Trí tuệ nhân tạo Việt thành “hiện tượng đột phá” tại Thung lũng Silicon

Trí tuệ nhân tạo Việt thành “hiện tượng đột phá” tại Thung lũng Silicon

Chỉ sau hai ngày ra mắt, ứng dụng PhotoSolver của Got It đã đứng số 2 ở Việt Nam và top 10 tại Mỹ về mảng Giáo dục. Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo này là sản phẩm của một đội ngũ có sáng lập viên (Founder) là người Việt Nam.

Trí tuệ nhân tạo (AI) không phải điều quá xa vời, đặc biệt là với Trần Việt Hùng – Founder của Got It, đơn vị vừa tích hợp thành công AI vào phần mềm giải toán tự động. Hiện Trần Việt Hùng và đội ngũ cộng sự của mình đang làm việc trong văn phòng đặt ngay giữa thung lũng Silicon (Mỹ), thủ đô công nghệ của thế giới, để xây dựng nền tảng cung cấp kiến thức dưới dạng dịch vụ – KaaS.

Sau 2 năm phát triển, Got It vừa cho ra mắt phần mềm giải toán PhotoSolver. Đây là một phần trong bộ giải pháp của nhóm sản phẩm cho lĩnh vực Giáo dục của Got It do Founder Trần Việt Hùng – một người Việt Nam phát triển.

Chỉ ít ngày sau khi ra mắt, PhotoSolver đã trở thành ứng dụng số 2 ở Việt Nam và top 10 tại Mỹ về mảng Giáo dục. Người anh em Got It Study của PhotoSolver còn thành công hơn khi được Apple đưa vào danh sách “8 ứng dụng tốt nhất cho việc học tại nhà” (8 Best Homework Helpers).

PhotoSolver có khả năng nhận diện đề bài từ hình chụp, sau đó cung cấp cho người dùng từng bước một để giải bài toán. Phần đề bài được tiếp nhận dưới dạng văn bản in, chép tay hay ngay chính phép toán trên bảng. Nhờ khả năng thu thập và xử lý hình ảnh tốt, PhotoSolver không mấy khó khăn để nhận biết tất cả các dạng đề bài.

Trên thế giới từng xuất hiện những ứng dụng tương tự, tuy nhiên, điểm khác biệt của PhotoSolver là việc nó có thể đưa ra các gợi ý nhằm củng cố kiến thức cho người học. Bên cạnh đó, PhotoSolver giải được rất nhiều các dạng toán phức tạp, từ toán cơ bản, đại số, lượng giác cho đến đại số tuyến tính, giải tích, tích phân, toán hữu hạn, điều mà không phải ứng dụng giải toán nào cũng có thể làm được.

Cá nhân hóa việc học bằng trí tuệ nhân tạo

Trao đổi với Pv.VietNamNet, anh Trần Việt Hùng – Founder của Got It cho biết, sở dĩ PhotoSolver có thể nhận diện các công thức kể cả dạng toán viết tay là nhờ một hệ thống Deep Learning (học sâu) gọi là CNN (Convolutional Neural Network).

Sau quá trình nhận diện, robot sẽ sử dụng solver (bộ giải) để tạo ra dữ liệu lời giải cho bài toán mới được nhận dạng và chat với người dùng để hướng dẫn giải theo từng bước. Solver sẽ tự giải toán mà không cần phải có ai đó giải trước rồi đưa vào cơ sở dữ liệu. Các hệ thống solver như thế gọi là Computer Algebra System.

Theo anh Hùng, các hệ thống solver này đã được phát triển trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đa phần chúng được biết đến ở mức độ hàn lâm với phần đầu ra chưa dễ sử dụng cho người dùng cuối. Chính vì vậy, Got It đã có chiến lược phân chia dữ liệu ra thành từng phần nhỏ dễ hiểu với người dùng.

Nói một cách đơn giản, ứng dụng sẽ hỗ trợ giải toán theo từng bước và người dùng có thể tương tác với hệ thống. Về bản chất thì đơn giản như vậy, nhưng để hệ thống có thể chạy được thì phải mất rất nhiều thời gian để thử và sai, anh Hùng chia sẻ.

Vị Founder này cho biết: “Trước mắt PhotoSolver sẽ tập trung vào việc giúp người dùng có lời giải từng bước thông qua chatbot đối với các bài toán dựa trên công thức. Sau đó, hệ thống sẽ tăng cường khả năng giảng giải các kiến thức liên quan”.

