Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giải đáp chính sách tài chính
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hoàng Xuân Nam – Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để triển khai cung cấp Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính tự động.
Nhiều công nghệ “lõi” ứng dụng trong ngành Tài chính
Theo ông Hoàng Xuân Nam, hệ thống hỏi đáp tự động trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tự tìm kiếm câu hỏi và trả lời các vấn đề liên quan đến thắc mắc về các chính sách của ngành Tài chính một cách tự động, thông minh; qua đó đã rút ngắn được thời gian giải đáp các vướng mắc về cơ chế chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Trung bình hàng năm có khoảng 1.500 câu hỏi gửi tới Bộ Tài chính và số lượng tăng dần hàng năm.
Ngành Tài chính đã tập trung thúc đẩy phát triển, tạo bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin – truyền thông. Đồng thời, ngành đang phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Đến nay, Bộ Tài chính đã bước đầu ứng dụng nhiều công nghệ mới là công nghệ “lõi” của cách mạng công nghiệp 4.0 gồm: Công nghệ di động (mobility), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (analytics), công nghệ điện toán đám mây (cloud) và công nghệ bảo mật (security) trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị công. Đây cũng là giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận.
Công nghệ di động đã được nghiên cứu, ứng dụng trong ngành Tài chính tương đối sớm thể hiện trong cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống Cổng thông tin điện tử toàn ngành giúp người dân, doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi thông qua mạng internet.
Tính đến hết tháng 8/2018, Bộ Tài chính đã cung cấp 167 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 271 thủ tục đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đồng thời, Cục Tin học và Thống kê đang nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ mobility cho một số ứng dụng nghiệp vụ/ứng dụng chỉ đạo điều hành tại đơn vị như các ứng dụng về quản lý văn phòng điện tử TaxOffice, ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế; hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; hệ thống thông tin chỉ đạo và điều hành phục vụ lãnh đạo….
Thiết lập môi trường làm việc điện tử
Để phát huy kết quả đạt được và nắm bắt được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp mang lại, ông Hoàng Xuân Nam cho biết, thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành Tài chính tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong hoạt động của ngành Tài chính, đặc biệt trọng tâm vào công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, công nghệ blockchain, công nghệ internet vạn vật.
“Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung hoàn thành xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử của Bộ Tài chính phù hợp với kiến trúc Chính phủ Việt Nam phiên bản cập nhật 2.0, tổ chức hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính trên nền tảng của công nghệ dữ liệu lớn, đảm bảo sự kết nối tích hợp, chia sẻ thông tin giữa bộ Tài chính với các bộ, ngành khác cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin với ngành Tài chính” – ông Hoàng Xuân Nam chia sẻ.
Bên cạnh các giải pháp nêu trên, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp lãnh đạo ngành Tài chính dựa trên cơ sở dữ liệu lớn, và thông tin tích hợp của ngành Tài chính.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ thiết lập môi trường làm việc điện tử và xây dựng Cổng giao tiếp của ngành Tài chính theo hướng tích hợp với Cổng giao tiếp của Chính phủ, trong đó tiếp tục đẩy mạnh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để trả lời, giải đáp thắc mắc các lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Tài chính, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Xuân Nam, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ hạ tầng và an toàn bảo mật thông tin tài chính. Trong đó, xây dựng hệ thống quản lý định danh thống nhất, tích hợp với các hệ thống quản lý định danh hiện có của các đơn vị và tích hợp ứng dụng, làm cơ sở cho việc phân quyền khai thác dữ liệu dùng chung toàn Ngành…/.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn