Sau 15 năm, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tăng 1.600 USD, trong khi đó con số này ở Thái Lan là 3.600 USD, Malaysia là 6.500 USD và Hàn Quốc là 16.000 USD, và khoảng cách này của Việt Nam so với các nước lớn ngày càng xa.
Phát biểu tại Hội nghị “Quản trị kinh tế hướng tới một Nhà nước kiến tạo” do Bộ Kế hoạch và đầu tư và Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 13/6 tại Hà Nội, ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư cho rằng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức và có nguy cơ ngày càng tụt hậu so với các nước khác.
Kinh tế Việt Nam ngày càng tụt hậu
Đánh giá 30 năm đổi mới của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế nhanh là một thành tựu rất lớn, góp phần đưa đất nước trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp năm 2009. Sau 3 thập kỷ, quy mô nền kinh tế đã tăng 31 lần, tỷ lệ nghèo giảm nhanh và chỉ số phát triển GNI không bị gioãng ra nhiều.
Tuy vậy, ông Vinh nhận xét rằng Việt Nam ngày càng tụt hậu hơn về thu nhập và quy mô kinh tế so với các quốc gia phát triển khác. Dù GDP tăng trung bình 6-7%/năm, nhưng số tuyệt đối không tăng nhiều do Việt Nam có xuất phát điểm rất thấp. Kinh tế châu Âu chỉ cần tăng 2% thì con số tuyệt đối đã là “ghê gớm” rồi.
Sau 15 năm, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tăng 1.600 USD, trong khi đó con số này ở Thái Lan là 3.600 USD, Malaysia là 6.500 USD và Hàn Quốc là 16.000 USD, và khoảng cách này của Việt Nam so với các nước lớn ngày càng xa, ông Vinh nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, Việt Nam ngày càng có nhiều chỉ số ngày càng tụt hậu sau thế giới, nguyên bộ trưởng nói.
Thách thức nào chờ đợi Việt Nam trong hai thập kỷ tới
Ông Vinh nêu thách thức đầu tiên là thời gian còn lại của thời kỳ dân số vàng của Việt Nam còn rất “ngắn ngủi”, chỉ còn 5-10 năm nữa.
Thứ hai, những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đang cạn kiện dần. Việt Nam đã chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, dù chưa đầy đủ, nhưng đã tạo ra nhiều động lực mạnh mẽ, đưa nền kinh tế có quy mô như hiện nay, thị trường tiền tệ và hàng hóa phát triển, xóa bỏ nỗi ảnh ánh về thời kỳ tem phiếu.
Tuy vậy các động lực đó đang tới hạn. Do đó, Việt Nam cần tìm ra những động lực mới mang tính căn cơ hơn nữa, đặc biệt về thể chế. Đây cũng là cơ hội và dư địa để phát triển, ông Vinh nói.
Thứ ba, hội nhập sâu hơn về kinh tế đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam. Nếu tận dụng tốt sự tiến bộ về khoa học công nghệ, Việt Nam sẽ tăng tính cạnh tranh và tạo ra những bước nhảy vọt.
Ngược lại, nếu không tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thì kinh tế Việt Nam sẽ còn tụt hậu xa hơn nữa.
Nói sâu về vấn đề này, ông cho rằng nhiều người lo lắng Việt Nam chưa tận dụng được cuộc cách mạng này. Trong khi Trung Quốc đang phát triển công nghệ robot và tăng tính cạnh tranh trong Cách mạng 4.0, thì Việt Nam mới chỉ đang thảo luận cách thức hòa vào cuộc cách mạng này.
Thứ tư, sự nổi lên mạnh của Trung Quốc về kinh tế có tác động đến Việt Nam. Trung Quốc là nước có xuất lớn đối với Việt Nam và nước này có thể vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vài thập kỷ tới.
Trung Quốc dự kiến sẽ co 1 tỷ người thuộc tầng lớp trung lưu giàu có trong vòng 10 năm, đồng thời phải đổi mặt với mức tiền lương tăng nhanh sẽ làm cho hoạt động sản xuất công nghiệp cuối chuỗi giá trị chuyển sang nước khác.
Thứ năm, sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu tạo ra nhiều cơ hội lẫn thách thức. Theo dự báo, tỷ lệ tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ chiếm đến 50-60% dân số vào năm 2035, so với 10% hiện nay. Điều này tạo ra chuyển đổi rất lớn về nhu cầu và dân chủ, ông Vinh nói.
Thứ sáu, tăng trưởng năng suất đã trên đà giảm xuống chỉ còn 4,5% như hiện nay, trở thành thách thức đối với tăng trưởng và việc làm đến năm 2035.
Theo ông Vinh, năng suất lao động trong khu vực nhà nước thấp hơn nhiều khu vực khác, trong khi đó năng suất lao động trong khu vực kinh tế tư nhân rất thấp. Do đó, một trong những ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới là phát triển kinh tế tư nhân.
Nhà nước kiến tạo cần tránh can thiệp sâu vào nền kinh tế
Theo nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư, xây dựng một nhà nước kiến tạo cần phân công rõ rang chức năng và nhiệm vụ giữa các nhánh quyền lực, để tránh tình trạng độc quyền và chồng chéo, để làm sao quá trình đưa ra quyết định được nhanh chóng và không để lỡ cơ hội.
Hơn nữa, cần tăng cường năng lực của Nhà nước, để Nhà nước đóng vai trò kiến tạo và tránh can thiệp chi tiết. Nếu can thiệp sâu sẽ gây hại đến nền kinh tế, ông Vinh nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần xây dựng khuôn khổ pháp luật hợp lý và bao quát, để khi quá trình phát triển bị chệch hướng thì Nhà nước thực hiện điều chỉnh thông qua khung pháp luật chứ không bằng chỉ thị, ông Vinh nói thêm.
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đề cập đến yêu cầu kiểm soát quyền lực giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp.