Đây là những nữ kỹ sư thành công, những người dẫn đầu các công nghệ quan trọng tại những tập đoàn khổng lồ trên thế giới.
Gần như mọi yếu tố trong cuộc sống hiện đại của chúng ta như điều khiển điện nước, Internet, xây dựng, xe hơi, điện thoại, máy tính, truyền hình và thậm chí các ứng dụng hẹn hò đều được tạo ra bởi một số kỹ sư.
Từ trước tới nay, kỹ thuật là một ngành nghề khắc nghiệt với phụ nữ. Tuy nhiên, không ít phụ nữ đã vượt qua mọi rào cản, theo đuổi đam mê và gặt hái được thành công trong ngành kỹ thuật.
Trong bài viết này, mời độc giả cùng tìm hiểu về 10 nữ kỹ sư quyền lực nhất làng công nghệ năm 2016.
1. Diane Greene (Google)
Diane Greene là một kỹ sư, doanh nhân quyền lực trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, sự nghiệp của bà còn tỏa sáng hơn nữa vào năm 2015 khi Google mua lại hãng startup mà bà đang phát triển. Gã khổng lồ tìm kiếm còn bổ nhiệm bà vào vị trí điều hành mảng kinh doanh điện toán đám mây.
Thành công lớn đầu tiên của Greene là VMware, công ty mà bà cùng ông chồng Medel Rosenblum, một giáo sư tại Đại học Stanford, và vài cộng sự khác tạo dựng. Bà dẫn dắt VMware với tư cách CEO đầu tiên sau khi công ty tiến hành IPO. Bà trở thành một nhà đầu tư cho các startup và âm thầm phát triển startup mới của riêng bà sau khi bán VMware cho EMC với giá 635 triệu USD.
Bà gia nhập ban giám đốc Google sau khi startup mới của bà được gã khổng lồ tìm kiếm mua với giá 380 triệu USD. Hiện tại bà cũng nằm trong ban giám đốc của Intuit và MIT. Gần đây, bà cùng chồng quyên góp dần dần số tài sản trị giá 150 triệu USD cho từ thiện.
Tại Google, Greene lãnh đạo một nhóm mới kết hợp tất cả các doanh nghiệp điện toán đám mây của công ty. Mục tiêu của Google là phát triển mảng điện toán đám mây vượt qua mảng quảng cáo trong năm 2020. Mảng quảng cáo mang lại cho Google doanh thu 66 tỷ USD vào năm ngoái nên công việc mà Greene đang đảm nhiệm cực kỳ quan trọng và cũng không kém phần khó khăn.
2. Peggy Johnson (Microsoft)
Peggy Johnson là phó chủ tịch điều hành phủ trách phát triển kinh doanh của Microsoft và là một trong những bản hợp đồng tuyển dụng lớn nhất của CEO Satya Nadella sau khi ông lên thay thế Steve Ballmer.
Bà tới với Microsoft sau 24 năm gắn bó cùng Qualcomm và không bỏ lỡ bất cứ khoảng thời gian nào trong cương vị mới được Nadella giao phó. Johnson đã giúp Nadella xây dựng một văn hóa hợp tác mới, tăng cường quan hệ đối tác với Salesforce, Dropbox, Uber, Yahoo và AOL.
Ngoài ra, bà còn đại diện cho Hoa Kỳ tại Hội đồng Tư vấn Hợp tác Kinh doanh Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và nằm trong ban lãnh đạo của một vài doanh nghiệp như nền tảng lãnh đạo cho phụ nữ của AOL, Makers và Live Nation Entertainment.
3. Tara Bunch (Apple)
Bunch hiện giữ chức phó chủ tịch phụ trách AppleCare, đơn vị hỗ trợ và dịch vụ kỹ thuật của Apple. Đơn vị này được sinh ra để đảm bảo rằng nếu có bất cứ điều gì không ổn xảy ra với thiết bị mang mác Táo của bạn, Apple sẽ sửa chữa nó cho bạn.
Xét về mức độ hài lòng của khách hàng về sản phẩm và dịch vụ, Apple luôn đứng đầu trong làng công nghệ. Và Bunch phải giám sát, đảm bảo điều này nhằm duy trì sự thành công của công ty.
