Triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới (CES) diễn ra đầu năm tại Las Vegas (Mỹ) thường được giới quan sát xem như phong vũ biểu dự báo xu hướng công nghệ trong năm. Năm nay, ngôi sao tỏa sáng tại CES 2017 là nhân vật tuy không mới nhưng gây bất ngờ bởi sự hiện diện khắp nơi, kết hợp với đủ loại thiết bị trong gia đình, văn phòng cho đến ô tô – đó là trợ lý ảo Alexa của Amazon.
Trợ lý ảo của Amazon xuất hiện lần đầu tiên cách đây 2 năm cùng Amazon Echo. Không chỉ ẩn mình trong chiếc loa thông minh của hãng, Alexa đã được Amazon “mở” cho các nhà sản xuất phần cứng khác vào mùa hè năm 2015. Giờ đây, sau một năm rưỡi, số thiết bị hỗ trợ Alexa đã tăng nhanh với tốc độ chóng mặt.
Những ngày đầu năm, Alexa thực sự trở thành tâm điểm của CES 2017. Thậm chí, “hỗ trợ Alexa” hay “tương thích với Alexa” là những lời quảng bá đầy tự hào của nhiều công ty triển lãm sản phẩm phần cứng mới. Dù cách hỗ trợ không phải là giống nhau với mọi sản phẩm, nhưng phần lớn là thiết bị thông minh tích hợp khả năng điều khiến hay giám sát thông qua Alexa.
Sự hào hứng với Alexa được nhân lên gấp bội khi được biết trợ lý ảo của Amazon đã có hàng nghìn kỹ năng, sẵn sàng kết nối với ứng dụng của nhiều bên thứ ba.
Hệ sinh thái Alexa nhanh chóng rộng mở hứa hẹn định hình lại thế giới di động đang xoay quanh màn hình cảm ứng, và tác động lớn đến thế giới Internet of Things (IoT). Những màn trình diễn tại CES cho thấy giao diện giọng nói chính là tương lai của thiết bị di động thông minh. Hãy hình dung về một thế giới mà bạn có thể ra lệnh mọi thứ bằng giọng nói.
Chẳng hạn muốn bật đèn chỉ việc nói “Alexa, turn on the lights”. Tương tự như vậy, các công ty sản xuất thiết bị nhà thông minh có thể kết hợp với những trợ lý AI (trí tuệ nhân tạo) để thuận tiện trong giám sát và điều khiển ngôi nhà, thay vì phiền phức với thao tác mở màn hình smartphone hay máy tính bảng để nhấn chọn điều khiển.
Cùng với việc Alexa có mặt trong nhiều sản phẩm tiêu dùng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, Amazon đã vượt lên trước các đối thủ Google, Apple trong cuộc đua mới.
Thiết bị Alexa thống trị CES 2017
So với năm ngoái chỉ mới manh nha tích hợp trợ lý ảo cho đèn chiếu sáng thì hiện giờ chủng loại thiết bị hỗ trợ Alexa quá phong phú. Rất nhiều sản phẩm khoe trí tuệ cùng Alexa tại CES 2017, tiêu biểu như loa thông minh Smart Assistant của Lenovo, đèn bàn C của GE Lamp, TV Hopper DVR của DISH, smartphone Mate 9 của Huawei, robot trông trẻ của Mattel…
Tất cả đều sẵn sàng nhận lệnh bằng giọng nói của người dùng với những câu thần chú bắt đầu bằng “Alexa”. Alexa đang mở ra vô vàn cơ hội cho các công ty sản xuất phần cứng, theo nhiều cách khác nhau.
Bộ loa thông minh Amazon tích hợp trợ lý ảo Alexa (từ trái qua): Echo Dot, Amazon Tap, và Echo. |
Trợ lý thông minh Smart Assistant của Lenovo giống như loa Echo của Amazon nhưng thậm chí còn đẹp và cho chất lượng âm thanh tốt hơn. Trong khi đó Huawei của Trung Quốc công bố phalet Mate 9 giá 600 USD là chiếc smartphone đầu tiên tích hợp sẵn Alexa khi bán ra thị trường, cho phép người dùng truy cập rảnh tay các ứng dụng.
Cảm biến giọng nói được trang bị theo nhiều cách thú vị, như trường hợp thùng rác thông minh Simplehuman có gắn microphone sẵn sàng nghe lệnh tự mở nắp thay vì bạn phải dùng tay hay chân như thông thường.
