Chuyên gia bảo mật Daniel Miessler cho hay không ít người vẫn đang nghĩ rằng những nguy cơ tấn công từ các thiết bị IoT như bóng đèn, tủ lạnh… đang bị thổi phồng.
IoT (Internet of Things – Internet vạn vật) là việc các đồ vật, thiết bị như bóng đèn, máy giặt, xe hơi, thậm chí là cây trồng… được kết nối với nhau qua một hệ thống nhằm mang đến sự thuận tiện trong cuộc sống cho con người. IoT mở ra viễn cảnh về thành phố thông minh, giáo dục, y tế, nông nghiệp thông minh…
Chia sẻ với Financial Times, ông Miessler, Giám đốc hãng bảo mật IOActive, cho rằng các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu rồi sẽ trở nên phổ biến như là hệ quả của những cuộc chiến tranh mạng. Một lý do khiến các chuyên gia lo ngại là vì nhiều thiết bị cũ kỹ đang được kết nối để phục vụ cho việc vận hành và bảo trì.
Chúng được thiết kế trước thời đại Internet và thiếu những tiêu chuẩn bảo mật hiện đại, không có cơ chế “vá lỗi hay cập nhật” giống như máy tính. Những lo lắng này không phải không có cơ sở. Cuối tháng 12/2015, chính phủ Ukraine cho biết tình trạng mất điện liên tục tại quốc gia này có thể do hacker can thiệp vào hệ thống quản lý điện lưới, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.
Không chỉ các hệ thống hạ tầng có nguy cơ bị khác thác, mà những thiết bị cá nhân đơn giản cũng sẽ tạo kẽ hở cho hacker.
Chris Underhill, phụ trách công nghệ tại Cyber Security Partners, cho biết tin tặc có thể kiểm soát vô số thiết bị như hệ thống đèn để quấy nhiễu một doanh nghiệp, thậm chí một quốc gia. Tắt một bóng đèn từ xa có thể là một trò đùa, nhưng bật tắt hàng nghìn bóng đèn cùng lúc có thể sẽ gây hậu quả tới doanh nghiệp và mạng lưới điện cả một khu vực.
Bóng đèn, tủ lạnh… kết nối mạng cũng có thể tạo ra nguy cơ bị tấn công đối với doanh nghiệp.
“Một thiết bị tưởng chừng không quan trọng cũng sẽ trở nên quan trọng nếu kết nối tới những hệ thống thiết yếu”, Justin Lowe, chuyên gia bảo mật tại PA Consulting, khuyến cáo.
Dù vậy, giới phân tích tin rằng xu hướng Internet of Things không vì thế mà chậm lại bởi những lợi ích không thể phủ nhận mà nó mang lại. Theo báo cáo Ericsson Mobility Report, tới năm 2021, dự kiến có 28 tỷ thiết bị kết nối, trong đó có 15 tỷ thiết bị IoT (bao gồm thiết bị M2M – thiết bị kết nối thiết bị – như đồng hồ đo thông minh, cảm biến trên đường, địa điểm bán lẻ, các thiết bị điện tử tiêu dùng như tivi, đầu DVR, thiết bị đeo) và 13 tỷ còn lại là điện thoại di động, máy tính xách tay PC, máy tính bảng.
IDC ước tính đến năm 2019, toàn cầu sẽ chi 1.300 tỷ USD cho IoT. Tới năm 2020, theo dự đoán của Gartner, giá trị gia tăng do IoT mang lại sẽ là 1.900 USD. Còn theo McKinsey, tới năm 2025, IoT sẽ đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu là 11.000tỷ USD.
Ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, cho biết: “Các nhà khai thác viễn thông và công ty thuộc các ngành công nghiệp khác nhau đang nắm bắt cơ hội từ IoT. Họ cần có một đối tác phù hợp, tin cậy để quá trình chuyển đổi sang IoT diễn ra hiệu quả và mang lại lợi nhuận”.
50% doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai những dự án về IoT. Ngành dịch vụ tiện ích, giao thông, tòa nhà thông minh và các ngành bán lẻ là những lĩnh vực đi đầu trong việc ứng dụng IoT.
Theo Alobacsi.com