Bunch gia nhập Apple vào năm 2012 sau 20 năm gắn bó với HP. Ở HP, bà đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch cao cấp phụ trách dịch vụ khách hàng và hỗ trợ hoạt động toàn cầu.
4. Jessica McKellar (Dropbox)
Jessica McKellar là giám đốc kỹ thuật tại Dropbox và là một nhân vật quan trọng trong thế giới Python, một ngôn ngữ lập trình web khá phổ biến.
Cô là người sáng lập và phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật tại Zulip, một dịch vụ tương tự Yammer/Slack. Hai năm sau khi ra mắt, Dropbox đã mua lại Zulip, giữ cô lại và tung Zulip miễn phí cho người dùng như một dự án mã nguồn mở.
Đây là hãng khởi nghiệp thứ hai mà cô sáng lập và bán được nhanh chóng. Startup đầu tiên của cô, Ksplice, được bán cho Oracle. Ksplice cung cấp cho người dùng cách cập nhật phần mềm Linux.
McKellar đóng góp rất nhiều vào thế giới mã nguồn mở. Cô đã viết code cho kernel, trái tim, trên Linux, và là thành viên của Python Software Foundation. Ngoài ra, cô còn dìu dắt những lập trình viên khác thông qua các cuộc thu như Google Summer of Code, GNOME Outreach for Women và Hacker School.
Cô cũng là đồng tác giả của nhiều cuốn sách, một diễn giả thường xuyên và là người quy tụ được nhóm người dùng Python lớn nhất thế giới. Hơn tất cả, cô được lọt vào vòng chung kết cuộc thi Red Hat’s Women in Open Source Awards.
5. Sharon Frinks Chiarella (Amazon)
Sharon Frinks Chiarella giữ chức phó chủ tịch Amazon, phụ trách một mảng được gọi là “Mua sắm cộng đồng”.
Sharon tự làm lên tên tuổi cho bản thân ở Amazon khi bà trở thành phó chủ tịch mảng Amazon Mechanical Turk, một dịch vụ làm việc cộng đồng. Bà lãnh đạo nó từ khi không ai biết về làm việc cộng đồng. Hiện nay, có hơn 50.000 người trên toàn thế giới đang chia sẻ công việc và làm việc trên Mechanical Turk.
Trước khi tới Amazon, Sharon đã từng làm việc tại Microsoft, Yahoo và dịch vụ email trực tuyến Presto.
6. Anna Patterson (Google)
Patterson là phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật trong nghiên cứu và trí thông minh máy móc tại Google.
Cô có một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ tại Google khi bắt đầu với công việc trên công cụ tìm kiếm web và lãnh đạo nhóm Quảng cáo và Mua sắm. Trong thời điểm quan trọng nhất với Google Play, khi smartphone Android bùng nổ từ 40 triệu lên 800 triệu chiếc, cô là người chịu trách nhiệm chính.
Năm 2005, cô bỏ việc để khởi nghiệp, cạnh tranh với chính Google bằng một trang web tìm kiếm mới có tên Cuil. Cô đã thu hút được số vốn 33 triệu USD nhưng không thành công.
Google đón cô trở lại với vòng tay mở rộng và bổ nhiệm cô vào vị trí lãnh đạo mới trong một lĩnh vực khá quan trọng đó là máy học. Tất cả các hãng công nghệ lớn đều đang đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng hệ thống máy tính thông minh hơn, tạo xương sống cho các dịch vụ điện toán đám mây và thiết bị thông minh hơn, Google cũng không ngoại lệ.
Đam mê kỹ thuật đã ngấm vào máu của Patterson bởi cha cô là một kỹ sư của NASA.
7. Denise Dumas (Red Hat)
Dumas là phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật hệ điều hành tại Red Hat. Bà lãnh đạo nhóm phát triển sản phẩm chủ lực của Red Hat, Red Hat Enterprise Linux (RHEL).
