“Việt Nam có thể trở thành trung tâm thiết kế của thế giới”

- in Tổng Hợp

Mặc dù mạng di động 4G mới được triển khai tại Việt Nam nhưng lúc này khi nhìn đến mạng 5G, không phải là quá sớm để các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị cả về nhân lực, công nghệ. 

Có thể thấy mạng đi động 4G hiện nay đang được các nhà mạng trong nước triển khai đang mang lại rất nhiều lợi ích. Đối với người dùng, việc bỏ ra một chi phí chỉ cao hơn 3G một chút nhưng lại có tốc độ kết nối và lưu lượng sử dụng lớn hơn nhiều 3G đã tạo ra những lựa chọn mới, có thể thay thế cho kết nối Internet có dây hiện nay.

Đây cũng chính là tiền đề để phát triển những tiện ích mới trên môi trường Internet như Internet vạn vật (IoT) hay thành phố thông minh và cũng là cơ hội cho những thiết bị mới bên cạnh smartphone.

Theo Tiến sỹ Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương: “Hiện nay thị trường smartphone đang nhỏ lại thì đối với IoT, cuộc chơi sẽ hoàn toàn khác. Internet vạn vật có những nhánh nhỏ hơn và khi doanh nghiệp Việt Nam có năng lực thì đây sẽ là cơ hội”.

Việc phát triển các trang bị IoT và thành phố thông minh cần có sự tuỳ biến. Ví dụ hệ thống thành phố thông minh sẽ có các thiết bị như camera thông minh, đèn thông minh và những bộ tín hiệu trung tâm. Để lắp đặt ở Hà Nội, tất cả các thiết bị này đều cần tuỳ biến riêng, tới khi lắp ở thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ phải tuỳ biến lại nên thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.

Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng sẵn sàng nắm bắt cơ hội này. Kỹ sư Việt Nam có kỹ thuật tốt nhưng với những thiết kế mới vẫn cần thời gian. Cụ thể như một chi tiết ăngten của smartphone. Không phải công ty nào cũng có thể làm tốt chi tiết này do ăngten để thu tín hiệu 4G khá phức tạp hay người dùng hiện nay thích một chiếc smartphone chụp ảnh đẹp, không phải ai cũng có thể làm được.

Khi được hỏi về khả năng tiếp nhận công nghệ cũng như nắm bắt cơ hội của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ông Nam cho rằng: “Những kỹ sư của Việt Nam rất giỏi nên không có băn khoăn gì về năng lực, nhưng nguồn lực còn thiếu. Việc tuyển được những kỹ sư giỏi hiện nay rất khó. Trong khi ngành công nghệ có rất nhiều kỹ năng mới”.

Một điểm thiếu khác cũng được ông Nam nhận định đó là vốn. Bản thân việc đầu tư cho công nghệ rất rủi ro. Ở Mỹ có Thung lũng Silicon, nơi mà các doanh nghiệp chỉ cần có ý tưởng và công nghệ phù hợp sẽ không phải lo về vấn đề vốn.

Nếu so sánh trong ngành smartphone có thế thấy, việc phát triển ngành này xuất phát ban đầu từ Mỹ, sau đó tới Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và giờ đang hướng tới Việt Nam.

Trong những năm tới, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thiết kế của thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn đạt hiệu quả cao trong chuỗi giá trị phải tham gia từ khâu thiết kế.

Lúc này nhiều sản phẩm công nghệ của các công ty trong nước có thể chưa thật sự có vị trí trên thị trường ông Thiều Phương Nam cho rằng: “Với một sản phẩm công nghệ như smartphone, thời gian cần thiết để công nghệ sản xuất phát triển là từ 10 đến 15 năm. Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình này”.

Ông cũng đề cập đến các yếu tố về thị trường khi khách hàng Việt Nam thích những thương hiệu nước ngoài. Các thương hiệu trong nước cần làm thế nào để khách hàng tin rằng sản phẩm của mình là tốt.

Đối với các sản phẩm IoT ví dụ nhà thông minh, khách hàng sẽ không quan tâm đến sản phẩm đến từ nhà sản xuất nào mà quan trọng nhất là những dịch vụ và giải pháp được mang đến cho mình.

Với các mạng di động, việc chuyển sang công nghệ 5G trong tương lai sẽ không mất quá nhiều chi phí do mạng di động mới được phát triển từ cơ sở mạng 4G tốc độ cao. Chi phí với các nhà cung cấp dịch vụ có thể nằm ở phí cấp phép băng tần. Việc kinh doanh với mạng di động 5G cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn do chi phí cho mỗi GB dữ liệu còn rẻ hơn 4G hiện nay ngoài ra khách hàng của các nhà mạng sẽ có thêm cả những thiết bị thông minh thay vì chỉ smartphone như hiện nay.

Nguồn bizlive.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với