Song hành cùng 5G, Internet of Things (IoT) được coi là nền tảng của cuộc CMCN 4.0, mở ra một thế giới vạn vật kết nối.
Internet of Things (IoT) – Internet vạn vật – là một thuật ngữ vô cùng thông dụng trong kỉ nguyên số ngày nay. IoT được hình dung như một hệ sinh thái có thể kích hoạt các công nghệ kết nối để liên kết và đồng bộ mọi thứ với nhau. Nói một cách dễ hiểu hơn, IoT là mạng lưới các thiết bị thông minh hỗ trợ 5G sử dụng bộ xử lí, cảm biến và trí tuệ nhân tạo để gửi, phân tích và hoạt động dựa trên dữ liệu thu thập được từ môi trường vận hành.
Hiện nay, IoT không còn là lý thuyết trên giấy nữa. Theo báo cáo của Market Watch được công bố vào tháng 7 năm 2019, thị trường đầu tư IoT toàn cầu dự kiến sẽ đạt 2.108 tỷ USD vào năm 2023. Tại Việt Nam, trong khuôn khổ chính sách tập trung phát triển chuyển đổi số của chính phủ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Internet Vạn Vật (IoT Innovation Hub) đã được mở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, nhằm mục đích cung cấp nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và thúc đẩy tinh thần kinh doanh dựa trên sự đổi mới của công nghệ thông tin.
Ông ST Liew, phó Chủ Tịch Qualcomm Châu Á- Thái Bình Dương cho biết: “Mặc dù nhiều người Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ về IoT, nhưng thực tế, nó đã và đang định hình lại cuộc sống của chúng ta, đặc biệt khi đất nước đang tiến gần hơn đến tiến trình thương mại hóa 5G, công nghệ sẽ khai phóng những tiềm năng của IoT.”
Nhà điều khiển từ xa tăng cường tiện nghi và an ninh
IoT sẽ cách mạng hóa nhà ở tại Việt Nam bằng cách giúp mọi người giảm thời gian cho những việc thường ngày, cũng như mang lại nhiều tiện ích hơn. Với sự gia tăng của các thiết bị thông minh IoT được điều khiển từ xa thông qua điện thoại hoặc máy tính bảng, tủ lạnh sẽ có thể thông báo cho chủ nhà biết được sản phẩm của họ sắp hết hạn, trong khi máy điều hòa không khí có thể được điều khiển chỉ bằng một cú nhấp chuột, ngay cả khi bạn đã ra khỏi nhà.
Ngoài ra, công nghệ nhà thông minh có thể cung cấp cho chủ nhà hệ thống an ninh tiên tiến hơn. Các thiết bị như khóa thông minh cho phép chủ nhà kiểm soát và giám sát lối vào nhà. Camera an ninh cùng hệ thống cảnh báo đang trở nên ngày càng phổ biến trong việc phát hiện các chuyển động đáng ngờ xảy ra khi chủ vắng nhà.
Với những lợi ích như vậy, thị trường nhà thông minh đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Thị trường địa phương đã tăng 73% trong năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 330 triệu USD vào năm 2022.
Tại Việt Nam, một trong những đối tác IoT của Qualcomm Technologies là Homa Techs Inc., công ty phát triển các giải pháp nhà thông minh bằng cách sử dụng hệ chipset trí tuệ nhân tạo mới nhất. Trong các giải pháp của mình, Homa Techs đặc biệt chú trọng đến việc dễ dàng cài đặt, độ tin cậy cao và dễ sử dụng để tạo ra không gian sống thông minh và hiệu quả. Gần đây, Homa Techs đã giới thiệu Trung tâm đa giao thức IoT, có thể tích hợp nhanh chóng, đồng thời đạt độ bảo mật cao, tới 240 thiết bị gia đình, bao gồm các công tắc, phích cắm thông minh, cảm biến và các thiết bị khác trong cùng một cổng kết nối.
Ông Võ Sơn, Giám đốc Embedded System của Homa Techs chia sẻ: “Bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến của Qualcomm Technologies, Homa Techs tự tin cam kết rằng chúng tôi luôn mang đến những sản phẩm có độ tin cậy và an ninh cao, giúp làm phong phú thêm cho cuộc sống của người dùng.”
