Trợ lí ảo trí tuệ nhân tạo của người Việt
Việt Nam bước đầu đã có những sản phẩm trợ lí ảo trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho người Việt, bắt kịp xu hướng công nghệ của thế giới.
Trên thế giới, trợ lí ảo (chatbot) đang là trọng tâm của làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI). Không chỉ ở dạng thô sơ như Siri hay Bixby (trợ lí ảo của iPhone và Samsung), Google Assistant trước đây, trợ lí ảo đã được phát triển đến khả năng có thể tương tác trực tiếp với con người. Cụ thể như Nhật Bản vừa chứng kiến sự ra mắt đồng loạt các trợ lí ảo dưới dạng loa thông minh đến từ các thương hiệu lớn về công nghệ như LINE, Google và Amazon.
Giới chuyên gia nhận định, trợ lí ảo sẽ sớm trở thành phương thức giao tiếp giữa người và AI trong tương lai không xa.
Các hãng công nghệ lớn toàn cầu đang chạy đua để chứng minh trợ lí ảo với sự hậu thuẫn của AI trong tương lai gần có thể hiểu đầy đủ và trò chuyện với con người.
Với sự trợ giúp của các trợ lí ảo, việc sử dụng điện thoại của con người được tiện lợi hơn (Siri, Bixby…). Trong cuộc chạy đua trên smartphone, trợ lí ảo Siri của Apple đã mở đầu cho sự ra mắt hàng loạt các trợ lí ảo khác trên các dòng smartphone Android.
Không chỉ các nhà sản xuất phát triển ứng dụng trợ lí ảo mà không ít bên cung cấp ứng dụng thứ 3 cũng tung ra để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Trong số đó phải kể đến Amazon Alexa, Bixby của Samsung, Cortana của Microsoft, Google Assistant…
Tại Việt Nam, đã có những start-up công nghệ cũng sử dụng AI cho một số nhu cầu đặc thù như chatbot. Tuy nhiên, trợ lí ảo có khả năng đa nhiệm, phục vụ nhiều thói quen và liên kết với các ứng dụng chưa xuất hiện nhiều. Trước đó, một ứng dụng trợ lí ảo VAV trên Android đã được một nhóm nghiên cứu ở Việt Nam phát triển có thể tương tác với người dùng thông qua giọng nói tương tự như Siri, Cortana hay Google Now… nhằm giúp người dùng có thể sử dụng smartphone hiệu quả nhất.
Mới đây là Ki-Ki, trợ lí ảo của người Việt được phát triển bởi Zalo, đã được ra mắt. Trợ lí ảo này có thể thực hiện việc mở nhạc, đọc tin, gửi tin nhắn, tra cứu thời tiết, tra cứu kiến thức và có khả năng hiểu được tiếng của ba miền Bắc, Trung, Nam.
Trợ lí ảo Ki-Ki ra mắt thời điểm này đem tới cái nhìn lạc quan về khả năng bắt kịp làn sóng AI trên toàn thế giới. Đây không chỉ là kết quả sau một thời gian định hướng kỉ nguyên AI của các kĩ sư Việt Nam mà còn giúp giới chuyên gia Việt xác định rõ hơn con đường làm AI và hoàn thành khát vọng tạo ra sản phẩm AI cho người Việt.
Theo chia sẻ của nhà phát triển, kế hoạch sắp tới của Ki-Ki là tích hợp lên các thiết bị phần cứng như loa thông minh, phát triển thành công cụ tìm kiếm bằng giọng nói và tích hợp vào sản phẩm đang có hiện nay của Zalo như Zing mp3, Zalo, baomoi để phục vụ người dùng.
Hiện sản phẩm này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm Alpha. Để đi đến một trợ lí ảo hoàn thiện cho người Việt thì bài toán nhân sự là thách thức không nhỏ. Đây cũng được coi là thách thức chung cho ngành AI ở Việt Nam.
Làm sao để có đội ngũ kỹ sư AI giỏi và giữ họ làm việc tại Việt Nam hay thu hút các nhân tố xuất sắc từ nước ngoài về tham gia vào làn sóng AI trong nước là một bài toán khó.
Đây cũng là chủ đề thu hút được sự quan tâm lớn của các chuyên gia tại sự kiện Zalo AI Summit tổ chức tại TPHCM vừa qua, trong đó có nhiều chuyên gia người Việt có ảnh hưởng trong cộng đồng AI trên thế giới, đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ như Alibaba (Mỹ), LINE (Nhật Bản), Viện công nghệ JAIST (Nhật Bản)…
TS Bạch Hưng Nguyên, từng là thành viên dự án HoloLens của Microsoft và đang làm việc tại Machine Intelligence Technology Lab, Alibaba cho rằng, để có được đội ngũ làm AI tốt cho Việt Nam, việc học hỏi là một trong những yêu cầu cần thiết.
Ông Nguyên nêu ví dụ về các kĩ sư Trung Quốc có thể ra mắt một sản phẩm dựa trên công nghệ mà Google chỉ công bố trước đó không lâu./.