Nuôi cá trồng rau, muốn hiệu quả phải có “Internet vạn vật”

Nuôi cá trồng rau, muốn hiệu quả phải có “Internet vạn vật”

Người nuôi cá có thể tính được giờ cho cá ăn hợp lý và lượng thức ăn vừa đủ nhất cho cá nhờ ứng dụng internet vạn vật vào sản xuất. Đây chính là xu hướng phát triển trong tương lai.

Internet vạn vật ngày càng quan trọng đối với đời sống con người bởi tính ứng dụng sâu rộng và thông minh của nó. Internet vạn vật (tiếng Anh là Internet of Things, viết tắt IoT) là mạng lưới thiết bị kết nối internet. Trong đó, các thiết bị thông minh, phòng ốc và các trang thiết bị khác được kết nối với các bộ phận điện tử, phần mềm, cảm biến giúp cho các thiết bị này có thể thu thập và truyền tải dữ liệu.

Internet vạn vật (IoT) đang ngày càng quan trọng với đời sống con người trong thời đại công nghệ 4.0

Ví dụ, một doanh nghiệp công nghệ chuyên về IoT có thể nghiên cứu và hỗ trợ cho các trang trại nuôi trồng thủy sản sản xuất hiệu quả hơn.

Cụ thể, doanh nghiệp chuyên về IoT có thể dùng kỹ thuật phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo để kiểm soát hoạt động của vật nuôi. Đội ngũ xử lý số liệu dựa trên các thuật toán sẽ đưa ra các khuyến nghị cho người nông dân thời điểm chính xác cho cá ăn và lượng thức ăn cho cá hợp lý.

Trong buổi Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Smart IoT Việt Nam tại TPHCM ngày 24/10, các vị lãnh đạo cấp cao của Trung ương và đại diện nhiều doanh nghiệp đã cùng ngồi lại để tham mưu xây dựng các chủ trương và nâng cao nhận thức của người dân với chủ đề “Hiện thực hóa tiềm năng và khai phá thị trường internet vạn vật của Việt Nam”

Bà Trần Thị Lan, Giám đốc phát triển chiến lược kinh doanh khối IoT của một doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị điện cho biết, doanh nghiệp này cũng đang ứng dụng IoT vào việc quản lý nhà thông minh. Các thiết bị điện trong nhà như tivi, máy lạnh, máy bơm nước, đèn chiếu sáng… sẽ được kiểm soát trên một chiếc điện thoại.

“Bạn có thể tắt đèn chiếu sáng ở nhà khi bạn đang ở công ty chỉ bằng một nút bấm trên các thiết bị thông minh. Bạn sẽ không còn phải lo lắng với việc quên tắt một thiết bị điện nào đó ở nhà. Người dân có thể tiết kiệm rất nhiều chi phí và công sức khi sử dụng điện trong nhà một cách thông minh với các giải pháp tối ưu nhất”, bà Lan nói.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Đại Việt

Các chuyên gia công nghệ tại Việt Nam cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có những tác động sâu rộng, internet vạn vật được coi là công nghệ đóng vai trò then chốt nhằm nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững và là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Theo nghiên cứu Gartner, một công ty hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin thì đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị sử dụng internet vạn vật, doanh số dự kiến trong năm 2020 là 437 tỷ USD. Các thiết bị này chủ yếu sẽ chạy các thuật toán thông minh, kết nối tự động với các hệ thống, quản lý sản xuất và mô hình kinh doanh kiểu mới.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần quan niệm IoT phải là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ. IoT phải thúc đẩy nâng cấp mạnh mẽ các ngành sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng xã hội thông minh.

“Việt Nam cần phải sớm xây dựng và triển khai đề án phát triển số quốc gia và các chiến lược chuyển đổi số đối với các ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng khác trong nền kinh tế quốc dân. Đồng thời có chính sách nâng cấp các ngành sản xuất thông qua ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin và tự động hóa, trọng tâm là trong các ngành công nghiệp chế tạo”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nói.

Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Smart IoT Việt Nam tổ chức tại TPHCM

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông khẳng định, chiến lược của Việt Nam đến năm 2020 về cơ bản là mỗi hộ gia đình có một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một máy Smartphone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT trước.

“Thuận lợi lớn nhất của Việt Nam trong phát triển IoT là có hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Việt Nam phải phát triển một nền công nghiệp về an ninh mạng. Đồng thời, cần coi IoT là một ngành công nghiệp”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Nguồn dantri.com.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với