Một thương vụ thâu tóm khổng lồ đầu tuần giữa nhà mạng Nhật Bản SoftBank chi 31,4 tỉ USD mua ARM, công ty hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế chip xử lý cho smartphone.
Thêm một thương vụ khổng lồ giữa SoftBank và ARM sau khi Microsoft thâu tóm mạng xã hội LinkedIn trong thương vụ trị giá 26,2 tỉ USD vào tháng 6-2016 – Ảnh: AndroidAuthority |
Theo Bloomberg, SoftBank đồng ý chi 24,3 tỉ Bảng Anh mua ARM, tương đương 31,4 tỉ USD tiền mặt và quy đổi thành các khoản nợ. Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất của SoftBank sau thương vụ mua nhà mạng Mỹ Sprint với 21,3 tỉ USD tháng 6-2013.
Ông Simon Segars, giám đốc điều hành (CEO) ARM trả lời phỏng vấn Bloomberg cho biết mọi việc diễn ra chớp nhoáng khi SoftBank đưa ra con số rất hấp dẫn đối với các cổ đông lớn của công ty và kế hoạch đầu tư vào công ty cho tương lai.
Thông cáo báo chí đưa ra cho biết SoftBank sẽ đầu tư tiếp vào ARM, hỗ trợ nhóm quản trị và thúc đẩy chiến lược của công ty, nhưng ARM vẫn là công ty kinh doanh độc lập bên trong SoftBank.
Thành lập năm 1990 ở Anh, ARM là một công ty liên doanh giữa Apple, VLSI Technology và Acorn Computers. Khi kỷ nguyên điện thoại thông minh (smartphone) bùng nổ, ARM trở thành “cái bóng” khổng lồ đứng sau những con chip xử lý có mặt trong hầu hết smartphone trên thế giới, bao gồm cả iPhone.
Thật vậy, ARM là “cỗ máy in tiền” của ngành công nghiệp di động khi nắm giữ bản quyền công nghệ, tạo ra tiền mỗi khi các khách hàng như Apple, Samsung, hay cả hãng sản xuất chip xử lý Qualcomm và MediaTek dùng thiết kế chip của ARM.
Thâu tóm ARM cho SoftBank chìa khóa không chỉ bước vào cánh cửa mở ra thị trường điện thoại thông minh (smartphone) mà còn một cánh cửa lớn hơn chuyển tiếp đến thế giới “Mọi vật kết nối” (Internet of Things / gọi tắt IoT).
Xu hướng “Mọi vật kết nối” (Internet of Things) trong các năm tới sẽ là mỏ vàng của ARM khi các thiết bị hay vật dụng muốn nói chuyện với nhau hoặc kết nối mạng sẽ cần tích hợp chip xử lý – Ảnh: TechCrunch |
Hãng nghiên cứu thị trường Gartner ước tính chi tiêu vào các thiết bị điện tử (gadget) sẽ đạt tới mốc 235 tỉ USD trong năm 2016. Và đến năm 2018, mỗi hộ gia đình tại các thị trường phát triển sẽ sở hữu đến 40 thiết bị hay vật dụng có kết nối với những vật khác (IoT).
Các dự báo từ những hãng công nghệ IoT như Cisco cho thấy đến năm 2020, số lượng thiết bị kết nối mạng trong xu hướng “Mọi vật kết nối” (Internet of Things – IoT) sẽ lên đến hơn 2 tỉ, từ chuông cửa, giường ngủ, tủ lạnh, nhà bếp cho đến xe hơi. ARM có thu phí bản quyền thiết kế chip của mình cho bất kỳ công ty nào muốn gắn chip xử lý vào các thiết bị.
Theo Nhịp sống số