Trí tuệ nhân tạo (AI) được kỳ vọng sẽ giúp con người giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu, tuy nhiên cũng có nhiều cảnh báo về AI trở nên không thể kiểm soát và gây ra nhiều nguy hiểm. Đây chính là chủ đề của Cuộc thi Honda Y-E-S 2018 đặt cho các thí sinh năm nay.
Trong kỷ nguyên số 4.0 hiện nay, có lẽ khái niệm “trí thông minh nhân tạo” hay “AI” đã không còn quá xa lạ với chúng ta khi các công nghệ liên quan đang ngày càng phát triển và được áp dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống, thúc đẩy sự tiến bộ chung của toàn nhân loại.
Sự phát triển vượt bậc của AI trong thời đại 4.0
Có rất nhiều hình thức áp dụng AI vào cuộc sống của con người, đơn giản nhất có thể kể đến sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo ngay trên chiếc smartphone mà bạn đang sử dụng. Rất nhiều nhà sản xuất đã tích hợp công nghệ AI vào di động thông minh, giúp thiết bị hiểu rõ người dùng, đáp ứng được những nhu cầu mà các đời máy cũ không thể.
Hơn nữa, AI còn xuất hiện ở những nền tảng công nghệ phục vụ cho các hoạt động phức tạp nhất của con người. Điển hình nhất là trợ lý ảo, ứng dụng hỗ trợ AI tại các trang mua sắm thương mại điện tử, phương tiện công cộng… Hay mới đây, một hãng công nghệ khổng lồ còn giới thiệu cho cả thế giới xem màn nói chuyện giữa một trí tuệ nhân tạo và con người để hẹn lịch cắt tóc, khá tuyệt phải không nào?
Nhưng quan trọng nhất, AI hiện cũng đóng góp không ít vào khâu giải quyết các vấn đề toàn cầu như bảo vệ môi trường, giúp con người chống lại biến đổi khí hậu, xử lý rác thải bằng cách dự đoán thời tiết, thiên tai, giúp con người tính toán các số liệu mà chỉ máy tính mới có thể làm được.
Tuy đem lại rất nhiều lợi ích, thế nhưng để quản lý được trí thông minh nhân tạo đúng cách là không hề đơn giản, dễ gây ra nhiều nguy hiểm và khiến AI trở nên không thể kiểm soát. Vậy đâu mới là ranh giới phù hợp khi áp dụng AI vào khoa học vào đời sống con người?
Ranh giới nào là phù hợp cho việc áp dụng AI?
Câu hỏi trên cũng là một trong nhiều trăn trở mà các nhà khoa học lẫn giới công nghệ bàn cãi suốt thời gian vừa qua. AI có ích, thế nhưng chúng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà chúng ta khó có thể lường trước.
Đơn cử như đầu năm nay, một hội nghị bàn luận về AI đã được tổ chức tại Oxford với sự góp mặt của 26 nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, họ đã đưa ra cảnh báo về những tác động nguy hiểm của AI với nhân loại trong tương lai. Báo cáo dài tới 100 trang được công bố sau hội nghị đã nhắc đến cả những nguy cơ đe dọa đối với loài người khi AI bị sử dụng sai mục đích.
Mới đây, AI cũng đã trở thành đề tài chính được đặt ra cho các thí sinh thảo luận tại Giải thưởng Honda Y-E-S (Young Engineer and Scientist Award) 2018 năm thứ 13 tại Việt Nam. Vào ngày 08/12/2018, lễ trao thưởng vinh danh 10 gương mặt trẻ xuất sắc của giải thưởng cũng đã chính thức diễn ra tại Hà Nội.
Với sự hợp tác giữa Quỹ Honda Foundation, Công ty Honda Việt Nam và các bên liên quan, cuộc thi Honda Y-E-S năm nay với chủ đề chính liên quan tới sự AI và những nguy cơ mà con người phải đối mặt khi không thể kiểm soát trí thông minh nhân tạo, 10 thí sinh cuối cùng đã vượt qua vòng Viết luận và Phỏng vấn để đạt được vị trí cao nhất, đứng lên bục vinh quang trong ngày trao giải.
Đồng hành cùng sinh viên Việt Nam từ năm 2006, giải thưởng Honda Y-E-S dành riêng cho các kỹ sư và nhà khoa học trẻ đã ghi nhận nhiều kết quả đáng tự hào trong việc nuôi dưỡng tài năng trẻ. Đặt ra chủ đề về AI đang rất nóng hổi cho các thí sinh, có thể nói giải thưởng năm nay sẽ hướng các bạn trẻ gần hơn tới con đường tìm hiểu và nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, hứa hẹn đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Việt Nam trong thời đại 4.0 hiện nay.