Ông Thiều Phương Nam – Giám đốc tập đoàn Qualcomm đa quốc gia mong muốn đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia tiên phong ứng dụng và sản xuất các thiết bị hỗ trợ 5G đầu tiên trên toàn thế giới cùng những chiến lược phát triển mạnh mẽ và hiệu quả.
Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc phát triển 5G sẽ có những công thức riêng không giống quốc gia nào. Chiến lược của Qualcomm tập trung vào bốn mục tiêu chính là xây dựng chính sách về công nghệ (phối hợp giữa Sở TTTT; HSIA và SHTP), xây dựng hạ tầng mạng (3G, 4G và 5G), phát triển các thiết bị đầu cuối (smart phone và thiết bị trong nông nghiệp công nghệ cao và tăng cường nội dung số.
Đầu tiên Qualcomm mong muốn hợp tác đào tạo với các Đại học quốc gia vì chúng ta cần bổ sung kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực công nghệ di động, ví dụ như thiết kế ăng-ten. Việt Nam chưa có những kỹ sư chuyên sâu trong lĩnh vực này trong khi nhu cầu về ăng-ten ngày càng khó với các thiết bị 4G, 5G. Thách thức thứ 2 cho các doanh nghiệp Việt Nam, theo Qualcomm, là nguồn vốn cho các công ty công nghệ.
Đầu tư vào các công ty này có yếu tố rủi ro cao. “Nước ngoài, họ có các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các hãng công nghệ. Việt Nam thì không. Đây là vấn đề chính phủ Việt Nam có thể giúp: cấp vốn ban đầu cho những ý tưởng tốt. Trung Quốc phát triển nhanh như vậy cũng nhờ giai đoạn đầu chính phủ có chính sách hỗ trợ” – ông Thiều Phương Nam nói.
Kinh tế số phải được “xây” trên nền tảng 4G, 5G. Đi lên 5G phải dựa trên nền 4G vững mạnh, không thể đi lên 5G mà 4G không tốt, 4G phải có độ phủ tốt, chất lượng tốt, công nghệ mới nhất, khi hạ tầng này hoàn thiện mới lên được 5G. Băng tần 4G còn hẹp, hy vọng sắp tới sẽ có thêm băng tần cho 4G: 2.600MHz; 2.300MHz. Băng tần cho 4G rất quan trọng vì 5G có sự khác biệt rất lớn so với 3G hoặc 4G.
Nếu những công nghệ trước đây kết nối chỉ xoay quanh di động, smartphone thì nhưng 5G là IoT (internet of things), hàng chục tỉ thiết bị thông minh sẽ cùng nhau kết nối. Hiện nay IoT là xu hướng không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Theo thống kê của Qualcomm, năm vừa qua chỉ riêng lĩnh vực IoT (ngoài smartphone), doanh số của Qualcomm đã đạt 2 tỉ đô la Mỹ. Nguồn thu từ mảng IoT rất lớn và sẽ còn phát triển bùng nổ trong thời gian tới.
Qualcomm có hàng ngàn sáng chế liên quan đến lĩnh vực phát triển các thiết bị đầu cuối và Qualcomm có thể chia sẻ cho các quốc gia để phát triển nền công nghiệp sản xuất các thiết bị di động. Song song đó, Qualcomm cũng có hàng trăm thiết kế smartphone và có thể cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam. Để sử dụng những sáng chế này, Việt Nam chỉ cần ký hợp đồng bản quyền với Qualcomm.
Qualcomm sáng chế ra chip, còn cách sử dụng chip thế nào là tùy Việt Nam. Mới đây, phía Qualcomm vừa cho ra bản mẫu của chiếc smartphone dùng kết nối 5G. Trong thử nghiệm mới nhất, chip 5G có thể đạt tốc độ 5-6 Gbps. Việt Nam là nước nông nghiệp, nếu ứng dụng được công nghệ vào thì giá trị của nông nghiệp Việt Nam sẽ tăng rất nhiều, chất lượng, năng suất đều tốt hơn, tạo ra giá trị cao hơn.
Tập đoàn Qualcomm sẽ hợp tác với Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (tên viết tắt: HSIA) để tham mưu và đề xuất xây dựng cơ chế chính sách phát triển ngành vi mạch hiện thời do UBNDTP đang giao cho HSIA. HSIA sẽ là cầu nối Qualcomm với các doanh nghiệp khởi nghiệp ngành vi mạch dựa trên hệ sinh thái các sản phẩm của Qualcomm.
Theo pcworld.com.vn