Làn sóng công nghệ IoT – Internet of Things được dự báo sẽ vượt xa làn sóng của smart phone và laptop. Dưới đây là 7 lĩnh vực nổi bật ứng dụng công nghệ IoT:
Các thiết bị đeo thông minh
Thiết bị đeo thông minh (wearable device) như đồng hồ, tai nghe, vòng tay đeo thông minh, các loại kính, ba lô… đang mang lại lợi nhuận “khổng lồ” cho các hãng công nghệ với hàng tỷ USD, tăng trưởng trên 100%/năm qua nhiều năm. Trong đó, 90-95% thị trường thuộc về đồng hồ, tai nghe và vòng đeo tay thông minh. Cụ thể: trên 40% thị phần thuộc về đồng hồ đeo tay (smartwatch), gần 40% thị phần thuộc về tai nghe, vòng đeo tay chiếm gần gần 20% thị phần, còn lại là của các thiết bị đeo thông minh khác. Lợi thế cạnh tranh đang thuộc về các hãng sản xuất có hệ sinh thái như Apple, Samsung, Xiaomi, bí quyết nằm ở hệ sinh thái công nghệ. Chẳng hạn, với Apple, nhờ việc ứng dụng công nghệ IoT, Apple tạo ra một “đế chế” riêng biệt và các sản phẩm đeo thông minh như Apple Watch, AirPods nhanh chóng phủ khắp toàn cầu, giúp Apple chiếm vị trí thứ 1 trong thị trường thiết bị đeo thông minh.
Các thiết bị đeo thông minh đang ngày càng được ưa chuộng (Ảnh minh họa internet)
Nhà thông minh (smart home)
Tại một ngôi nhà thông minh, chủ nhân có thể bật/tắt điều hòa, bình nóng lạnh, tắt đèn… cả khi không có nhà, có thể mở cửa cho khách vào chơi dù vẫn đang bên ngoài. Cuộc sống sẽ trở nên đơn giản và thuận tiện hơn. Chính vì vậy, smart home đang là một xu hướng và IoT ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ để giúp những ngôi nhà trở nên thông minh hơn, mang lại sự tiện lợi cao nhất cho con người, giúp tiết kiệm thời gian, năng lượng và tiền bạc. Nhờ ứng dụng công nghệ IoT thành công, smart home được dự đoán sẽ phổ biến như những chiếc smart phone hiện nay.
Thành phố thông minh (smart city)
Không chỉ những ngôi nhà riêng lẻ, cả thành phố có thể ứng dụng công nghệ IoT và tiến tới trở thành một thành phố thông minh. Thành phố sẽ có hệ thống giám sát thông minh đảm bảo an ninh đô thị, hệ thống quản lý năng lượng thông minh, giám sát môi trường… Các vấn đề như ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, thiếu năng lượng… phổ biến ở các thành phố lớn sẽ được giải quyết ở IoT. Với việc cài đặt ứng dụng và dùng các thiết bị thông minh, các cư dân có thể dễ dàng tìm thấy các cây xăng, siêu thị, nhà hàng, bãi gửi xe miễn phí… Hiện nay nhiều thành phố thông minh đang được xây dựng trên thế giới và ngày càng hoàn thiện để nâng cao hiệu quả quản lý cũng như chất lượng sống cho người dân.
Ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất ô tô
Ngành sản xuất ô tô đang đứng trước cơ hội tạo nên một cuộc cách mạng mới nhờ việc ứng dụng công nghệ IoT, với sự tiên phong của các thương hiệu lớn như BMW, Tesla… Giờ đây, các nhà sản xuất ô tô không còn phải lo tối ưu hóa chức năng nội bộ của chiếc xe nữa, họ quan tâm đến việc nâng cao trải nghiệm trong xe để tối ưu hóa sự hài lòng của người sử dụng. Với công nghệ IoT, chiếc xe được tối ưu hóa hoạt động, bảo trì, giúp người lái xe dễ dàng kết nối với các ứng dụng, những bản nhạc yêu thích để giải trí trong khi lái, trẻ em có thể chơi điện tử, thậm chí làm bài tập trực tuyến ngay trên xe… Thậm chí, các thông tin hiển thị trên smart phone của người dùng sẽ có thể xuất hiện xe và tự đồng bộ thông tin khi họ thay đổi trên xe hay trên điện thoại.
