Nhà máy số – nỗi ám ảnh cho ngành nhiều lao động

- in Tổng Hợp

Được ví von là cuộc cách mạng công nghiệp chắp cánh cho 3 cuộc cách mạng trước đó, cách mạng công nghiệp 4.0 giúp năng suất tăng lên đáng kể nhờ khoa học kỹ thuật nhưng chu kỳ sản phẩm lại ngắn đi nhiều so với hiện nay với sự xuất hiện của các nhà máy thông minh.

Tâm thế hành động, thay đổi để chuyển mình theo xu thế công nghiệp 4.0 là yêu cầu đặt ra đối với tất cả doanh nghiệp (DN).

Lao động thâm dụng hết đất sống

Dệt may sẽ biến mất trong 10 năm tới, 86% lao động dệt may Việt Nam sẽ ra đường…, đó là bức tranh mà nhiều DN dệt may mơ hồ nhìn thấy ở tương lai gần khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “đổ bộ”. Những điều DN dệt may lo sợ- ngành sử dụng nhiều lao động nhất, không phải là không có căn cứ. Bởi lẽ, công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy, internet của vạn vật… tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số” khiến cho những ngành sử dụng lao động nhiều như dệt may gặp khó khăn. Theo đó, lợi thế lao động giá rẻ sẽ dần mất đi khi máy móc sẽ thay thế rất nhiều công việc của con người.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 thừa nhận, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, dự báo sẽ có 86% lao động trong ngành dệt may và da giày sẽ thất nghiệp do khả năng cạnh tranh của máy móc. “Nếu có sự khác biệt mà máy móc không thay thế được thì lúc đó chúng ta mới chiến thắng”, bà Huyền nhận định.

Không chỉ dừng ở những ngành sử dụng nhiều lao động, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo tác động đến mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội… cho đến từng DN. Nhiều DN Việt hiện nay đang tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 ở mức tìm hiểu nên ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà lo ngại: “Chúng ta đã lỡ nhịp 3 cuộc cách mạng trước, liệu có lỡ tiếp trong cuộc cách mạng 4.0?”.

Theo ông Tân, hiện hầu hết sản xuất công nghiệp của Việt Nam cơ bản là sản xuất thô, gia công cao; chưa có giá trị gia tăng cho nền kinh tế; sản phẩm công nghiệp xuất khẩu (XK) còn ít hoặc XK dạng thô – gia công (như dệt may, da giày) nên luôn chịu áp lực và cạnh tranh; chưa có nhiều sản phẩm có hàm lượng tri thức cao – yếu tố sáng tạo; thiếu các ngành công nghệ nền tảng như công nghệ chế biến, công nghiệp hỗ trợ. “Do vậy, chi phí sản xuất ra một thành phẩm ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực. Trung Quốc có giá thành sản xuất thấp hơn Việt Nam do tiếp cận công nghệ và quy mô sản xuất lớn. Vì vậy, DN Việt chỉ XK được nếu đối tác không mua của Trung Quốc”, ông Tân nói.

nha-may-so-noi-am-anh-cho-nganh-nhieu-lao-dong

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) nhìn thấy trở ngại lớn nhất cho DN Việt Nam trước cách mạng 4.0 là công nghệ cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp xu hướng hiện đại. Nếu muốn “số hóa” công nghệ cũng phải rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí. “Nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống…”, ông Cường cho hay. Mặt khác, vị này cũng nhấn mạnh đến việc có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển, trong đó có Việt Nam.

Thay đổi nhận thức về đào tạo nhân lực

Có thể thấy, những tác động cả về tích cực lẫn tiêu cực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là không thể tránh khỏi buộc các DN Việt Nam phải vận động để giảm thiểu thách thức đồng thời tận dụng cơ hội, hay nói cách khác là không bỏ lỡ “con tàu” cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, với DN Việt Nam thì cách mạng 4.0 mới chỉ ở góc độ startup nghĩa là bắt đầu, đang tiếp cận. Riêng với DN dệt may, trong vòng 10 năm tới việc máy móc thay thế con người chưa khả thi nhưng trong tương lai các sản phẩm sẽ lần lượt được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo hoặc bằng các robot để chế tạo ra các sản phẩm. “Tuy nhiên, trong thời gian đó, DN Việt Nam cần chuẩn bị một nguồn lực tài chính nhất định thì mới có thể thay thế được nguồn nhân công giá rẻ. DN phải có sự chuẩn bị kỹ càng để gia nhập được thị trường và cạnh tranh với DN khác”, ông Trịnh cho hay.

Ở góc độ DN mình, ông Cái Hồng Thu, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) chia sẻ, để duy trì năng lực và lợi thế cạnh tranh, VICEM luôn xác định cần phải đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên cơ sở nền tảng công nghệ tiên tiến các nhà máy hiện có, đầu tư kết hợp kế thừa và tùy chỉnh thiết kế để có được các nhà máy thông minh, khả năng thay đổi sản phẩm nhanh chóng. Bên cạnh đó, DN cũng cần phải thay đổi nhận thức và lựa chọn của khách hàng và đối tác khi ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là tính tới đào tạo nguồn nhân lực ngay từ bây giờ.

Tất nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, đừng quá kỳ vọng 4.0 sẽ làm thay đổi tất cả mọi thứ tại Việt Nam. Điều này không chỉ đúng với Việt Nam, mà đúng cho tất cả các quốc gia khác, không chỉ đúng với một DN mà còn đúng với tất cả các DN. Vậy nên, việc nhìn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là phải biết đánh giá, nhận định để từ đó đưa ra quyết sách đúng đắn nhất, phù hợp với “túi tiền” của một quốc gia cũng như từng DN, nếu quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thì sẽ rất nguy hiểm. Mỗi quốc gia hay từng DN không có sự chuẩn bị tốt mà “ngồi” kỳ vọng thì chắc chắn sẽ đón nhận thất bại.

Nguồn nld.com.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với