Quyền năng của công nghệ y tế di động

Hãng tư vấn PwC dự kiến đến năm 2017, các ứng dụng di động liên quan đến y tế sẽ được tải xuống đến 1,7 tỉ lần.
474_healthcaremobileapp_electronichealthreporter.com_2105569

Con phố Savile Row tại London nổi tiếng làm ra những bộ suit cho nam giới đẹp nhất thế giới. Nhưng kẹt trong một góc im ắng trên con phố này là một doanh nghiệp chuyên cung cấp lời khuyên chăm sóc sức khỏe thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh. Đó là ứng dụng Your.MD, sử dụng trí tuệ nhân tạo để hiểu được các câu như “Tôi bị đau đầu” và hỏi các câu hỏi đúng bệnh. Ứng dụng này là một ví dụ cho thấy cách tiếp cận mới về y tế di động, một cách tiếp cận rất thông minh, mang tính cá nhân hóa và ngày càng khôn ngoan hơn nhờ thu thập thông tin từ người sử dụng.

Hiện có khoảng 165.000 ứng dụng liên quan đến y tế được chạy trên hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google. Hãng tư vấn PwC dự kiến đến năm 2017, các ứng dụng như vậy sẽ được tải xuống 1,7 tỉ lần. Tuy nhiên, nền kinh tế ứng dụng vẫn có tính phân mảnh rất cao. Nhiều nhà cung cấp ứng dụng có quy mô nhỏ và hầu hết các ứng dụng ít khi nào được sử dụng. Nói cách khác, những ứng dụng thành công thì cực kỳ phổ biến.

Vì các ứng dụng và các thiết bị mang bên người ngày càng thông minh hơn, hữu ích hơn và điện thoại thông minh tiếp tục thống lĩnh thị trường nên ngành y tế di động có một tương lai đầy hứa hẹn. BCC Research, chuyên nghiên cứu các thị trường dựa trên nền tảng công nghệ, dự báo doanh thu toàn cầu của ngành y tế di động sẽ đạt 21,5 tỉ USD vào năm 2018, trong đó châu Âu là thị trường lớn nhất.

Cho đến nay, hầu hết các ứng dụng y tế trên điện thoại thông minh được liệt vào hạng mục “ứng dụng về sức khỏe”. Với bộ cảm biến có thể mang trên người như vòng đeo tay Fitbit, những ứng dụng như vậy giúp con người theo dõi quá trình tập thể dục, chế độ ăn uống và mức độ căng thẳng của mình. Các loại ứng dụng khác như WebMD và iTriage thì tập hợp các thông tin y tế tìm thấy trên mạng và các thông tin khác về triệu chứng và quá trình điều trị. Một số ứng dụng như ZocDoc cho phép người sử dụng đăng ký lịch hẹn tư vấn với bác sĩ.

Tuy nhiên, ứng dụng y tế hiện làm được nhiều việc “đại sự” hơn trong lĩnh vực y học. Thứ nhất, ngày càng có nhiều ứng dụng giúp người dùng nói chuyện trực tiếp với bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu như Teladoc, DoctorOnDemand, HealthTap và Pingmd. Kể từ cuối năm 2014, Walgreens, một chuỗi dược phẩm Mỹ, đã ra mắt ứng dụng MDLive, cho phép người sử dụng có thể liên hệ với bác sĩ 24/7 để được tư vấn với giá 49 USD/lần. Các bệnh nhân sẽ sớm được trò chuyện với các nhà tư vấn trí tuệ nhân tạo khá giống với ứng dụng Your.MD, nhưng thông qua các ứng dụng nhắn tin.

Thứ 2, đang xuất hiện một “thế hệ” ứng dụng mới chuyên theo dõi và chẩn đoán những bệnh nhân mắc nhiều chứng bệnh khác nhau. Trong một số trường hợp còn dự báo được tình hình, nhờ đó giúp bệnh nhân có thể tránh rơi vào những tình huống nguy hiểm đến sức khỏe.

