Trí tuệ nhân tạo: Công nghệ nhận dạng gương mặt là thử thách mới
Tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực nhận dạng gương mặt bằng trí tuệ nhân tạo đã giúp chúng ta có thể mở khóa iPhone chỉ bằng một nụ cười. Nhưng đằng sau sự tiện lợi đó là nhiều mối lo ngại về đạo đức và tự do cá nhân xoay quanh công nghệ mới.
Cụ thể những mối lo ngại đó là gì, mời bạn đọc theo dõi bài viết sau trên MIT Technology Review được VnReview chuyển ngữ. Tác giả bài viết là Will Knight, biên tập viên cao cấp về trí tuệ nhân tạo.
Một trong số những tiến bộ mới nhất của trí tuệ nhân tạo trong vài năm qua là việc học máy có thể nhận dạng gương mặt người trong các hình ảnh, video với độ chính xác rất cao. Điều này giúp bạn có thể mở khóa điện thoại chỉ bằng một nụ cười, nhưng cũng đồng nghĩa với việc các chính phủ và doanh nghiệp lớn đã được trao thêm một công cụ do thám mới rất mạnh.
Nhận dạng gương mặt vừa được xác định là thách thức quan trọng với xã hội và các nhà làm chính sách, theo một báo cáo hồi đầu tháng 12/2018 của học viện AI Now, một viện nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn tại New York.
Tốc độ tăng trưởng của nhận dạng gương mặt cũng tương đương với tốc độ phát triển nhanh chóng của học sâu, một loại học máy phổ biến ngày nay. Để nhận dạng các khuôn mẫu dữ liệu, học sâu sử dụng nhiều phép toán phức tạp rất gần với hệ thống dây thần kinh của bộ não người. Hiện nay, học sâu có thể nhận dạng khuôn mẫu với độ chính xác khiến bạn phải kinh ngạc.
Học sâu thể hiện năng lực vượt trội trong những lĩnh vực như: xác định các vật thể-các gương mặt người, nhất là trong các video và hình ảnh chất lượng kém. Các công ty đang chạy đua để ứng dụng những công cụ này.
Báo cáo kêu gọi chính phủ thực hiện những bước cần thiết ở cấp độ vĩ mô để cải tiến việc điều chỉnh công nghệ đang tăng trưởng chóng mặt này giữa lúc đang có nhiều tranh luận về các bằng chứng riêng tư. “Việc triển khai các hệ thống AI đang tăng trưởng nhanh mà không được sự quản trị, giám sát và các thể chế trách nhiệm đầy đủ”, Technology Review trích nguyên văn báo cáo.
Theo đó, các cơ quan chính phủ hiện hành nên mở rộng quyền lực để điều chỉnh các vấn đề AI, trong đó có việc sử dụng nhận dạng gương mặt: “Các khu vực như sức khỏe, giáo dục, luật hình sự, và phúc lợi; tất cả đều có những rủi ro, thể chế điều chỉnh, và lịch sử của chúng”.
Báo cáo cũng kêu gọi sự bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ hơn trước những tuyên bố sai lầm liên quan đến AI, thúc giục các công ty từ bỏ những tuyên bố bí mật thương mại khi trách nhiệm của các hệ thống AI đang bị bỏ mặc, ví dụ như khi các giải thuật được dùng để đưa ra các quyết định quan trọng, và yêu cầu các công ty quản trị mình một cách có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng AI.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề xuất việc nên cảnh báo cho công chúng khi sử dụng các hệ thống nhận dạng gương mặt để theo dõi họ, và người dân có quyền từ chối sử dụng công nghệ kiểu này.
Theo Technology Review, việc thực hiện các đề nghị này khá thử thách khi mọi việc đã đi vào guồng máy. Nhận dạng gương mặt đang được ứng dụng và triển khai với tốc độ nhanh đến khó tin: bẻ khóa các iPhone Apple mới nhất và cho phép thực hiện thanh toán, hàng triệu hình ảnh được Facebook quét mỗi ngày để xác định người dùng cụ thể. Hồi đầu tháng 12, Delta Airlines (hãng hàng không lâu đời nhất nước Mỹ) đã công bố một hệ thống check-in mới bằng gương mặt tại sân bay Atlanta. Theo một tài liệu của đại học California, mật vụ Mỹ cũng đang phát triển một hệ thống an ninh nhận dạng gương mặt cho Nhà Trắng. “Vai trò của AI trong do thám diện rộng đã được gia tăng mạnh mẽ ở Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới”.
Quả đúng là công nghệ này đã được ứng dụng trên phạm vi lớn ở Trung Quốc, liên quan tới sự hợp tác giữa các công ty AI tư nhân và các cơ quan chính phủ. Các lực lượng cảnh sát đã sử dụng AI để nhận dạng tội phạm, và vô số báo cáo cho thấy AI cũng đang được dùng để theo dõi những kẻ chống đối chính phủ.
Kể cả khi AI không được dùng theo những cách mơ hồ về mặt đạo đức, công nghệ này cũng đi kèm với nhiều vấn đề nội tại.
Tiêu biểu như một số hệ thống nhận dạng gương mặt đã được chứng minh là có những đoạn mã thiên vị. Theo các nhà nghiên cứu của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ALCU), trong đám mây của Amazon có một công cụ có thể nhận dạng nhầm người dân tộc thiểu số thành tội phạm.
Báo cáo của học viện AI Now còn cảnh báo việc sử dụng tính năng theo dõi cảm xúc trong các hệ thống quét gương mặt và nhận dạng giọng nói. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng về việc theo dõi cảm xúc theo cách này nhưng các hệ thống này cũng đang được dùng theo những cách tiềm ẩn sự phân biệt đối xử, ví dụ như để theo dõi sự chú ý của sinh viên.
“Đã đến lúc điều chỉnh nhận dạng gương mặt và tác động đến nhận dạng. Việc “soi” các trạng thái (cảm xúc) bên trong của con người là không có tính khoa học lẫn đạo đức”, MIT Technology Review kết lại bài báo này bằng ý kiến của tiến sĩ Kate Crawford, một trong những tác giả chính của báo cáo. Tiến sĩ Kate cũng chính là nhà sáng lập và giám đốc nghiên cứu học viện AI Now.
Nguồn vnreview.vn