Robot camera Aristotle của Mattel cũng là một dạng trợ lý ảo như Amazon Echo, nhưng có khả năng nhận biết tiếng khóc của trẻ em và tự động cất tiếng ru êm ái. Nó còn biết điều chỉnh ánh sáng phù hợp cho giấc ngủ của bé, thậm chí chọn đúng bài ca, bản nhạc mà trẻ quen nghe.
Nhà sản xuất đồ gia dụng Whirlpool công bố dòng sản phẩm điện tử gia dụng mới với Alexa bên trong. Chẳng hạn người dùng muốn điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh Whirlpool thì chỉ việc nói cho Alexa biết. Trợ lý ảo của Amazon có thể báo cho chủ nhân biết máy giặt hay máy sấy Whirlpool còn hoạt động bao lâu nữa thì hoàn tất công việc.
TV Hopper DVR của Dish Network trang bị Alexa đem lại trải nghiệm như Apple TV, bạn có thể ra lệnh bằng giọng nói để tìm chương trình hay đổi kênh.
Alexa cũng tham gia vào hệ thống giám sát an ninh. ADT Pulse sắp sửa tung ra hệ thống giám sát nhà thông minh trang bị Alexa. Truy cập tới hệ thống an ninh được chấp thuận khi bạn nói mã PIN gồm 4 chữ số. Tuy nhiên người dùng cần cẩn thận khi nói mã PIN vì có thể kẻ xấu nghe lén, sau đó sẽ đột nhập trái phép vào nhà và vô hiệu hóa hệ thống an ninh.
Những lựa chọn thay thế cho Amazon Echo đều được tán thưởng, nhưng chúng gần như không gây ngạc nhiên và đem đến sự thú vị như một số thiết bị mới trang bị Alexa.
Khi Google công bố router OnHub trong năm 2015 và những router mesh Google WiFi vào năm ngoái, một số nhà quan sát thắc mắc vì sao những router mạng lưới này không được tích hợp Google Now hay Google Assistant. Ý tưởng trợ lý ảo trên router mesh đã thành hiện thực tại CES năm nay, nhưng là với Alexa trên hệ thống Velop Whole Home Wi-Fi của Linksys.
Các router mesh phủ sóng toàn bộ ngôi nhà bằng cách tạo ra một chuỗi các kết nối không dây, đảm bảo sóng Wi-Fi mạnh ở mọi ngóc ngách, điều khó có thể đạt được với router đơn. Linksys Velop có giá bán 200, 350 hay 500 USD tương ứng với 1, 2, hay 3 bộ. Mỗi router đều tích hợp loa và microphone để người dùng tương tác với Alexa.
Robot Lynx. |
Một công ty có tên Ubtech Robotics công bố robot Lynx tích hợp sẵn Alexa. Ngoài chức năng tương tự Amazon Echo, robot này còn có khả năng nhận diện khuôn mặt và thể hiện các bài tập thể dục.
LG cũng công bố robot Alexa tại CES. Công ty không tiết lộ chi tiết, nhưng robot Hub được giới thiệu trông nhỏ nhắn với những chức năng kiểu như Amazon Echo, trông rất cá tính và độc đáo với khả năng xoay để đối mặt với người nói chuyện cùng nó.
Hãng điện tử Hàn Quốc còn công bố tủ lạnh có chức năng như một thiết bị Alexa. Không như tủ lạnh Whirlpool chỉ có thể được kiểm soát tối thiểu bởi các lệnh Alexa, tủ lạnh Smart InstaView của LG có một camera bên trong do vậy bạn có thể kiểm tra những gì cần mua bổ sung vào tủ lạnh trong khi đang ở cửa hàng.
Cửa tủ có một màn hình cho phép quan sát bên trong khá thú vị: nhấn hai lần vào màn hình, nó trở thành một cửa sổ trong suốt nhờ vậy bạn có thể nhìn thấy những thứ bên trong mà không cần mở cửa.
Tủ lạnh thông minh của LG có nhiều tính năng dựa trên hệ điều hành di động WebOS mà hãng đã mua lại của HP. (WebOS vốn do Palm phát triển sau đó thuộc về HP trong thương vụ thâu tóm Palm vào năm 2010).
Ô tô triễn lãm tại CES cũng phô trương khả năng giám sát và điều khiển qua Alexa. Hãng xe Ford của Mỹ giới thiệu những mẫu ô tô mới Focus Electric, Fusion Energi, và C-Max Energi trang bị hệ thống Ford Sync Connect cho phép người dùng khởi động xe, khóa và mở khóa cửa, và nhận thông tin về xe từ bất kỳ thiết bị Alexa nào.