RHEL là một phiên bản Linux cực kỳ phổ biến, được sử dụng bởi hơn 90% công ty trong danh sách 500 công ty hàng đầu do Fortune bình chọn, Red Hat tuyên bố.
Dumas gia nhập công ty vào năm 2008 ở vị trí quản lý kỹ thuật cao cấp rồi từ đó thăng tiến lên vị trí hiện tại. Bà hiện đang quản lý một đội ngũ gồm hàng trăm nhà phát triển trên khắp thế giới.
“Tôi phải giữ cho tàu chạy đúng giờ, giữ mọi người kết nối với nhau và nhận diện những tác động mà công việc của nhóm ảnh hưởng tới các mảng kinh doanh khác trong khi vẫn duy trì sự nhạy cảm cho những khác biệt về văn hóa của nhóm”, Dumas chia sẻ về công việc của mình.
8. Helen Grenier (CyPhy Works)
CEO của CyPhy, Helen Grenier, là một nhân vật mang tính biểu tượng trong ngành công nghiệp robot.
Cô là đồng sáng lập iRobot, một hãng sản xuất robot cho thị trường công nghiệp, tiêu dùng và quân sự. Cô cũng là một trong những người lập trình cho phiên bản robot Roomba đầu tiên của iRobot.
Công ty mới của cô, CyPhy Works, phát triển drone, lĩnh vực mới nhất của ngành công nghiệp robot.
Grenier phát triển drone thương mại, trong năm ngoái công ty của cô nhận được số vốn 882.478 USD từ 1.514 người trên Kickstarter. Sau đó, tương lai công ty của cô tiếp tục được đảm bảo nhờ khoản đầu tư 32 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm.
Trước khi thành lập iRobot, Grenier làm việc tại trung tâm nghiên cứu Jet Propulsion Lab của NASA và trung tâm trí tuệ nhân tạo Artificial Intelligence Lab của MIT. Năm 2007, cô là một trong bốn phụ nữ đoạt giải Women in Technology International Hall of Fame, giải thưởng hàng năm vinh danh những phụ nữ có nhiều thành tựu trong công nghệ.
9. Noramay Cadena (Make in LA)
Cadena là đồng sáng lập của Make in LA, một hãng khởi nghiệp tập trung vào các dự án phần cứng. Trước đó, cô đã rất nổi tiếng tại Mỹ với nhiều thành tựu trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.
Trước khi thành lập Make in LA, Cadena làm việc 12 năm tại Boeing, lãnh đạo một nhóm phát triển khoang vận chuyển của Boeing cho Trạm Vũ trụ Quốc tế, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017. Cô cũng góp sức vào các dự án phát triển vệ tinh và máy bay.
Ngoài ra, cô còn là đồng sáng lập và điều hành của Latinas in STEM Foundation, một tổ chức hỗ trợ trẻ em Latin theo đuổi ước mơ trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.
10. Juliette McCoy (Ford)
McCoy đã gắn bó với Ford gần 30 năm và phấn đấu hết mình để trở thành kỹ sư trưởng phụ trách hệ thống kiểm soát Powertrain trên toàn cầu.
Hệ thống mà bà phụ trách được trang bị cho tất cả các xe Ford và Lincoln. Số nhân viên mà bà quản lý lên tới 1.000 người tại chín quốc gia.
McCoy đã nhận được nhiều bằng sáng chế và giải thưởng cho những cống hiến của bà. Năm 2015, bà nhận giải Lãnh đạo Toàn cầu từ Hiệp hội Nữ Kỹ sư.
Ngoài việc phát triển xe hơi, bà còn cải thiện môi trường làm việc của Ford, tạo ra một cơ sở dữ liệu toàn cầu cho phép nhân viên báo cáo những trở ngại. Dựa trên hệ thống ấy, Ford đã tạo ra hàng ngàn thay đổi cho nhân viên và khiến nhân viên của họ hài lòng hơn với môi trường làm việc.
McCoy cũng thay đổi các đào tạo nhân viên, nghĩ ra những phương thức đào tạo mới và biến những phương thức sáng tạo này trở thành tiêu chuẩn trong công ty.
Tham khảo BI