Chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào trí thông minh nhân tạo, xe điện, và chip máy tính để tạo ra sức mạnh của nhà vô địch công nghệ cao.
Tháng 8/2017, Mỹ bắt đầu mở cuộc điều tra Trung Quốc về hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mối quan tâm đáng lo ngại hơn nằm ở những nỗ lực lớn của Bắc Kinh nhằm đạt được tham vọng thống trị thế giới công nghệ trong tương lai.
Dưới đây là một số lĩnh vực công nghệ chủ chốt mà Đại lục đang bơm tiền để sớm vượt qua Mỹ, theo tổng hợp từ CNN.
Trí tuệ nhân tạo
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây tiên đoán rằng bất cứ ai trở thành người lãnh đạo trí thông minh nhân tạo thì “sẽ trở thành người cai trị thế giới”. Và Trung Quốc đang nhắm tới vị trí đó. Quốc gia châu Á đã đưa ra kế hoạch để trở thành một siêu cường trí tuệ nhân tạo vào năm 2030.
Ông John Choi, chuyên gia phân tích của Daiwa Capital Markets về các công ty internet Trung Quốc, cho biết ngành trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc đã nhận được “sự hỗ trợ đặc biệt từ chính phủ mà hầu hết các nước khác trên thế giới đều không thực sự có được, với mức tài trợ lớn đến thậm chí không thể so sánh”.
Trong số các đối tượng nghiên cứu của trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc đang rất chú trọng vào phát triển các camera thông minh nhằm giúp cơ quan thực thi pháp luật theo dõi mọi hoạt động của người dân và xây dựng cơ sở dữ liệu khổng lồ. Song, sự thúc đẩy không chỉ đến từ khu vực công. Giống như các đối thủ ở Mỹ, các “ông lớn” công nghệ cao của Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Baidu và Tencent đang đầu tư rất nhiều vào trí tuệ nhân tạo, cũng như thiết lập các trung tâm nghiên cứu ở Mỹ.
Xe điện
Có một lý do khiến Tesla rất mong muốn có một nhà máy sản xuất ô tô điện tại Trung Quốc. Đó là vì đất nước này là thị trường xe điện lớn nhất thế giới nhờ trợ cấp của chính phủ. Nỗ lực này đang thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện trong nước. Các công ty địa phương của Đại lục đều nằm trong số những tên tuổi sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, và người tiêu dùng Trung Quốc cũng ngày càng quan tâm đến việc phải sở hữu một chiếc xe điện.
Bắc Kinh đang tăng gấp đôi nguồn lực cho ngành công nghiệp này. Kế hoạch “Made in China 2025” yêu cầu các loại xe hybrid và xe điện sản xuất trong nước phải chiếm ít nhất 70% tổng doanh số vào năm 2025. Những hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Volkswagen và Ford gần đây đã thông báo kế hoạch phát triển xe điện ở Trung Quốc với các đối tác địa phương, đưa bí quyết công nghệ của họ vào quốc gia châu Á.
Chip máy tính
Trung Quốc là nước mua thiết bị bán dẫn nhiều nhất thế giới để sử dụng trong tất cả mọi thứ từ iPhone cho đến ô tô. Số liệu của công ty kiểm toán PwC cho thấy, quốc gia tỉ dân đã tiêu thụ gần 60% trong tổng số 354 tỷ USD của thị trường bán dẫn toàn cầu vào năm 2015. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, Mỹ hiện có ngành công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới, với số lượng các công ty chiếm khoảng một nửa thị trường toàn cầu. Nhưng nếu Bắc Kinh nỗ lực phát triển đường đi riêng, thì điều này nhiều khả năng sẽ sớm thay đổi.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng, cam kết đổ hàng tỉ USD để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn có tính cạnh tranh toàn cầu. Sau hai lần cố gắng đầu tư vào các công ty bán dẫn của Mỹ nhưng bị Washington chặn lại, công ty Tsinghua Unigroup do nhà nước hỗ trợ cam đoan sẽ chi 22 tỷ USD để xây dựng nhà máy chip nhớ tiên tiến đầu tiên của Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ cũng đã nhiều lần cảnh báo về các tham vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, gọi đó “là mối đe dọa thực sự có tính lâu dài đối với toàn bộ hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu, chứ không chỉ riêng gì các công ty Mỹ”.
Nguồn bizlive.vn