Xây dựng thành phố thông minh từ … miếng thịt sạch

TP.HCM đang khẩn trương xây dựng Đề án Đô thị thông minh, đến ngày 15/12 dự kiến sẽ hoàn tất để trình UBND TP duyệt và công bố. Theo Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, ngoài những vấn đề vĩ mô, xây dựng đô thị thông minh cũng nhằm giúp người dân giải quyết những vấn đề thường nhật, chẳng hạn như cách lựa chọn thực phẩm an toàn.

Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM là đơn vị được giao xây dựng đề án này. ICTnews đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Thái Hỷ – Giám đốc Sở TT-TT – về những vấn đề xoay quanh đề án.

Đề án đô thị thông minh nhằm liên kết các dữ liệu thành một

Thưa ông, tại sao trước đây thành phố đã đề cập đến các vấn đề chính phủ điện tử, giao thông thông minh rồi nhưng nay mới lập đề án chính thức về đô thị thông minh?

Trước đây đã có những kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng ứng dụng trong các lĩnh vực, tuy nhiên những việc này còn riêng lẻ, chưa có sự kết nối. Trong khi đó, một trong những đặc điểm của đô thị thông minh là thu thập dữ liệu, kết nối các dữ liệu đó đồng thời phải đảm bảo các quy tắc.

dscf6112-1-

Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc sở TT-TT TP.HCM – Ảnh: H.Đ

Đô thị thông minh phải có tính tương tác, tính chia sẻ, kết nối dữ liệu,… Xu hướng đô thị thông minh đã hình thành và vài đô thị đã phát triển trong khoảng 10 năm nay. Bây giờ thành phố mới quyết tâm làm việc này vì đây là xu hướng chung của các đô thị lớn. Khi đã có big data (dữ liệu lớn) rất nhiều thì phải có hướng xử lý theo kiểu một là tập trung, hai là chia sẻ, để tập hợp những thông tin chính xác trước khi đưa ra quyết định. Khi đó việc thông tin đến người dân sẽ nhanh chóng, chính xác, tốt nhất.

Thứ hai, về mặt pháp lý, trong quyết định của Thủ tướng chính phủ số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 Phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước thì chính phủ mới bắt đầu đưa ra quyết định thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại 3 địa phương, và giao cho Bộ Thông tin Truyền thông hướng dẫn. Khi TP.HCM xây dựng đề án đô thị thông minh là rất đột phá vì chưa có một hướng dẫn nào hết.

Nhưng cần nghĩ rằng khi thành phố đã có 7 chương trình đột phá về giải quyết những bức xúc của người dân, khi đã có một chính quyền điện tử cho người dân thì phải kết hợp những thứ này lại thành một để án chung; để một dự án chống ngập, một dự án chống ùn tắc giao thông, một dự án về môi trường hay chính phủ điện tử phục vụ công dân thì đều phải liên kết với nhau. Các cấp lãnh đạo cũng cần nhận thức tầm quan trọng của hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng trong các dự án cụ thể đó, để đáp ứng mục tiêu chung là xây dựng đô thị thông minh.

Đô thị thông minh giải quyết vấn đề như thực phẩm an toàn

Trước đây TP.HCM đã có những dự án camera giám sát, thí điểm gắn tem lên thịt heo để truy nguồn gốc,… Những thứ này có phải là bước đầu của thành phố thông minh không thưa ông?

Đúng vậy. Thực ra tất cả những thứ như hệ thống camera giám sát giao thông, ghi nhận hành trình trên đường của xe khách xe buýt là những bước đầu thu thập dữ liệu và mang về xử lý, là những bước đầu của đô thị thông minh.

Ngay cả việc truy xuất nguồn gốc của thực phẩm, của thịt nói riêng cũng đang là những bước đầu ứng dụng, nhưng cần xử lý thế nào để đầu ra của truy xuất nguồn gốc này chính là đầu vào của một hệ cơ sở dữ liệu về thị trường nông sản, để từ đó mới tường tận từ đầu tới cuối chất lượng nông sản. Vì truy xuất nguồn gốc là một chuyện, còn an toàn thực phẩm lại do cách chăn nuôi thế nào, thức ăn gia súc gồm những thành phần gì có đảm bảo hay là thức ăn gia súc lậu.

Tất cả những thông tin như vậy cần được liên kết với nhau để khi người dân dùng thiết bị di động, thiết bị thông minh áp vào thực phẩm để đọc mã thì biết được quy trình sản xuất, giết mổ, cung cấp thêm thông tin rằng đây là thịt an toàn.

Công nghệ thông tin ứng dụng trong đô thị thông minh chính là thế, cung cấp cho người dân những thông tin tương đối kịp thời và chính xác để họ lựa chọn sản phẩm, trong trường hợp này là thực phẩm an toàn.

Khó khăn lớn khi triển khai là… tiền

Xin cho biết những khó khăn khi triển khai đề án này?

Khó khăn rất nhiều. Đô thị thông minh phải gắn với hạ tầng, hạ tầng phải gắn rất nhiều với tiền. Phải có những giải pháp tìm vốn từ PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư), ODA hay ngân sách để làm.

Khó khăn khác là hệ thống công nghệ thông tin đã triển khai từ trước đến nay làm sao sử dụng lại nó để hiệu quả chứ không thể bỏ hết để làm mới.

An ninh mạng cũng là một vấn đề. Đô thị thông minh là tất cả được kết nối với nhau, hay còn gọi là Internet của vạn vật, Internet of Things. Tất cả kết nối này tạo lợi thế là thu thập thông tin và xử lý kịp thời, nhưng mặt trái của việc này là hacker có thể xâm nhập hệ thống và truy vào hệ thống thông tin của thành phố, và khi đó sẽ gây thiệt hại.

Ví dụ hệ thống điều khiển giao thông thông minh có thể bị hack vào và làm ngưng trệ, làm giao thông hỗn độn. Một ví dụ dễ thấy là trường hợp Tổng công ty hàng không Việt Nam bị tấn công gần đây. Đó là những thách thức mà chúng ta phải giải quyết.

Cơ sở hạ tầng sẵn có của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có được tận dụng trong đề án này không thưa ông?

Có chứ. Vì thế chúng tôi có bước là 35 ngày, tức 7 tuần để đi khảo sát. Khảo sát hết để xem sử dụng lại cái gì, đầu tư mới cái gì. Từ hạ tầng cho đến nguồn nhân lực đều phải khảo sát.

Xin cám ơn ông.

Theo ICTNews

Bạn có quan tâm tới

Gần 90% tổ chức tại APAC sẽ ứng dụng IoT vào năm 2019

Theo dự báo của hãng phân tích thị