Thuật toán AI đoán biết cơn đau vừa được các nhà nghiên cứu tại MIT phát triển có thể giúp các bác sĩ biết được liệu bệnh nhân của họ có đang giả vờ hay không.
Theo DigitalTrend, các nhà nghiên cứu tại VIện công nghệ Massachusetts đã phát triển một trí thông minh nhân tạo (AI) có khả năng phân tích một bức ảnh và đoán biết được mức độ đau đớn mà người trong ảnh đang chịu đựng. AI này có tên là “DeepFaceLIFT” – một thuật toán học máy (machine-learning) được các nhà nghiên cứu “huấn luyện” bằng các đoạn video miêu tả những người đang nhăn nhó hoặc biểu đạt các dấu hiệu của sự không thoải mái.
Từ các đoạn video này, DeepFaceLIFT đã học được những chi tiết nhỏ nhất trên biểu cảm khuôn mặt của một người, từ đó có thể giúp nó ước đoán mức độ của sự đau đớn mà họ đang chịu đựng khi so sánh với một bản tự chấm điểm mức độ đau. Thuật toán này có thể nhận biết được bất kể tuổi tác, giới tính, kết cấu da…và cho kết quả chính xác một cách đáng ngạc nhiên.
Dự án AI này nghe thì có vẻ sầu thảm, nhưng nó có tính ứng dụng rất cao trong thế giới thực. Hiện tại, tiêu chuẩn vàng đánh giá độ đau là thang đo độ đau hình ảnh tương tự (visual-analog scale – VAS), và thang VAS này hoàn toàn được dựa trên các bản tự đánh giá, do đó nó có tính chủ quan cao, phụ thuộc vào hoàn cảnh và có tính dao động cao giữa nhiều người khác nhau.
Một thuật toán máy tính hiển nhiên sẽ khó có thể hoàn toàn thay thế hệ thống thang đo độ đau này, bởi chẳng bác sỹ nào dám nói với bệnh nhân rằng tôi sẽ không chữa trị cho anh vì máy tính của tôi nói rằng anh đang làm quá sự đau đớn của mình! Tuy vậy, nó sẽ là một công cụ hữu dụng để giúp hoàn thiện hệ thống thang VAS, làm cho nó khách quan hơn. Nó sẽ giúp đánh giá liệu bệnh nhân có đang trung thực về độ đau của mình hay không.
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang tích cực hoàn thiện AI này để có thể biến nó thành một ứng dụng di động, qua đó có thể được sử dụng ở bất kì đâu, bất kỳ lúc nào, và trở thành một công cụ không thể thiếu đối với các nhà vật lý trị liệu.
Nguồn vnreview.vn