Thụy Điển và Việt Nam, giúp các công ty có một bài thuyết trình nhỏ với báo chí Việt Nam để hiểu thêm về các công ty cũng như biết thêm về đất nước Thụy Điển.
Thụy Điển là một quốc gia phương tây đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam từ năm 1969, và theo vị Đại sứ thì đã đến lúc hiện đại hóa mối quan hệ này để có sự hợp tác giữa các công ty cũng như tìm kiếm lợi ích chung.
Trong khuôn khổ cuộc gặp mặt gần gũi này, ông Jan Wassenius, Tổng Giám đốc Errisson Việt Nam đã có một bài trình bày về một vài điểm ấn tượng nhất trong báo cáo 10 xu hướng tiêu dùng công nghệ năm 2017.
Theo ông Wassenius, khi ông tới Việt Nam năm 2010, lúc đó công nghệ 3G mới chỉ xuất hiện được một năm và lần đầu người Việt biết đến khái niệm dữ liệu thay vì gọi thoại thông thường. Đến nay, chúng ta đã có giấy phép 4G và sắp tới sẽ triển khai rộng rãi công nghệ này. Từ nay đến năm 2025, khi công nghệ như 5G, Internet vạn vật (IoT), trí thông minh nhân tạo, thực tế tăng cường, thực tế ảo, điện thoại đám mây xuất hiện, sẽ có rất nhiều điều thay đổi.
Ông Wassenius đã lấy ví dụ chẳng hạn như xe tự lái sẽ trở thành phương tiện di chuyển chính. Nếu bây giờ bạn sử dụng di động để đặt một chuyến xe Uber có người lái thì trong tương lai bạn sẽ đặt một chuyến xe Uber tự tái. Hay tất cả mọi thứ bạn sử dụng, từ đồng hồ đến giầy và đến quần áo, đều thông minh và có khả năng kết nối nhờ IoT .
Một xu hướng quan trọng nữa được ông Wassenius nhắc tới tạo ra sự thay đổi về cách thức kinh doanh. Hiện nay, công ty vận tải lớn nhất không sở hữu bất cứ chiếc xe nào (Uber), công ty dịch vụ nhà nghỉ lớn nhất không sở hữu bất cứ khách sạn nào (Airbnb). Chính công nghệ đã làm rút ngắn khoảng cách dịch vụ giữa người cung cấp và người tiêu dùng. Và chính công nghệ cũng tạo ra mô hình kinh doanh mới, tăng thêm doanh thu.
Khi công nghệ 5G xuất hiện, nó sẽ đem đến không chỉ tốc độ nhanh hơn mà độ trễ còn rất thấp, đến hàng mili-giây. Chẳng hạn như trong ngành vận tải, khi các xe truyền tín hiệu cho nhau thì chỉ trong mili-giây là phải đưa ra hướng đi. Nhờ độ trễ thấp của 5G và IoT, sẽ có nhiều mô hình “từ xa” xuất hiện. Chẳng hạn như mổ từ xa, khám bệnh từ xa. 5G cũng hỗ trợ khả các giải pháp tiết kiệm năng lượng, theo ông Wassenius. Với IoT, bạn sẽ có những thiết bị đeo, hay điện lưới thông mình sử dụng kèm với những thiết bị có pin với thời lượng 15 năm mà không phải thay mới nhưng vẫn chuyển được lượng dữ liệu cần thiết.
Ông Wassenius kết luận: “Tất cả những điều này đã bắt đầu phát triển với 3G và 4G nhưng 5G mới là công nghệ làm thay đổi cục diện và mở ra nhiều cơ hội”.
Một ví dụ nữa được ông Jan Wassenius nhắc tới đó là về xu hướng xã hội tiên tiến. Giáo dục cũng như chính phủ điện tử cũng có nhiều thay đổi khi tiến tới IoT và 5G. Khi đó mọi thứ sẽ được chia sẻ trên đám mây và lớp học sẽ không như bây giờ, từng khóa học sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với từng cá nhân. Chính phủ điện tử cũng sẽ được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong những việc như nộp thuê hay nộp đơn từ. “Xã hội tiên tiến sẽ khác hoàn toàn so với xã hội hiện nay”, ông Wassenius khẳng định.
Cuối bài trình bày, vị Tổng Giám đốc này nhấn mạnh: “Ericsson đem viễn thông đến mọi người, chúng tôi đem công nghệ đến khách hàng, đến sự phát triển của quốc gia và đến Việt Nam. Ericsson cam kết sẽ vẫn tiếp tục ở bênh cạnh Việt Nam để chứng kiến sự thay đổi của quốc gia”.
Khi được hỏi về lời khuyên của ông đối với việc triển khai 4G tại Việt Nam, ông chia sẻ: “Chúng tôi đã có những buổi thảo luận sâu sắc và hợp tác chặt chẽ với các nhà mạng về cách thức triển khai 4G như thế nào cho hiệu quả nhất, tốt nhất và đảm bảo giá thành hợp lý với người tiêu dùng. Chúng tôi cũng tham vấn với Bộ Thông tin và Truyền thông để tìm ra cách đưa 4G với băng tần thế nào mà vẫn đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng. 4G là một dịch vụ chuẩn quốc tế, vì thế khi mang 4G đến Việt Nam thì 4G ở Việt Nam cũng tương đương với 4G ở Hàn Quốc, ở Mỹ, hay ở Thụy Điển. Một điều rất quan trọng đó là phải sử dụng các thiết bị chuẩn và thiết bị đưa đến người tiêu dùng cũng phải đáp ứng được chuẩn này để từ đó giúp tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng”.
Theo ictnews