Start-up chế tạo camera để giúp thành phố trở nên thông minh hơn

- in Tổng Hợp

Không chỉ hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, điều tra tội phạm hoặc tai nạn, camera có thể đếm số phương tiện để dự báo hướng di chuyển của người dân và cảnh báo các điểm ách tắc giao thông.


Thành phố thông minh cần ứng dụng camera an ninh trong quản lý

Tại sự kiện Demo Day của cuộc thi Tìm kiếm Giải pháp Xây dựng Thành phố thông minh cho Việt Nam (SCIC) tại Hà Nội ngày 13/11, lần lượt 15 đội được tổ chức Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) lựa chọn trình bày về các giải pháp.

Lắp đặt hệ thống camera an ninh là một trong những giải pháp nhiều đơn vị tham dự thuyết trình cùng quan tâm. Cụ thể, đơn vị khởi nghiệp XRVision (thành lập năm 2015) từ Singapore giới thiệu, hệ thống camera tích hợp công nghệ 3D nên ngay cả trong điều kiện không thuận lợi (trong môi trường ô nhiễm, ánh sáng yếu, hình ảnh mờ), camera vẫn nhận diện được khuôn mặt người.

“Ưu điểm nổi bật của ứng dụng camera XRVision là quá trình nhận diện khuôn mặt diễn ra tức thời. Ngay khi một người đến gần, lập tức camera sẽ xác định đây là gương mặt của phụ nữ hay nam giới, độ phổ biến của gương mặt và thậm chí nhận diện người đó là ai. Hệ thống sẽ phân tích hành vi của người được nhận diện và lưu trữ lại”, người đại diện XRVision nhấn mạnh.

Giải pháp này đã được công ty áp dụng thử tại các khu vực đông người của TP HCM và kết quả nhận diện thành công lên đến 75% ở cả những khu vực không kiểm soát và trong điều kiện thời tiết mưa gió.

Ông Nguyễn Đình Nam – Chủ tịch Công ty cổ phần VP9 (chuyên sản xuất thiết bị điện tử và phần mềm, dịch vụ trong lĩnh vực truyền dẫn âm thanh và hình ảnh qua internet) cho biết, doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống camera an ninh đầu tiên ở quận 12, TP HCM. Hệ thống hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, điều tra được tội phạm hoặc sự cố tai nạn. Camera có thể đếm số phương tiện để dự báo hướng di chuyển của người dân và cảnh báo các điểm ách tắc giao thông.

Dự án lắp đặt hệ thống camera an ninh tại quận 12 đã bắt đầu mời thầu từ năm 2016. Tuy nhiên, do dự án đặt ra yêu cầu phải đồng bộ và lai hợp hệ thống camera mới với hệ thống camera cũ hiện hữu của TP HCM (bởi ngân sách thành phố không dồi dào để có thể bỏ toàn bộ hệ thống camera cũ và đầu tư mới hoàn toàn), việc này cần nguồn kinh phí rất lớn nên nhiều rất nhiều đơn vị đăng ký dự thầu không đáp ứng được.

“Chúng tôi kỳ vọng chúng tôi có thể dùng lại được khoảng 100 camera cũ của thành phố. Phần lớn đơn vị ứng thầu bị loại bởi họ không có khả năng lai kép hệ thống camera mới với hệ thống cũ. Hệ thống camera mới mà chúng tôi lắp đặt có ưu điểm giảm băng tần nên giảm chi phí vận hành”, ông Nam nói.

Việc lắp đặt hệ thống camera mới thực hiện qua 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, VP9 lắp đặt 518 camera mới và xây dựng trung tâm quản lý. Trong giai đoạn 2, công ty lắp thêm 2.000 camera mới và trong giai đoạn 3, Chính phủ muốn mua lại một số camera của các doanh nghiệp hoặc gia đình để bổ sung vào hệ thống. Tuy nhiên, việc thuyết phục các đơn vị phát sinh nhiều vấn đề, đồng thời các camera cũng có nhiều điểm khác biệt nên việc tích hợp chúng vào cùng hệ thống chung cũng khó khăn.

Mục tiêu mà VP9 hướng đến là hình thành hệ thống camera an ninh rộng khắp, góp phần hiệu quả vào việc quản lý và kiểm soát đến hình ảnh của từng người dân cả nước. Đại diện VP9 có đưa ra ví dụ về hệ thống tương tự mà Trung Quốc đã áp dụng khá thành công. Đó là Skynet – hệ thống camera thông minh ghi nhận toàn bộ họat động của người dân.

Việt Nam có 4 đơn vị lọt top 15 vào vòng Thuyết trình cuộc thi SCIC

Tháng 7 vừa qua, MBI đã mở đơn kêu gọi giải pháp cho những thách thức đối với việc phát triển thành phố thông minh cho Việt Nam trong 12 lĩnh vực trọng điểm gồm: nhà ở giá rẻ; sử dụng năng lượng hiệu quả; quản lý giao thông và bãi đỗ xe thông minh; hút nước, thoát nước và quản lý chất thải; nông nghiệp đô thị; xử lý và cung cấp nước sạch; an ninh công cộng và giám sát thiên tai; du lịch sinh thái và quy hoạch môi trường; y tế; giáo dục; chính phủ điện tử; cây xanh và không gian công cộng.

Ông Dominic Mellor, Giám đốc MBI, nhận định: “Chưa bao giờ nhu cầu về những giải pháp đổi mới sáng tạo để phát triển đô thị tại Việt Nam lại lớn như giai đoạn gần đây, khi mà tốc độ phát triển nhanh chóng, cùng với nhu cầu của người dân thành thị vượt xa điều kiện cơ sở vật chất ở các đô thị.

SCIC sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận những công nghệ và giải pháp đã được triển khai hiệu quả trên thế giới, đồng thời hỗ trợ triển khai những giải pháp ấy nhằm đáp ứng nhu cầu và điều kiện cụ thể của địa phương tại Việt Nam”.

SCIC đã nhận 197 đơn đăng ký từ hơn 30 quốc gia trên thế giới. Những giải pháp dự thi được đánh giá dựa trên các tiêu chí: tính phù hợp; tác động và khả năng áp dụng tại địa phương; khả năng mở rộng và kế hoạch triển khai; mô hình kinh doanh và kinh nghiệm của đội ngũ.

Nguồn vietnambiz.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với