Phó TGĐ Viettel cho biết: “Việc mở rộng sang các ngành kinh doanh khác là một xu hướng không thể tránh khỏi”.
Theo trang DealStreetAsia (DSA) đưa tin, bộ phận đầu tư toàn cầu của tập đoàn viễn thông Viettel đã đề xuất việc thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital – VC), để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) ở nước ngoài.
Phó Tổng giám đốc Viettel là Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết rằng việc đầu tư vào startup là chuyện sớm muộn gì cũng đến, khi mà Viettel đang đa dạng hóa hoạt động kinh doanh để tìm hướng tăng trưởng mới. Trả lời DSA, ông Dũng nói: “Rất nhiều startup đang dùng cơ sở hạ tầng mạng của chúng tôi để phát triển các sản phẩm của họ, nên đây là nền tảng để hợp tác cùng nhau. Chúng tôi cũng có thể mua lại một số startup nếu các nhà sáng lập muốn thoái vốn”.
Hầu hết các tập đoàn viễn thông lớn của quốc tế đều có bộ phận VC riêng của mình, ví dụ như trường hợp của tập đoàn viễn thông lớn nhất Singapore là Singtel. Từ năm 2010, Singtel đã thành lập quỹ VC Innov8 với số vốn ban đầu là 200 triệu USD. Mục tiêu của Innov8 là đầu tư vào các lĩnh vực góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho Singtel, như các công nghệ về băng thông mạng, nội dung số, và trải nghiệm người dùng.
Ở Indonesia, hãng viễn thông Telkom có quỹ Metra Digital Innovation Ventures đang định đầu tư 25 triệu USD vào 10 startup trong năm nay. Tại Myanmar, nhà mạng Telenor Myanmar cũng có chương trình tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) riêng của mình. Còn tại Việt Nam, từ năm ngoái FPT cũng đã cho ra mắt quỹ FPT Ventures với số vốn ban đầu là 3 triệu USD.
Với mục tiêu lọt vào nhóm 20 hãng viễn thông lớn nhất thế giới, Viettel cũng đang theo đuổi chiến lược tương tự. Ông Dũng cho biết: “Việc mở rộng sang các ngành kinh doanh khác là một xu hướng không thể tránh khỏi. Một khi mạng viễn thông đã phát triển tới một giai đoạn nhất định, nếu như nhà mạng không cung cấp các dịch vụ khác và phát triển mảng nội dung thì không thể tăng trưởng tiếp được”.
Theo đó, Viettel có thể sẽ phát triển các sản phẩm mới như công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, trang thương mại điện tử hoặc trang dịch vụ y tế trực tuyến (e-healthcare). Theo ông Dũng, Viettel đang nhắm tới việc tạo ra một nền tảng dưới dạng cửa hàng ứng dụng, nơi mọi người có thể tương tác với nhau và cung cấp các sản phẩm hay dịch vụ.
Mặc dù vậy, vị đại diện Viettel vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng phát triển sắp tới của lĩnh vực viễn thông, đặc biệt là về xu hướng mạng 4G và công nghệ vạn vật thông minh (Internet of Things – IoT). Việc triển khai mạng 4G tại Việt Nam là rất quan trọng vì “đây là nền tảng để phát triển IoT, thông qua ứng dụng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chính phủ điện tử”.
Hiện tại, Viettel đã cho triển khai 4G ở các thị trường nước ngoài như Campuchia, Lào, Tanzania và Burundi trước cả thị trường nội địa. Ông Dũng giải thích: “Chúng tôi xem công nghệ 4G là một nhân tố chủ đạo trong những giai đoạn phát triển sắp tới ở các thị trường nước ngoài”.
Theo Nhipcaudautu.vn