Cerora (Mỹ) đã tạo ra một bộ tai nghe có kèm ứng dụng điện thoại thông minh với chức năng theo dõi “sức khỏe” của não bộ. Bộ tai nghe này đo sóng não và theo dõi cử động mắt; còn ứng dụng sử dụng các bộ cảm biến bên trong điện thoại thông minh để kiểm tra thăng bằng của bệnh nhân cũng như số lần phản ứng. Cerora dự kiến sẽ tung sản phẩm ra thị trường trong năm nay, vốn đang chờ phê duyệt từ Cơ quan Thực Dược phẩm Mỹ (FED). Nó có thể giúp chẩn đoán chấn động não và các căn bệnh khác liên quan đến mô thần kinh. Cellscope thì cung cấp một phụ kiện được gắn vào điện thoại thông minh, cho phép các bậc phụ huynh có thể nhìn thấy bên trong tai của con mình, chụp hình hay quay video rồi gửi chúng cho bác sĩ.

Theo Hooman Hakami, thuộc nhà sản xuất dụng cụ y tế Medtronic Diabetes, các bệnh nhân bị tiểu đường thường xuyên phải ra các quyết định về thuốc men, thực phẩm…; hầu hết họ đều phải đi gặp bác sĩ nhờ tư vấn suốt hàng tháng trời. Medtronic (có hợp tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo Watson của IBM) đang tạo ra một ứng dụng có thể dự đoán trước 3 tiếng khi nào một bệnh nhân có mức đường huyết cao hoặc thấp. Ứng dụng sẽ thu thập dữ liệu từ các ống tiêm insulin và các thiết bị theo dõi lượng glucose mà người bệnh đeo trên người và kết hợp những thông tin này với các thông tin về chế độ ăn uống của người sử dụng cũng như dữ liệu từ những thiết bị theo dõi hoạt động thường ngày của người đó.

Trong số những nhà cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế liên quan đến tiểu đường là Diabetes+Me. Công ty này có một ứng dụng có thể cải thiện hiệu quả chăm sóc bệnh nhân trong khi tiết giảm chi phí cho họ. Novartis, một tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ, dự kiến sẽ thử nghiệm loại kính áp tròng giúp theo dõi lượng glucose, do Google phát triển.

Việc theo dõi, giám sát thường xuyên có thể giúp người bệnh tránh được những tình huống nguy hiểm bằng cách phát hiện sớm các triệu chứng cho thấy bệnh tình đang diễn biến xấu đi. Nó cũng có thể giúp các nhà cung cấp dịch vụ y tế và các nhà bảo hiểm không phải tốn kém vào các trường hợp bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Khi Cục Y tế Quốc gia Anh thử nghiệm tính hiệu quả chi phí của việc hỗ trợ từ xa cho các bệnh nhân bị bệnh nghẽn phổi mãn tính, cơ quan này phát hiện thấy một viên thuốc điện tử được gắn kèm với bộ cảm biến để đo các dấu hiệu sự sống có thể mang lại chế độ chăm sóc tốt hơn và tiết kiệm khoản tiền khổng lồ nhờ có thể can thiệp ngay từ đầu. Một số sản phẩm ứng dụng y tế có tính hiệu quả cao đến nỗi các bác sĩ bắt đầu kê chúng trong toa thuốc.

Cho đến nay, các hãng dược phẩm vẫn chậm chân trong việc gia nhập cuộc cách mạng về y tế di động, nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. HemMobile của Pfizer và Beat Bleeds của Baxter giúp bệnh nhân kiểm soát chứng máu khó đông. Bayer, nhà sản xuất thuốc trị dị ứng Clarityn, có một ứng dụng dự báo phấn hoa. GSK cũng cung cấp ứng dụng MyAsthma cho những người bị hen suyễn để giúp họ theo dõi bệnh tình.

Mặt khác, ứng dụng y tế có thể hỗ trợ rất lớn cho các hãng dược trong việc nghiên cứu các loại thuốc mới. Cụ thể, các cuộc thử nghiệm lâm sàng một loại thuốc mới nào đó có thể sử dụng các ứng dụng để theo dõi diễn biến của căn bệnh một cách chính xác hơn và từ đó có thể nâng cao hiệu quả điều trị.

Tuy nhiên, khi các ứng dụng y tế di động thực hiện được những việc lớn hơn thì công tác quản lý càng phải được triển khai nghiêm túc. Hồi tháng 8 năm ngoái, một sản phẩm rất phổ biến là Instant Blood Pressure đã bị loại khỏi kho ứng dụng của Apple sau khi xuất hiện các mối quan ngại về tính chính xác của nó.

Theo nhipcaudautu.vn

Bạn có quan tâm tới

Gần 90% tổ chức tại APAC sẽ ứng dụng IoT vào năm 2019

Theo dự báo của hãng phân tích thị