Thành phố an toàn hơn, thông minh hơn
Các ứng dụng IoT cũng đang được sử dụng trong các dự án quy mô lớn hơn, để cùng với mạng 5G, góp phần xây dựng nền tảng công nghệ số cho các thành phố thông minh. Đặc biệt, các loại cảm biến điện tử IoT đa dạng có thể thu thập thông tin từ mọi người, đồng thời kết nối các thiết bị cung cấp, phân tích dữ liệu ngay trong thời gian thực nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ công cộng. Những tiện ích này bao gồm khả năng nâng cấp quản lý trong các hệ thống giao thông, nhà máy điện, quản lý chất thải, phát hiện tội phạm và nhiều tiện ích khác.
Về phần mình, Qualcomm Technologies đang trong quá trình phát triển ý tưởng cho dự án “Tăng tốc mở rộng thành phố thông minh Qualcomm”. Chương trình được thiết kế để kết nối các thành phố, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp vào cùng một hệ sinh thái IoT sử dụng các giải pháp của Qualcomm Technologies.
Trong khi đó, công nghệ kết nối và điều hướng của Qualcomm Technologies đang hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô để thiết kế những chiếc xe có khả năng kết nối và độ an toàn cao. Công ty cũng đang làm việc với các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, các đơn vị cung cấp cơ sở hạ tầng, nhà điều hành đường bộ và các chính phủ, để đẩy nhanh việc triển khai hệ tiêu chuẩn C-V2X, cho phép các phương tiện và cơ sở hạ tầng phát những dữ liệu cho nhau ngay trong thời gian thực để giảm thiểu tai nạn giao thông.
Qualcomm Technologies cũng cung cấp giải pháp cho các sản phẩm năng lượng thông minh bằng cách hỗ trợ, giám sát và kiểm soát các hệ thống như đường dây điện và trang trại năng lượng mặt trời. Cùng với việc phân tích dữ liệu lớn, công nghệ năng lượng IoT mới nhất dự kiến sẽ tăng hiệu quả đồng thời giảm tác động môi trường của ngành năng lượng.
Ngành sản xuất sang trang mới
Trong nền công nghiệp 4.0, công nghệ 5G IoT sẽ định nghĩa lại nền cơ khí và phát triển cơ chế tự động hóa. Sự gia tăng của các nhà máy thông minh, nơi robot, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và các hệ thống phân tích dữ liệu liên kết chặt chẽ với quy trình sản xuất và hậu cần, giúp tăng năng suất, giảm chi phí cho quá trình sản xuất.
Tại Việt Nam, LoT dự kiến sẽ đẩy mạnh sức tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất trong nước, từ 7 tỷ USD lên 14 tỷ USD. Để đảm bảo đất nước được trang bị tốt cho tiến trình này, Bộ Chính trị vừa đưa ra Nghị quyết 52-NQ-TW, nhằm hướng dẫn và định hướng phát triển chính sách, nhằm đảm bảo tính chủ động của Việt Nam khi tham gia vào nền công nghiệp 4.0.
Để khẳng định những tiện ích của nền công nghệ sản xuất thông minh, Qualcomm đã tham gia các buổi giới thiệu công nghệ 5G với nhiều công ty khác, như Bosch Rexroth, Festo, Goetting, IFAK, Weidmueller, Zeiss và Siemens, để làm nổi bật các tính năng ưu việt của 5G tại sự kiện Hannover Messe, hội chợ thương mại lớn nhất thế giới về công nghệ ứng dụng trong công nghiệp. Một ví dụ điển hình là công nghệ 5G của Qualcomm đã được Bosch Rexroth ứng dụng xuất sắc để vận hành một hệ thống giao thông hoàn toàn tự động, duy trì độ kết nối liên tục, có độ tin cậy cao với mạng lưới sản xuất của địa phương.
Ông ST Liew khẳng định: “Từ phong cách sống đến môi trường làm việc của người Việt sẽ thay đổi sâu sắc bởi công nghệ IoT. Chúng tôi, Qualcomm Technologies, luôn cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai công nghệ 5G, đồng thời làm việc với các nhà sản xuất thiết bị IoT, để bảo đảm những cải tiến từ công nghệ Internet vạn vật có thể mang lại nhiều lợi ích tối ưu nhất cho người Việt”.
Nguồn: Dân Trí