Trí tuệ nhân tạo: Con người có thể chế ngự được mặt trái?

- in Tổng Hợp

Trí tuệ nhân tạo mang lại rất nhiều giá trị cho cuộc sống loài người nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ. “Trí tuệ Nhân tạo” (TTNT) ngày nay đang được ứng dụng vô cùng rộng rãi, từ công cụ tìm kiếm của Google, trợ lý giọng nói Alexa của Amazon, công nghệ nhận diện khuôn mặt của smartphone cho đến các thiết bị gia dụng, thậm chí cả trong lĩnh vực giao thông với xe tự lái, hay máy bay không người lái…

Có dự báo cho rằng, từ 5 – 10 năm nữa, ngành khoa học này sẽ phát triển lên tới đỉnh cao; trí thông minh nhân tạo sẽ tác động và giúp định hình nền kinh tế, cũng như có thể thay đổi triệt để tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Pricewaterhouse Coopers (PwC) từng dự đoán, cho đến năm 2030 TTNT sẽ giúp kinh tế thế giới tăng trưởng 14% (tương đương khoảng 15,7 nghìn tỷ USD).

Sự phát triển của TTNT đang khiến máy móc ngày càng đóng vai trò đắc lực hơn trong tất cả ngành nghề, không chỉ những công việc phổ thông mà cả những việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ cao như bác sĩ, kỹ sư… TTNT mang lại rất nhiều giá trị cho cuộc sống loài người nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ.

Nguy cơ tiềm ẩn?

Theo một nghiên cứu mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu Doanh nghiệp và Kinh tế thuộc Đại học Ball State (Mỹ), robot có thể chiếm một nửa số việc làm tại nước này trong những năm tới.

Ủy ban Phát triển Kinh tế Australia ước tính, 2 trong số 5 người Australia đang làm việc hiện nay có nguy cơ cao bị mất việc làm vì tự động hóa trong vòng 10 – 15 năm tới, với ước tính 3,2 triệu việc làm hiện nay trong ngành lái xe có thể bị cắt giảm khi công nghệ lái xe tự động được phổ biến.

Trong một tương lai không xa, không chỉ những công nghệ đơn thuần là kỹ năng như tài xế hay công nhân kỹ thuật, những công việc cần đến kỹ năng lẫn tri thức ở mức cao cũng bị TTNT đe dọa.

Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh – những người được đào tạo nhiều năm và thuộc nhóm được trả lương cao nhất, đang nằm trong số những bác sĩ đầu tiên sẽ phải thay đổi cho phù hợp khi TTNT “tấn công” vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, phải đối mặt với kho dữ liệu ngày càng tăng khi phục vụ bệnh nhân.

Rất nhiều chuyên gia, trong đó có thiên tài vật lý Stephen Hawking, lo lắng TTNT có thể là dấu chấm hết cho nhân loại khi nó phát triển đến mức hoàn thiện nhất. Trong tay sai của con người, những vũ khí này có thể dễ dàng gây ra thương vong lớn.

Hơn nữa, một cuộc chạy đua vũ trang có thể vô tình dẫn đến một cuộc chiến tranh gây tổn thất lớn. Khi được phát triển, vũ khí sát thương tự động sẽ khiến xung đột vũ trang diễn ra ở quy mô lớn chưa từng thấy với tốc độ nhanh hơn mức con người có thể tưởng tượng. Ngoài ra, quân khủng bố có thể lợi dụng công nghệ này để biến TTNT thành vũ khí sát hại dân thường.

Xét về mặt tích cực, TTNT có thể được sử dụng với mục đích giúp chiến trường trở thành nơi an toàn hơn, giảm thương vong cho các binh sĩ. Nhưng cũng chính những mặt lợi này lại càng khiến các chuyên gia lo ngại hơn vì như thế sẽ giúp các nhà chính trị hoặc lãnh đạo quốc gia đi đến quyết định phát động chiến tranh nhanh hơn, qua đó gây hậu quả lớn đối với tính mạng con người.

Có thể nói, TTNT đang giúp đẩy nhanh quá trình phát triển các vũ khí tự động giết người trên thế giới, bộc lộ những mối đe dọa còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân.

Tháng 9/2017, Giám đốc điều hành hai tập đoàn Tesla và SpaceX (Mỹ) Elon Musk cũng cảnh báo việc chạy đua cùng sự phát triển của TTNT sẽ gây ra một mối đe doạ mang tính quốc gia, và thậm chí sẽ dẫn tới chiến tranh Thế giới thứ 3. Bình luận này được đưa ra sau phát biểu của Tổng thống Nga Putin rằng quốc gia nào làm chủ được TTNT sẽ “thống trị” thế giới.

Ngăn chặn các nguy cơ

Hiện nay TTNT đã vượt trí tuệ con người trong nhiều lĩnh vực chuyên biệt. Tuy nhiên, các cỗ máy TTNT hiện nay vẫn chưa đạt tới mức trí thông minh tổng quát, tức không có khả năng xử lý tất cả tình huống xảy ra trong thực tế giống như con người hoặc các loài động vật.

Việc đưa TTNT đạt tới mức GI luôn là thách thức của các nhà phát triển TTNT từ trước đến nay. Vì khác với con người, máy móc chỉ có thể học một lần một loại kỹ năng. Nếu không có khả năng học hỏi, kỹ năng này sẽ chồng lên kỹ năng khác và TTNT không bao giờ học được như con người, hoặc có đủ linh hoạt để giải quyết những vấn đề theo cách con người có thể làm được.

Tuy nhiên, một chuyên gia trong dự án TTNT Deep Mind của Google cho biết, bộ phận nghiên cứu Deep Mind đã phát triển được một thuật toán giúp máy móc có thể học hỏi như con người dựa trên những nghiên cứu từ khoa học thần kinh.

Hiện nay, có khoảng 50 quốc gia đang nghiên cứu các robot chiến trường, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga và Anh…, làm dấy lên lo ngại điều này sẽ sớm dẫn đến việc máy móc có thể giết người mà không cần sự can thiệp của con người.

Giám đốc điều hành hai tập đoàn Tesla và SpaceX (Mỹ), nhà đồng sáng lập Google Deepmind (Anh) cùng với 114 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực TTNT và robot đã cùng ký vào một bức thư trình lên Liên Hợp Quốc, cảnh báo việc chạy đua phát triển các loại vũ khí sử dụng TTNT có nguy cơ dẫn đến cuộc cách mạng thứ ba trong phát triển vũ khí, sau chất nổ và hạt nhân; đồng thời kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp ngăn chặn các nguy cơ này./.

Nguồn vov.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với