Cuối hè này, Alexa sẽ được tích hợp sẵn cho ô tô Ford, do vậy người ngồi trong xe có thể tương tác với Alexa để điều khiển hệ thống âm thanh bằng lệnh miệng. Bảng điều khiển trên xe hoạt động tương tự loa thông minh Amazon Echo.
LG giới thiệu tủ lạnh thông minh tích hợp Alexa tại CES 2017. |
Trợ lý ảo mọi nơi, luôn lắng nghe và thấu hiểu
Alexa tràn ngập CES 2017 dường như báo hiệu sắp tới thời trợ lý ảo hiện diện khắp nơi, sẵn sàng nghe người dùng và chuyển lệnh điều khiển thiết bị. Thậm chí hầu như bạn không phải bận tâm nghĩ về cách dùng thiết bị mà chỉ việc nói một cách tự nhiên với chúng.
Dĩ nhiên Amazon không một mình một chợ, các đối thủ khác cũng đang lao vào cuộc đua mới. Google đã đưa ra Google Home sẵn sàng cạnh tranh với Amazon Echo. iPhone của Apple một khi được kích hoạt “Hey Siri” trong ứng dụng Settings cũng sẽ luôn lắng nghe lệnh giọng nói của người dùng.
Apple còn được đồn đại đang tìm cách đưa Siri lên thiết bị điện tử gia dụng. Ngay cả Microsoft dù chưa phổ biến được Windows 10 trong thế giới IoT cũng đang nỗ lực hợp tác với các công ty khác để trợ lý ảo Cortana của mình cất tiếng cùng loa thông minh và những sản phẩm khác.
Nhưng cho đến thời điểm này có lẽ chỉ có Amazon là đạt được những thành quả khả quan, xuất phát từ loa thông minh Echo rồi thâm nhập dần vào nhiều thiết bị trong đời sống thực. Amazon không chỉ đặt Echo trong mọi căn phòng gia đình mà còn mở trợ lý ảo của mình cho các nhà sản xuất phần cứng để Alexa được tích hợp vào mọi thiết bị trong nhà, văn phòng và cả trên ô tô.
Google, Apple, và Microsoft vẫn đang chú trọng phát triển trợ lý ảo của họ trên điện thoại, trong máy tính mà thiếu sự hợp tác với các bên thứ ba. Về mặt này, Amazon đã vượt lên trước các đối thủ.
Tuy nhiên, cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ hết sức khốc liệt và bức tranh biến đổi rất nhanh. Tương lai đang chào đón trợ lý ảo của bất cứ hãng nào đem lại giao diện giọng nói thân thiện, trí tuệ thông minh cho nhiều thiết bị trong đời sống thực.
Những vấn đề mới
Amazon, Google, Apple và Microsoft sẽ bước vào cuộc đua quyết liệt, đưa trợ lý ảo của mình thâm nhập thế giới IoT với vô vàn thiết bị được sử dụng hàng ngày. Tương lai bạn sẽ nói với tủ lạnh, lò vi sóng, máy giặt, và cả bồn cầu nhà vệ sinh. Mọi vật sẽ lắng nghe, sẽ hiểu, thực hiện hay phản hồi những thông tin cho bạn, đáp ứng những yêu cầu của bạn.
Khi mọi thứ tiếp tục chuyển lên mây, những điều phức tạp sẽ được điện toán đám mây giải quyết, mở ra cơ hội lớn cho trợ lý ảo thâm nhập vào mọi vật kết nối Internet với loa và microphone tích hợp sẵn. Tất cả đều giao tiếp bằng giọng nói. Cũng vì vậy sẽ lại nảy sinh ra những vấn đề mới.
Các thiết bị Alexa như Echo của Amazon luôn luôn lắng nghe lệnh kích hoạt, bắt đầu với từ đã chọn, như “Alexa”. Điều đó nghĩa là để tránh lẫn lộn bạn phải kiêng dùng từ “Alexa”, sẽ không dùng từ này để đặt tên con hay thú cưng trong nhà.
Trợ lý ảo hiện diện khắp nơi trong thế giới thực cũng làm tăng mối lo ngại về quyền riêng tư và an ninh bảo mật.
Khái niệm trợ lý ảo đã hình thành và được cổ vũ suốt cả thập kỷ qua, nhưng CES 2017 mới thực sự tạo ra bước ngoặt, đưa chúng ta tiến vào kỷ nguyên mới với giao tiếp giọng nói sẽ trở thành chủ đạo.