IoT giúp nâng cao trải nghiệm lái xe, tối ưu hóa sự hài lòng của người sử dụng (Ảnh minh họa internet)
Ứng dụng IoT trong nông nghiệp và công nghiệp
Nông nghiệp thông minh được đánh giá là lĩnh vực phát triển nhanh nhất khi ứng dụng công nghệ IoT, giúp nhà nông dễ dàng áp dụng các kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, từ đó tăng sản lượng nuôi trồng. Chẳng hạn, các thiết bị thông minh giúp cảm biến độ ẩm, thông tin chi tiết về các chất dinh dưỡng trong đất, mức độ hấp thụ nước… đồng bộ dữ liệu trên smart phone hoặc các thiết bị công nghệ, giúp nông dân có thể xác định cây trồng phù hợp, tùy chỉnh lượng phân bón cần thiết để cây tăng trưởng tốt nhất. Hoặc ứng dụng của IoT trong nông nghiệp giúp nông dân dễ dàng thu thập dữ liệu về sức khỏe của gia súc, gia cầm, từ đó nhận biết sớm dấu hiệu bệnh tật, ngăn ngừa bệnh lây lan và điều trị kịp thời. Việc kiểm soát các khâu trong quy trình chăn nuôi nhờ công nghệ IoT cũng sẽ giúp nhà nông tiết kiệm thời gian và chi phí.
Trong ngành công nghiệp, IIoT (Industrial Internet of Things) hỗ trợ kỹ thuật với các cảm biến, phần mềm, giúp nhà quản lý nhanh chóng có các dữ liệu cần thiết để giải quyết các vấn đề sớm hơn, hiệu quả cao hơn. IIoT giúp kiểm soát chất lượng và đảm bảo tính bền vững, làm tăng hiệu quả chuỗi cung ứng khi nhà cung cấp – nhà phân phối – nhà bán lẻ có thông tin nhanh chóng và chính xác về số lượng hàng hóa…
Bán lẻ thông minh
IoT đang ngày càng chứng tỏ được lợi ích của mình trong lĩnh vực bán lẻ, kể cả bán lẻ trực tiếp truyền thống hay bán lẻ trực tuyến đang rất thịnh hành hiện nay. Đó là vì công nghệ IoT giúp nhà bán lẻ kết nối được với khách hàng, dễ dàng truyền đạt các thông điệp quảng cáo và nâng cao trải nghiệm của khách hàng khi đến với cửa hàng. Việc tương tác qua điện thoại và các ứng dụng công nghệ giúp nhà bán lẻ thấu hiểu khách hàng tiềm năng, thay đổi cách bài trí cửa hàng, các mặt hàng, đội ngũ nhân viên… sao cho đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Có thể nói, tiềm năng phát triển IoT trong lĩnh vực bán lẻ rất lớn.
Trong ngành năng lượng
Khái niệm lưới điện thông minh (smart grid) đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới, giúp tiên đoán và phản ứng một cách thông minh với các hành động đơn vị kết nối với lưới điện, như nhà cung cấp điện, người tiêu thụ điện, đơn vị vừa cung cấp vừa tiêu thụ điện (ví dụ gia đình, doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời)… Mục tiêu của lưới điện thông minh là cung cấp một cách hiệu quả, tin cậy và bền vững các dịch vụ điện. Lưới điện thông minh mang lại nhiều lợi ích, như góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng điện, giảm tác động của toàn hệ thống cung cấp điện đối với môi trường… Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có hệ thống lưới điện thông minh, như Italia, Mỹ, Canada, Đức…
Trong tương lai, việc ứng dụng công nghệ IoT sẽ càng rộng rãi và IoT sẽ mang lại nhiều thành quả hơn nữa. Ứng dụng IoT trong cuộc sống được dự báo sẽ mang lại sự thay đổi trong cách con người sống và làm việc ở tầm vĩ mô.
Nguồn: Tổng hợp