Ví dụ, ở một bước nào đó của lời giải bài toán, nếu người dùng không hiểu, bot sẽ thu thập các kiến thức toán có liên quan để giảng giải, qua đó giúp người dùng hiểu và nắm được bước giải hiện tại.

Theo anh Hùng, về lâu dài, thông qua tương tác với từng người dùng, hệ thống sẽ nhận biết được đối với mỗi cá nhân cụ thể thì cách giảng giải thế nào là tốt nhất. Điều này đảm bảo người dùng không những hiểu mà còn trở nên yêu thích việc học. Điểm hay của AI ở chỗ, tuy cùng là một phép toán, cùng một lời giải, cùng một kiến thức nhưng với mỗi cá nhân, hệ thống lại chọn ra cách giảng khác nhau, anh Hùng chia sẻ.

Nếu muốn ứng dụng AI hiệu quả, đừng cắm đầu làm lại

Trước PhotoSolver, thế giới từng biết tới PhotoMath, một ứng dụng rất nổi tiếng trong việc dạy và học toán. Chính vì vậy, nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên trước sự xuất hiện của PhotoSolver.

Khi trao đổi về điều này, anh Trần Việt Hùng cho rằng: “PhotoMath đã giải quyết được một số bài toán cơ bản nhưng còn rất nhiều bài toán khó mà nó không thể giải nổi mặc dù chúng đã được biểu diễn dưới dạng công thức. Chính vì thế, chúng tôi phải đưa ra được một giải pháp tốt hơn”.

“Có rất nhiều video so sánh khả năng giải toán giữa PhotoMath và PhotoSolver với kết quả là PhotoSolver giải ngon lành các bài toán phức tạp. Để làm được điều này, chúng tôi đã tận dụng những kết quả nghiên cứu và phát triển được tích tụ trong một thời gian dài, nhờ vậy mà khả năng của PhotoSolver được đánh giá rất cao”, anh Trần Việt Hùng chia sẻ.

Theo anh Hùng: “Chúng ta cần tìm cách ứng dụng những gì đã có sẵn mà không phải cắm đầu làm lại. Những gì có sẵn nếu biết cách tận dụng cũng sẽ tạo ra rất nhiều thay đổi. Chúng ta còn hàng tỷ vấn đề có thể giải quyết hay tăng năng suất bằng công nghệ. Việt Nam nên luyện tập khả năng đó thay vì chạy đua theo các phát minh”.

“Kỹ năng kết hợp những thứ sẵn có để làm được một thứ mới không chỉ bằng các thứ đó cộng lại mà nhân với nhau là một kỹ năng đặc biệt. Bitcoin là một cách kết hợp thông minh dựa trên những công nghệ sẵn có như P2P Network, Public-Private Key, Hash. Điều này giống như việc có A, B, C, chúng ta phải kết hợp làm sao để có kết quả là AxBxC chứ không đơn thuần là A+B+C”, anh Hùng nói.

Chính bởi suy nghĩ này, Trần Việt Hùng và đội ngũ cộng sự đã quyết tâm phát triển thật tốt ứng dụng giải toán PhotoSolver thay vì chạy đua theo sản phẩm mới. Theo anh Hùng, các nhà phát triển cần tìm cách ứng dụng công nghệ AI sẵn có để tăng hiệu suất sử dụng lên nhiều lần.

Một tuần sau ngày ra mắt, thống kê cho thấy PhotoSolver đã giải quyết trung bình khoảng 10.000 bài toán mỗi ngày. Chia sẻ về sản phẩm của mình, anh Hùng kể một câu chuyện vui khi có một giáo viên dạy toán phàn nàn rằng, vì PhotoSolver mà thầy vừa viết công thức lên bảng xong, học sinh ở dưới đã nói vanh vách cách giải chi tiết.

Theo vị Founder của Got It, ngay kể cả khi AI cùng các ứng dụng như PhotoSolve phát triển, nó cũng sẽ không làm mờ nhạt đi vai trò của người thầy. Đây thậm chí còn là động lực để thúc đẩy thầy cô nghĩ ra những phương pháp dạy học và kiểm tra kết quả mới.

Về phía học sinh, công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ mọi người học nhanh và nhiều hơn. Sẽ chẳng có ai trở thành một người giỏi giang nếu lười biếng và phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ.

Theo vietnamnet.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với