Dù tàu LCS được trang bị hệ thống điều khiển chiến đấu thông minh CANES nhưng vẫn khó khiến những chiếc tàu đắt đỏ này an toàn hơn.
Theo trang Scout, Hải quân Mỹ đang nghiên cứu phát triển một mạng lưới trao đổi dữ liệu và thông tin tác chiến giữa các đơn vị tác chiến trên biển của nước này có tên CANES.
Điểm đặc biệt của mạng lưới chia sẻ dữ liệu này là nó được kiểm soát hoàn toàn bằng trí thông minh nhân tạo.
Hải quân Mỹ tin rằng, việc tích hợp hệ thống CANES sẽ giúp xử lý một lượng lớn thông tin từ các cảm biến của một nhóm tàu hay một tàu, cung cấp dữ liệu toàn diện nhất theo thời gian thực trong suốt quá trình các tàu chiến của Mỹ tác chiến trên biển, với hệ thống định hướng độc lập.
Khi hoàn thành các bài thử nghiệm và chính thức được trang bị, hệ thống CANES sẽ thực hiện các nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý hàng loạt các gói thông tin thu thập được từ các cảm biến khác nhau của tàu, từ sonar đến bộ điều khiển của hệ thống định vị.
Và đến khi đó, với một mạng lưới trao đổi dữ liệu và thông tin tác chiến đồng nhất các biên đội tàu chiến của nước sẽ dễ dàng hơn trong việc phối hợp tác chiến trên biển. Bên cạnh đó, CANES có thể kết nối với các biên đội tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.
Dù được giới thiệu với nhiều ưu điểm tối tân, tuy nhiên theo Defense News, những sự cố nghiêm trọng trước đây của lớp chiến hạm này vẫn chưa được Hải quân Mỹ giải quyết dứt điểm và như vậy, CANES vẫn sẽ không đủ để khiến LCS an toàn hơn.
Vấn đề đáng lo ngại nhất với tàu LCS theo Defense News chính là chúng rất dễ bị tấn công mạng. Một quan chức Hải quân Mỹ nói rằng, tàu USS Freedom và nhiều chiếc LCS khác đã bộc lộ điểm yếu khi mạng lưới máy tính của chúng vẫn có thể bị thâm nhập trong suốt thời gian thử nghiệm cho đến khi đã đi vào trang bị.
Vị quan chức giấu tên cho hay một nhóm chuyên gia đóng giả làm tin tặc đã tiến hành các thử nghiệm đột nhập vào hệ thống của tàu LCS. Họ đã phát hiện ra các lỗ hổng trong các mạng lưới của chiến hạm khi mô phỏng một cuộc tấn công.
“Chúng tôi đã làm các kiểm tra này trên khắp hạm đội để tìm kiếm các điểm yếu riêng lẻ cũng như trên quy mô toàn hạm đội” – vị quan chức này nói.
Vị đại diện của Bộ Quốc phòng Mỹ Jennifer Elzea xác nhận việc người đứng đầu cơ quan thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc đã chỉ ra “các điểm yếu về bảo mật” trong hạm đội trong một đánh giá mới đây của Hải quân, nhưng bà cũng nói thêm là chi tiết của bản báo cáo này là thông tin mật.
Trên kênh Bloomberg News, bà Elzea nói rằng giám đốc thử nghiệm vũ khí của Lầu Năm Góc “khuyến cáo rằng các điểm yếu này phải được sửa chữa ngay lập tức”.
Còn người phát ngôn của đơn vị lắp ráp chiến hạm này là Lookheed Martin cho biết nhà thầu quốc phòng này vẫn đang làm việc với Lầu Năm Góc để đảm bảo rằng các điểm yếu về bảo mật sẽ không gây ra vấn đề gì trong thời gian triển khai chiến hạm.
Tuy nhiên kể từ khi phát hiện ra lỗi bảo mật trên lớp tàu LCS từ năm 2013 đến nay, sự yếu kém này trên loại tàu tối tân bậc nhất của Hải quân Mỹ vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Theo baodatviet.vn